Khơi thông “điểm nghẽn” đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được coi là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh cả sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đang sụt giảm. Tuy nhiên, “điểm nghẽn” này vẫn chậm được khơi thông.
Đã có chuyển biến khá tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Đức Thanh Đã có chuyển biến khá tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Đức Thanh

Áp lực tăng tốc giải ngân

Dù từng bước được cải thiện, nhưng giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt kỳ vọng. Báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ước tính đến cuối tháng 5/2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 157.000 tỷ đồng, đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tỷ lệ này tương đương so với cùng kỳ năm 2022 (22,37%), nhưng xét về giá trị tuyệt đối, lại cao hơn 35,5%, tương đương 41.000 tỷ đồng. “Như vậy, chúng ta đã đẩy một lượng vốn lớn ra nền kinh tế, hỗ trợ đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực, giải quyết việc làm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Rõ ràng, đã có chuyển biến khá tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công. Và đó là kết quả từ nỗ lực của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua. Báo cáo tại nghị trường Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 16 nghị quyết, 6 công điện, 2 chỉ thị, tổ chức 4 hội nghị trực tuyến và duy trì 5 tổ công tác liên tục của Chính phủ để đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công.

Riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã ban hành 7 công điện, 6 văn bản đôn đốc, hướng dẫn, đồng thời trực tiếp làm việc với nhiều địa phương để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư công. Nỗ lực như vậy, nên những năm gần đây, giải ngân vốn đầu tư công đã có nhiều cải hiện. Năm 2022, tỷ lệ giải ngân đạt 91,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, là năm thứ hai liên tiếp tỷ lệ giải ngân đạt trên 90%.

“Chính phủ đặt mục tiêu năm nay giải ngân đạt 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng Chính phủ quyết tâm chỉ đạo quyết liệt để đạt được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Đúng là một nhiệm vụ rất khó khăn, bởi qua gần nửa năm, mới có trên 157.000 tỷ đồng được giải ngân. Trong khi đó, năm nay, tổng nguồn lực đầu tư công lên tới hơn 710.000 tỷ đồng. Thời gian còn lại của năm phải đưa được số vốn “khủng” này vào nền kinh tế là một áp lực không nhỏ.

Áp lực càng hơn khi nền kinh tế đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng GDP quý I/2023 chỉ đạt 3,32%, mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% khó đạt được, trong khi các động lực tăng trưởng khác như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp vẫn trong xu hướng suy giảm, chưa thể sớm lấy lại đà tăng trưởng.

Đây cũng là một trong những lý do khi thảo luận tại Quốc hội mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự trăn trở, lo lắng khi giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, phải thúc đẩy giải ngân để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Đầu tư công được xem là công cụ dẫn dắt, là vốn mồi kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho thấy, công tác này còn nhiều tồn tại, yếu kém kéo dài, từ công tác xây dựng kế hoạch, lập dự án đầu tư, phân bổ vốn, triển khai thi công, giải ngân, quyết toán vốn đầu tư, tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng của nền kinh tế”, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) nói và cho rằng, cần các giải pháp hữu hiệu, thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật để khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém của công tác đầu tư công - vốn đã kéo dài nhiều năm.

Cùng quan điểm, đại biểu Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) cho rằng, áp lực giải ngân trong những quý còn lại của năm 2023 là rất lớn. “Đây là một trong những điểm nghẽn tác động tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư”, đại biểu Triệu Quang Huy nói.

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ nỗi lo như vậy. Song ở góc độ khác, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), sau khi dành cả buổi trưa để rà soát các số liệu, đã cho rằng, nói “giải ngân đầu tư công rất chậm và là điểm nghẽn” là “chưa thỏa đáng”.

“Nói chậm thì được, còn rất chậm thì tôi thấy không đúng”, ông Trần Hoàng Ngân nói và dẫn một loạt con số để chứng minh. Đó là năm 2017 giải ngân 73%; năm 2018 giải ngân 66,9%; năm 2019 giải ngân 67,%; trong khi các năm 2000 - 2022 đều trên 90%, có năm trên 93%. “Rõ ràng trong 2 năm qua, tốc độ giải ngân đã tốt hơn bình quân 5 năm 2016 - 2020 (75,6%). Đây là một nỗ lực, chúng ta phải đánh giá đúng mực”, ông Trần Hoàng Ngân nói.

Ông Ngân cũng nhấn mạnh một điểm đáng lưu ý nữa, là giai đoạn 2016 - 2020, vốn đầu tư công chỉ có 2 triệu tỷ đồng, còn trong 5 năm 2021 - 2025 là 2,8 triệu tỷ đồng, một con số quá lớn. “Tôi đánh giá cao nỗ lực này, dù đúng là chậm, cần phải khắc phục”, ông Ngân một lần nữa nhấn mạnh.

Khơi thông “điểm nghẽn” để thúc tăng trưởng

Những nỗ lực trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là điều không thể phủ nhận. Nhưng giải ngân chậm cũng là một thực tế và đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cũng như nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, chỉ có 7 bộ, cơ quan và 24 địa phương giải ngân đạt trên 25% kế hoạch; trong khi có tới 44 bộ, cơ quan và 29 địa phương giải ngân dưới mức trung bình cả nước.

Chính ông Trần Hoàng Ngân, khi phát biểu tại nghị trường Quốc hội đã nhắc đến một dự án dở dang mà ông đã “đeo đuổi” 3 khóa rồi. Đó là Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. “Tôi đề nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ dự án này”.

Trong khi đó, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) “tiếp tục đề đạt, chuyển tải nguyện vọng” của cử tri và chính quyền nhân dân Long An về việc sớm triển khai lại tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa. Dự án này đã được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt đầu tư cuối năm 2007 và bắt đầu triển khai thi công từ năm 2009, nhưng đến tháng 3/2011 thì dừng theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.

“Dự án này sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, tăng cường quốc phòng an ninh ở biên giới Tây Nam”, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nói và cho biết, theo kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ đầu tư Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đến nay tiến độ triển khai còn rất chậm.

Trước đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã gây sự chú ý của dư luận khi cho biết, tồn dư ngân quỹ nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng đã lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng. Gọi đây là vấn đề “nhức nhối”, bởi một quốc gia còn nghèo, luôn thiếu vốn cho đầu tư phát triển, nhưng phải đối mặt với một nghịch lý tiền sẵn trong túi mà không tiêu được, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, đây chính là “cục máu đông” gây tắc nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế.

“Tiền thuế, phí của doanh nghiệp và người dân nộp về Kho bạc Nhà nước nằm ‘đắp chiếu’ chủ yếu ở Ngân hàng Nhà nước và không quay lại được nền kinh tế do sự tắc nghẽn ở kênh giải ngân đầu tư công”, ông Hà Sỹ Đồng nói.

Đây thực sự là vấn đề nhức nhối, bởi câu chuyện “có tiền mà không tiêu được” không phải chỉ được nhắc đến một lần. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh việc không được để tình trạng “có tiền không tiêu được”, hay “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”…, nhưng tình hình chưa có nhiều cải thiện.

Có rất nhiều lý do được đưa ra, bao gồm chuyện giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu, trách nhiệm của người đứng đầu, công tác chuẩn bị đầu tư… Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư một lần nữa nhấn mạnh nguyên nhân từ việc chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị giao kế hoạch hằng năm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn thiếu chủ động và chậm trễ.

Hiện nay, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước trung ương năm 2023 vẫn chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. Trong đó, chủ yếu là các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thì chưa hoàn thành thủ tục ký hiệp định vay, chưa được ký thỏa thuận vay với nhà tài trợ…

Thậm chí, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, mới cuối tháng 5/2023, nhưng đã có trường hợp địa phương đề nghị xin hoàn trả ngân sách trung ương do tỉnh đánh giá khả năng không giải ngân hết, dù các chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian qua là không được để lặp lại tình trạng “xin trả lại vốn”.

Ngoài các nguyên nhân trên, tại nghị trường Quốc hội mới đây, các đại biểu Quốc hội còn nhấn mạnh chuyện đùn đẩy, né tránh và làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm của cán bộ. “Vì sao đã năm thứ ba thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn rồi, hoàn thành thủ tục rồi, đáng lẽ phải càng về cuối càng giải ngân cao và giải ngân dễ hơn, mà vẫn như vậy”, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đặt câu hỏi và chỉ ra rằng, vấn đề không phải nằm ở thể chế, hay cơ chế phân cấp, mà ở khâu thực thi, ở trách nhiệm của người đứng đầu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhiều lần nhấn mạnh điều này. Trả lời ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã phải “xin khẳng định lại một lần nữa”, là đến nay, tất cả các vấn đề phân cấp, phân quyền của đầu tư công đã triệt để, giao hết tất cả các quyền cho các bộ, ngành và địa phương. Giải ngân chậm là ở khâu tổ chức thực hiện.

“Tôi đề nghị các đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp quan tâm và giám sát ngay địa phương mình, ngành mình để cùng với Chính phủ tạo chuyển biến tích cực hơn trong giải ngân đầu tư công trong thời gian tới, để góp phần phát triển kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, năm 2023 là năm thứ 3 triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cần được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao 161.848 tỷ đồng kế hoạch vốn của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện 223 nhiệm vụ, dự án. Trong đó, vốn kế hoạch năm 2022 là 38.155 tỷ đồng, vốn kế hoạch năm 2023 là 108.366 tỷ đồng. Hiện còn 14.152 tỷ đồng chưa giao vốn kế hoạch, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất không tiếp tục phân bổ số vốn hơn 509 tỷ đồng.

Ước đến ngày 31/5/2023, giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đạt hơn 23.115 tỷ đồng, bằng 16,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục