Khơi thông dòng chảy vốn cần quyết liệt hơn

(ĐTCK) Nhu cầu vốn của doanh nghiệp đã có dấu hiệu tăng trở lại. Điều quan trọng hiện nay là các ngân hàng phải làm sao tìm được khách hàng tốt, có nhu cầu vốn thực sự.
Những ngân hàng như SCB đang dần khôi phục sau 3 năm đẩy mạnh tái cơ cấu - Ảnh: Lê Toàn Những ngân hàng như SCB đang dần khôi phục sau 3 năm đẩy mạnh tái cơ cấu - Ảnh: Lê Toàn

Mặt bằng lãi suất đã dần hợp lý hơn để giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, song nợ xấu vẫn là rào cản với tín dụng.

Để khơi thông dòng chảy vốn cần quyết liệt hơn trong việc xử lý nợ, đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất để từng bước lành mạnh hệ thống, đẩy mạnh cho vay.

Lãi suất dần ổn định, doanh nghiệp vẫn cân nhắc

Chính sách lãi suất từng bước được điều chỉnh giảm là điều cần thiết cho nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu vốn nói riêng. Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là điều hành trên chủ trương giảm dần lãi suất để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp. Đặc biệt, mới đây, NHNN đã đặt mục tiêu giảm thêm 1-1,5%/năm lãi suất cho vay trung, dài hạn.

Tuy nhiên, với các NHTM thì điều này cũng không hẳn dễ dàng. Khi giảm lãi suất, ngân hàng phải cân nhắc giữa chi phí đầu vào và đầu ra và việc giảm lãi suất thông thường khó có thể triển khai ngay lập tức, bởi cần có thời gian để tiêu thụ phần nào nguồn vốn huy động với lãi suất cao trước đó, sau đó mới điều chỉnh dần. Đồng thời, các ngân hàng cũng phải tìm kiếm được doanh nghiệp có nhu cầu vốn thực sự hay không thì mới đáp ứng được nhu cầu vốn cho khách hàng. Đặc biệt là với những doanh nghiệp làm ăn uy tín, có doanh thu tăng trưởng thì không dễ tìm để cung ứng vốn.

Dù vậy, kể cả với mặt bằng hiện nay, lãi suất cũng không còn là rào cản cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay. Thực tế cho thấy, những nhà băng quy mô lớn và nhỏ đều đang rất chủ động và giảm lãi suất thu hút khách hàng, mở thị phần tín dụng. Các ngân hàng chủ động tìm kiếm doanh nghiệp, nhân viên ngân hàng thậm chí còn nhắn tin, gọi điện đến từng khách hàng cá nhân để chào mời vay vốn, với lãi suất ưu đãi cho khoản vay mua, sửa chữa nhà, tiêu dùng…

Nhìn chung mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm khá nhiều so với 2 năm trước và từng bước ổn định hơn. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất của Việt Nam hiện vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực, một phần do chi phí huy động vốn khó giảm thêm. Để người gửi tiền hưởng lãi suất thực dương thì lãi suất huy động phải cao hơn lạm phát.

Vấn đề tiếp cận vốn dường như nằm ở sự lựa chọn của chính các doanh nghiệp nhiều hơn. Các doanh nghiệp có hoạt động ổn định và còn vốn tự có sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trong việc sử dụng vốn vay ngân hàng trước bối cảnh thị trường còn những khó khăn nhất định hiện nay. Do vậy, dù lãi suất ngân hàng dành cho các đối tượng khách hàng này thực sự đã ưu đãi và rẻ hơn nhiều so với trước (chỉ 5-6%/năm), nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng ồ ạt vay vốn ngân hàng.

Các doanh nghiệp cũng phải “liệu cơm – gắp mắm” để tiết kiệm chi phí, tạo doanh thu, đồng thời, phải tính toán về nhu cầu sử dụng vốn vay để mở rộng sản xuất - kinh doanh, nhằm tránh việc chi phí đội lên cao trong hoạt động.

Ông Huỳnh Bửu Sơn, Chuyên gia tài chính, ngân hàng 

Kỳ vọng vào thị trường bất động sản?

Trong thời gian qua, hầu hết các nhận định được đưa ra là thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên. Thế nhưng, người mua nhà vẫn kỳ vọng lãi suất và giá bất động sản giảm thêm, cho dù mặt bằng lãi suất và giá bất động sản hiện nay được cho là hợp lý để vay mua nhà. Tuy nhiên, tín dụng mua nhà dù được quảng bá nhưng điều kiện giải ngân vẫn rất chặt chẽ. Việc rót vốn vào bất động sản luôn được các ngân hàng cân nhắc kỹ, vì thực tế, nợ xấu ngân hàng chủ yếu tập trung ở lĩnh vực bất động sản.

Việc kỳ vọng thị trường bất động sản sôi động không chỉ đến từ yếu tố lãi suất và giá bất động sản đã về mức hợp lý, mà quan trọng vẫn là sự hồi phục của nền kinh tế. Nếu kinh tế trên đà phát triển, đầu tư nước ngoài và trong nước tăng lên hay không… thì mới có thể khai thông được dòng chảy thị trường bất động sản.

Chu kỳ tăng của bất động sản trong vòng khoảng 6 năm. Thị trường bất động sản đã trầm lắng từ những năm 2010 - 2011 và đang ở trong vùng đáy, vì  thế, có thể kỳ vọng hồi phục trong 2-3 năm nữa.

Thị trường bất động sản và nền kinh tế luôn song hành với nhau. Một khi kinh tế hồi phục nhanh thì thị trường bất động sản cũng sẽ phát triển rất mạnh. Bất động sản bao giờ cũng đi sau kinh tế vĩ mô phát triển. Nhưng ngược lại, khi đến chu kỳ giảm thì bất động sản lại giảm trước khi kinh tế vĩ mô đi xuống.

Vì thế, với tình hình kinh tế vĩ mô đang ấm dần lên có dấu hiệu hồi phục thì bất động sản có cơ hội để hồi phục 2-3 năm tới. Và khi bất động sản hồi phục sẽ là điều kiện tốt để giải quyết được bài toán nợ xấu tồn đọng.

Cần quyết liệt xử lý nợ xấu, khơi dòng chảy vốn

Làm thế nào để ngân hàng – doanh nghiệp có thể hiểu nhau trong quá trình cung ứng và tiếp cận vốn? Trên thực tế, các ngân hàng luôn hiểu doanh nghiệp. Nhưng hiểu là một chuyện, cung ứng vốn cho doanh nghiệp lại là chuyện khác. Hệ thống ngân hàng và ngay cả doanh nghiệp trong thời gian qua đã trải qua một giai đoạn khó khăn. Một mặt, các ngân hàng phải khắc phục các khoản nợ xấu cũ, mặt khác phải tìm khách hàng mới để cho vay ra, với mặt lãi suất phải đảm bảo được hiệu quả. Các khoản vốn huy động lãi suất cao thời gian qua chưa tiêu thụ hết, do đó tín dụng khó tăng trưởng, nợ xấu vẫn là rào cản trong quá trình phát triển hoạt động cho vay.

3 năm qua, mặc dù công cuộc tái cấu trúc ngành ngân hàng gắn liền với xử lý nợ xấu bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, song thực tế vẫn còn trăm bề ngổn ngang. VAMC ra đời và đến nay đã mua lại một lượng nợ xấu rất lớn, làm sạch bản cân đối kế toán tạm thời cho các ngân hàng. Cụ thể, VAMC đã mua trên 130.000 tỷ đồng nợ xấu và kế hoạch trong năm nay mua tiếp 80.000 tỷ đồng nợ xấu từ các NHTM. Thế nhưng, để xử lý nợ xấu được một cách triệt để thì VAMC chưa thể thực hiện được. VAMC chỉ mới là “cái chổi” nhỏ, chưa thể “quét” sạch được nợ xấu cho các NHTM. Vì vậy, đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn.

Việc cho phép thực hiện mua – bán nợ theo cơ chế thị trường theo Nghị định 34 vừa được ban hành thay thế Nghị định 53 sẽ là giải pháp tốt. Nhưng liệu việc phát mãi tài sản đảm bảo có được đẩy mạnh hay không, đặc biệt là vấn đề định giá tài sản đảm bảo liệu có được thực hiện suôn sẻ? Vì thực tế thời gian qua cho thấy, việc giải quyết được những vướng mắc này rất khó…

Một trong những giải pháp đang được NHNN đẩy mạnh là sáp nhập, hợp nhất. Tất nhiên, M&A cũng đòi hỏi phải được làm một cách quyết liệt, khéo léo, nhưng cần thiết. NHNN cho biết, sẽ sớm thông qua các thương vụ M&A trong năm nay. Nhưng trên thực tế cho thấy, có không ít thương vụ sau 1 năm chấp thuận chủ trương mới được thông qua chính thức. Vì thế, để giải quyết được nợ xấu phải quyết liệt, mạnh tay hơn, kể cả sử dụng biện pháp hợp nhất, sáp nhập, không thể kéo dài thời gian thêm nữa.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hiểu rằng, nguồn lực của NHNN là có hạn. Mặt khác, việc sáp nhập, hợp nhất ngân hàng cũng có những vấn đề nhạy cảm được cân nhắc. Đó là chưa kể đến các ngân hàng sau M&A chưa thể đẩy mạnh ngay quá trình cho vay, do còn phải từng bước tái cơ cấu cũng như xử lý nợ xấu, tức là đòi hỏi phải có thời gian để hồi phục.

Trong quá trình tái cấu trúc vừa qua, có những ngân hàng đang dần khôi phục sau 3 năm đẩy mạnh tái cơ cấu, song cũng có những nhà băng không thể vượt qua khó khăn buộc phải bán lại 0 đồng cho NHNN.

Tuy nhiên, việc quốc hữu hóa ngân hàng hay mua lại 0 đồng không phải là giải pháp tốt, mà nên đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất. Việc ngân hàng lớn sáp nhập thêm ngân hàng nhỏ chưa hẳn đã kéo lùi hoạt động của ngân hàng lớn, mà còn tùy thuộc vào ngân hàng được sáp nhập vào có yếu kém hay chỉ do phải sáp nhập. Để đẩy mạnh Đề án Tái cơ cấu ngành, NHNN đang từng bước đẩy mạnh để giảm số lượng. Nhưng nếu việc thu gọn số lượng ngân hàng không đi đôi với việc nâng cao chất lượng hoạt động của các ngân hàng thì sẽ không tốt với các khách hàng.

Huỳnh Bửu Sơn
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2015

Tin cùng chuyên mục