Doanh nghiệp lo tắc dự án
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN, quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng), có hiệu lực từ ngày 1/9/2023, các doanh nghiệp lo ngại thông tư này có thể tạo ra rào cản khiến bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi vì cho rằng, thông tư đã dựng thêm “rào chắn” tiếp cận tín dụng so với trước đây (quy định tăng thêm từ 6 lên 10 trường hợp mà tổ chức tín dụng không được cho vay), sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà và nhà đầu tư không tiếp cận được tín dụng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, vị lãnh đạo doanh nghiệp đang là chủ đầu tư một dự án lớn tại Thủ Đức (TP.HCM) chia sẻ, Thông tư 06 có quy định tổ chức tín dụng không được cho vay đối với dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Theo giải thích của phía ngân hàng, dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh là dự án tối thiểu phải có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, nhưng để có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì doanh nghiệp phải nộp xong tiền sử dụng đất và các thủ tục pháp lý khác. Trong khi đó, tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng rất lớn trong phát triển dự án và doanh nghiệp cần huy động ở thời điểm ban đầu triển khai dự án, nhưng ngân hàng lại siết không cho vay thì coi như đã chặn đứng hoạt động của doanh nghiệp và dự án sẽ “bất động”.
Thông tư 06/2023/TT-NHNN cần bám sát tinh thần Nghị quyết 33/NQ-CP, chỉ rõ các đối tượng được hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về tín dụng, để thị trường bất động sản phát triển bền vững.
“Còn nếu dự án đã đủ điều kiện kinh doanh, thì chủ đầu tư sẽ không dại gì đi vay tín dụng ngân hàng. Vì lúc này, chủ đầu tư đã được phép mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, nên hoàn toàn có thể huy động vốn từ khách hàng rẻ hơn nhiều, lại gắn với việc bán được hàng”, vị lãnh đạo doanh nghiệp này nói và cho biết thêm, chủ đầu tư chỉ cần nguồn vốn tín dụng ở thời điểm ban đầu, khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, còn khi đã đủ điều kiện kinh doanh thì doanh nghiệp hoàn toàn huy động được từ nhiều nguồn khác, chứ không nhất thiết chỉ có nguồn tín dụng.
Tương tự, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cũng cho rằng, Thông tư 06 chưa bám sát tinh thần Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Chưa chỉ rõ các đối tượng được hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về tín dụng. Trong khi đó, lại chỉ ra những đối tượng không được vay một cách chung chung, mơ hồ, khiến cho các ngân hàng thương mại, nếu không có thiện chí cho vay sẽ dễ dàng từ chối hồ sơ của khách hàng bất động sản một cách “đúng quy định”.
Điều này, vô hình trung sẽ gây ảnh hưởng tới nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan, ban ngành, thậm chí của cả hệ thống ngân hàng trong công cuộc đồng hành và vực dậy thị trường bất động sản. Từ đó, đại diện VARs kiến nghị, nên tạm dừng Thông tư 06 để nghiên cứu, ban hành nghị định có nội dung bám sát và theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 33/NQ-CP.
“Nghị định này nên đi theo hướng làm rõ đối tượng được vay. Đồng thời, xây dựng phương án cho vay đối với những đối tượng đặc biệt, cơ chế giám sát, bảo đảm hiệu quả sau cho vay. Thủ tục cho vay cần quy định chi tiết, rõ ràng”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARs chia sẻ.
Ngân hàng khẳng định bất động sản được hưởng lợi
Qua phản ánh của các chủ thể chịu tác động và các chuyên gia, trong cuộc họp mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu kỹ những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, làm rõ bản chất vấn đề để có giải pháp điều chỉnh phù hợp, đúng pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản trong điều kiện hiện nay.
Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng luôn tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Cũng theo ông Quang, Thông tư 06 đã bắt kịp xu hướng hoạt động ngân hàng như: cho vay khách hàng hướng tới số hóa thông qua các phương tiện điện tử, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức tín dụng và tiết kiệm chi phí giao dịch cho nền kinh tế. Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước còn bổ sung quy định tổ chức tín dụng được cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác, áp dụng cho hoạt động tiêu dùng, trong đó có nhu cầu mua nhà...
Tác động này rất lớn, tạo điều kiện cho khách hàng vay mua nhà ở, bất động sản vay với mức lãi suất thấp hơn, dịch vụ tốt hơn và gia tăng quyền lợi khác trong hoạt động đi vay vốn. Với những điểm thay đổi này, khách hàng vay vốn, trong đó có khách hàng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản được hưởng lợi từ Thông tư 06 mang lại.
Sau khi Thông tư 06 có hiệu lực từ ngày 1/9 tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo sát diễn biến của thị trường cũng như phản hồi của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề để xem xét.
“Cần thiết sẽ chỉnh sửa, bổ sung nhằm đảm bảo hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng luôn an toàn, lành mạnh và không có những rủi ro phát sinh. Từ đó, đảm bảo Thông tư 06 đi vào cuộc sống và vận hành tốt, đáp ứng tối đa nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực kinh doanh bất động sản”, ông Phạm Chí Quang khẳng định.