Khơi rộng dòng chảy vốn vào nền kinh tế

(ĐTCK) Gần 600 doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 theo các quyết định được Chính phủ ban hành trong quý II năm nay đã cho thấy thông điệp mạnh mẽ về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, góp phần tiếp tục giải phóng nguồn lực trong xã hội. Một khối lượng công việc khổng lồ đang ở phía trước.
Khơi rộng dòng chảy vốn vào nền kinh tế

Nguồn cung phong phú

Ngày 10/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1001/QĐ-TTg phê duyệt “Phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đến năm 2020”.

Theo đó, số lượng doanh nghiệp mà SCIC bán vốn nhà nước trong giai đoạn 2017 - 2020 là 132 công ty. Trong số đó, có nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả trên thị trường như Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Dược Hậu Giang, Traphaco, Domesco, Vinaconex, Bảo Minh…

Tiếp đó, ngày 17/8/2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt danh mục doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn và tỷ lệ thoái vốn tối thiểu theo từng năm của doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2017 – 2020. Số doanh nghiệp Nhà nước sẽ thoái vốn là 406 lượt doanh nghiệp, tổng số vốn dự kiến thoái theo mệnh giá khoảng 65.000 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp trong danh sách này nhận được sự quan tâm đặc biệt của thị trường như Viglacera, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng công ty Thép Việt Nam cùng một số doanh nghiệp tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng… Nếu kể thêm cả hai doanh nghiệp dẫn đầu ngành bia là Habeco và Sabeco đang cấp tập triển khai thoái vốn, danh sách này càng tăng thêm độ nóng.

Nhìn vào những cái tên đã liệt kê, giới phân tích tài chính cho rằng, có thể phân hạng thành 3 nhóm. Thứ nhất là những doanh nghiệp có vị thế đầu ngành, kinh doanh hiệu quả; Thứ hai là nhóm doanh nghiệp tầm trung không quá nổi trội, nhưng vẫn có những yếu tố thu hút nhà đầu tư như thương hiệu, kinh nghiệm, đội ngũ nhân sự và thị trường đặc thù; Nhóm 3 là các doanh nghiệp hầu như không có lợi thế, tài sản gì hoặc vì những lý do đặc thù rất khó bán.

Nhu cầu hàng tốt vẫn cao

Ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, có nhiều tổ chức trong và ngoài nước sẵn sàng đầu tư lớn vào các doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SHS chia sẻ quan điểm trên khi cho rằng, lợi thế của doanh nghiệp nhà nước là thương hiệu, thị trường, nhân sự và cả bề dày lịch sử hoạt động. Nếu có hàng tốt, sức cầu không thiếu.

Khơi rộng dòng chảy vốn vào nền kinh tế ảnh 1

Còn tại Diễn đàn Doanh nghiệp VBF, Nhóm Công tác thị trường vốn, đại diện cho tiếng nói của các nhà đầu tư nước ngoài luôn phản ánh rằng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang trông chờ các đợt cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Việt Nam để có cơ hội mua được số lượng lớn cổ phần.

Họ cũng so sánh quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với các thị trường khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan để thấy Việt Nam chưa tận dụng tốt nguồn lực kinh tế đại chúng.

Đẩy nhanh tiến độ bán vốn, quyết liệt từ Chính phủ

Cung - cầu đều không quá lệch pha, vậy những nút thắt khiến tiến độ thoái vốn chưa được như mong muốn thời gian qua là gì? Theo ông Phùng Văn Hùng, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, quy trình bán vốn phải công khai, minh bạch và bán theo đúng giá thị trường.

Có thể thấy, với nhóm doanh nghiệp 1 và 2, vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là bán như thế nào để thu về lợi ích tối đa cho Nhà nước, để doanh nghiệp tiếp tục phát triển trong tương lai.

Thực tế đã nảy sinh không ít câu chuyện bán vốn gây ồn ào dư luận. Gần nhất là vụ việc Tổng công ty Thuốc lá Vinataba, công ty mẹ sở hữu 51% vốn của Bánh kẹo Hải Hà (HHC), thoái toàn bộ phần vốn sở hữu cho một cá nhân là bà Nguyễn Thị Duyên.

Nhà đầu tư này chấp nhận bị phạt để mua chui cổ phần (không công bố thông tin chào mua số lượng lớn). Sau đó, lượng cổ phần này tiếp tục được chuyển nhượng lòng vòng và hiện nay HHC rơi vào cảnh “nhồi da xáo thịt” giữa các cổ đông lớn, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 triệu tập đến lần thứ hai vẫn bất thành.

Trước đó là phiên khớp lệnh lịch sử trên HNX diễn ra ở cổ phiếu Gelex khi hàng trăm lệnh được khớp đầu giờ một phiên giao dịch với giá trị lên tới gần 2.000 tỷ đồng. Toàn bộ vốn Nhà nước được sang tay rất “nhẹ nhàng”, khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi: “Nếu bán rộng rãi, số tiền nhà nước thu được sẽ còn lớn hơn được bao nhiêu?”.

Về tiến độ thoái vốn chậm trễ tại Sabeco và Habeco, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đặt câu hỏi: “Có hay không tình trạng lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sợ khi vốn nhà nước tại doanh nghiệp không còn thì họ mất ghế, không còn quyền lợi?”.

Với nhóm doanh nghiệp khó bán, có vô số vấn đề khó khăn. Số liệu thống kê của SCIC cho thấy, hiện Tổng công ty này có đến 27 doanh nghiệp bán vốn đến lần thứ hai không thành công, thậm chí có doanh nghiệp bán đến lần thứ 6 vẫn không ai mua.

Đơn cử, CTCP Phương Hải có vốn điều lệ 9,502 tỷ đồng, tỷ lệ vốn nhà nước là 29%, đã triển khai bán vốn từ năm 2014, nhưng không có nhà đầu tư quan tâm do Công ty không có lợi thế cạnh tranh về sản phẩm xi măng, gạch block. Công ty thua lỗ 3 năm liên tiếp từ 2013, lỗ lũy kế đến nay là 8,06 tỷ đồng.

Cổ đông lớn là Công ty Khoáng sản Bà Rịa - Vũng Tàu (sở hữu 42% vốn) đang đề nghị giải thể Công ty Phương Hải. Năm 2016, SCIC đã thực hiện công bố thông tin bán đấu giá và bán thỏa thuận phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này với giá khởi điểm là 7.000 đồng/cổ phần nhưng không có nhà đầu tư quan tâm.

Hay như trường hợp CTCP Nông sản thực phẩm xuất khẩu Cần Thơ có vốn điều lệ 110 tỷ đồng, tỷ lệ vốn nhà nước 98%, chuyển tiếp từ năm 2014. Do ngành gạo, lĩnh vực kinh doanh chính của Công ty đang gặp nhiều khó khăn, nên không có nhà đầu tư nào quan tâm đến lĩnh vực này. Hiện Công ty đang có khoản nợ phải thu khó đòi 40 tỷ đồng

Dù việc thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp đang đứng trước khó khăn lớn, nhưng đó là mục tiêu mà Chính phủ đang quyết liệt triển khai.

Không phải ngẫu nhiên mà danh mục thoái vốn đặt ra con số năm 2017 phải thoái vốn tại 135 doanh nghiệp, năm 2018 thoái 181 doanh nghiệp, năm 2019 thoái 62 doanh nghiệp và năm 2020 thoái vốn tại 28 doanh nghiệp. Con số này đã được tính toán dựa vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó cũng đã tính toán đến mức độ hấp thụ của thị trường.

Thủ tướng đã chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt thoái vốn và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ thoái vốn nhà nước; chủ động căn cứ tình hình thị trường và thực tế tại doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ và tăng tỷ lệ thoái vốn so với tỷ lệ tối thiểu hàng năm đã được phê duyệt; bổ sung doanh nghiệp thực hiện thoái vốn sớm hơn nhưng cần đảm bảo hiệu quả, tính công khai, minh bạch.

“Với yêu cầu này, không lãnh đạo bộ, ngành, địa phương nào dám hoãn binh”, ông Hùng nêu quan điểm.

Bộ Tài chính trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện bán toàn bộ vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco, đảm bảo hoàn thành xong để chuyển tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 1/12 tới.

Làm gương với những thương vụ này vừa tạo cơ hội cho các dòng vốn mới chảy vào nền kinh tế, vừa góp phần đảm bảo nguồn thu đáp ứng cho ngân sách nhà nước từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, nhu cầu vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 từ cổ phần hóa, thoái vốn là 250.000 tỷ đồng, trong đó riêng năm nay là 60.000 tỷ đồng.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục