Theo đó, việc cấp bách nhất lúc này là khôi phục niềm tin cho thị trường, để kích thích tiêu dùng và đầu tư, và cách duy nhất để đạt điều đó là kiên quyết thực hiện cải cách nền kinh tế, giữ ổn định vĩ mô.
“Giữ ổn định kinh tế vĩ mô là cách xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư tốt nhất”
Ông Simon Andrews,
Giám đốc khu vực của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào
Trong vòng 12 - 18 tháng qua, Việt Nam đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực trong việc ổn định nền kinh tế, kiểm soát được lạm phát và áp lực lên VND đã được loại bỏ. Điều này đã tác động rất lớn đến niềm tin của các nhà đầu tư, bởi nó tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, nhà đầu tư có thể đặt ra các kế hoạch đầu tư mà họ muốn.
Đối với việc xây dựng niềm tin của giới đầu tư, sự ổn định của tỷ giá và nền kinh tế vĩ mô là điều cực kỳ quan trọng. NHNN ý thức được điều đó và đã cho thấy một sự quyết tâm cao độ trong việc đưa ra một gói các giải pháp, sau đó, đảm bảo việc thực hiện những giải pháp đó. Đó thực sự là một thách thức lớn.
Việc đưa lãi suất trở lại mức thấp sau khi đã đẩy nó lên cao là không hề dễ dàng. Khi NHNN đưa ra gói giải pháp đó, đã có nhiều nghi vấn về khả năng thành công trong việc tạo ra và duy trì một môi trường kinh doanh ổn định cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhưng đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định, các nhà đầu tư đã nhận ra hiệu quả của gói giải pháp đó.
Đã có rất nhiều tranh luận về tình hình nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Đây là một vấn đề lớn. Tôi nghĩ, khi chúng ta nhìn lại tăng trưởng tín dụng cách đây 3 - 4 năm thì không khó hiểu khi có sự gia tăng bất thường về tỷ lệ nợ xấu.
Chính phủ cần đưa ra một kế hoạch cụ thể và chi tiết để giúp các ngân hàng giải quyết tình trạng này. VAMC là một bước đi và định hướng tích cực và tôi nghĩ rằng, nó sẽ đảm bảo cho hệ thống ngân hàng giải quyết tình trạng thanh khoản trong hệ thống nếu cần thiết. Cần có một cơ chế cho việc đưa nợ xấu ra khỏi hệ thống và dần dần cải thiện chúng. Tôi nghĩ rằng, cũng là một quy tắc tốt khi VAMC yêu cầu các ngân hàng giảm giá trị các khoản nợ trong suốt thời gian nắm giữ trái phiếu.
“Nhiệm vụ cấp bách là khôi phục niềm tin để thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng”
Ông Nirukt Sapru,
Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered khu vực
Việt Nam, Campuchia và Lào
Việt Nam hiện là một nền kinh tế hai tốc độ. Xuất khẩu đang tăng trưởng hết sức mạnh mẽ, trong khi tiêu dùng nội địa vẫn chưa phục hồi. Lĩnh vực ngân hàng, bất động sản và khối các DN nhà nước còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Chính phủ đã có một bước khởi đầu khá tốt trong việc giải quyết các vấn đề trong ba lĩnh vực này, tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm.
Một tín hiệu đáng mừng đó là Việt Nam tiếp tục là một điểm đến đầu tư hết sức hấp dẫn đối với các DN sản xuất nước ngoài. Chính phủ cần phải cải thiện hơn nữa sự hấp dẫn đó để thu hút các nhà đầu tư. Lĩnh vực tư nhân đang ngày càng lớn mạnh, trong đó, đi đầu là các DN có năng lực sáng tạo và dám nghĩ dám làm.
Tuy nhiên, nền kinh tế nội địa cần phải được kích cầu hơn nữa. Các DN tư nhân đang đóng góp đến 50% vào GDP và tạo ra 90% việc làm của cả nước. Với dân số 90 triệu người và cơ cấu dân số hấp dẫn, tiêu dùng nội địa sẽ tiếp tục là động lực quan trọng của nền kinh tế trong thời gian tới. Cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực thuế và hải quan là điều cần thiết, tuy nhiên, nhiệm vụ cấp bách trước mắt là khôi phục niềm tin trên thị trường để thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng. Một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam cần phải cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng.
Về dài hạn, Việt Nam có một nền tảng cơ bản hết sức mạnh mẽ. Việc đặt trọng tâm vào giáo dục và nâng cao trình độ của các tầng lớp dân cư đang tạo ra một nền móng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai. Trong bối cảnh số lượng người có trình độ và tay nghề cao tham gia lực lượng lao động ngày càng gia tăng, tôi tin tưởng rằng, nền kinh tế sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, mang đến chất lượng sống tốt hơn cho người dân.
“Nếu Việt Nam kiên quyết cải cách, tốc độ tăng trưởng chắc chắn sẽ phục hồi”
Ông Sumit Dutta,
Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam)
Theo tôi, chúng ta không có một giải pháp đơn giản và dễ dàng trong tình hình hiện nay. Nếu chúng ta vội vàng nới lỏng chính sách tiền tệ và tung ra các gói kích cầu ồ ạt, chúng ta sẽ gặp rủi ro về bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát rất lớn trong thời gian tới. Nếu chúng ta không nới lỏng chính sách tiền tệ và cũng không thực hiện cải cách, nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng giảm tốc từ từ.
Chính phủ đã đưa ra mục tiêu trong năm 2014 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và kiên quyết thực hiện 3 trọng tâm cải cách. Đây chính là giải pháp cho kinh tế Việt Nam. Hệ thống ngân hàng cần được lành mạnh hóa bằng việc xử lý nợ xấu, minh bạch hóa tình hình tài chính, xóa cơ chế sở hữu chéo và cho vay các cổ đông liên quan. Các DN quốc doanh cần phải được quy hoạch lại. Những DN nào hoạt động kém hiệu quả nên kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, thu hẹp hoạt động hoặc đóng cửa.
Chúng ta cũng nên xem xét việc bán cổ phần các DN quốc doanh làm ăn hiệu quả nhưng không phải nằm trong lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế để tạo nguồn vốn cho Chính phủ đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược khác. Đầu tư công cần được kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.
Về tình hình bên ngoài, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng trong năm 2014. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa chúng ta không có rủi ro. Rủi ro lớn nhất là việc Trung Quốc sẽ hạ cánh đột ngột cộng với nợ xấu tại các ngân hàng Trung Quốc tăng vọt và khủng hoảng nợ của các chính quyền địa phương. Nếu Trung Quốc hạ cánh đột ngột, có khả năng sẽ có một cuộc khủng hoảng kinh tế từ khu vực châu Á, trước khi lan ra toàn cầu. Fed thực hiện giảm chương trình nới lỏng định lượng quá nhanh trước khi kinh tế Mỹ thực sự tăng trưởng bền vững cũng là một rủi ro lớn khác, có thể khiến các luồng vốn nóng tháo chạy khỏi các thị trường đang phát triển.
Về tình hình trong nước, rủi ro lớn nhất là việc chậm thực hiện các chương trình cải cách do lo ngại về đổ vỡ hoặc chi phí cải cách quá lớn. Việc chậm trễ thực hiện cải cách sẽ tạo thất vọng cho người dân và giới đầu tư, dẫn đến sức cầu tiếp tục giảm sút.
Việt Nam đã có giai đoạn tăng trưởng rất ấn tượng trước đây. Trong giai đoạn từ năm 1986, Việt Nam từ một nước không có đủ lương thực để ăn đã chuyển sang một nước xuất khẩu gạo nhờ vào cải cách ruộng đất. Trong giai đoạn 1999 - 2000, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng vọt khi Luật Doanh nghiệp ra đời tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Tôi tin rằng, lịch sử sẽ lặp lại, tăng trưởng sẽ hồi phục khi Việt Nam kiên quyết thực hiện cải cách nền kinh tế.
“Rủi ro lớn nhất của Việt Nam trong năm 2014 là lạm phát”
Ông Tareq Muhmood,
Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ (Việt Nam)
Nhìn nhận Việt Nam hiện nay, những hoạt động đầu tư mạnh mẽ đến từ cả trong và ngoài nước cho những lĩnh vực sản xuất. Nghĩa là không có tích lũy đầu cơ, đó là điều tốt.
Sự ổn định là chìa khóa quan trọng nhất cho tăng trưởng bền vững và việc giữ lạm phát ở mức thấp là vô cùng quan trọng. Do vậy, rủi ro lớn nhất đối với Việt Nam trong năm 2014 là lạm phát. Nếu lạm phát quay trở lại, nó sẽ mang đến sự không ổn định, lãi suất sẽ tăng và sẽ khiến DN khó có thể tiếp cận vốn. Vào thời điểm này, giá vốn mà các DN đi vay đã thấp hơn trước rất nhiều.
Hiện nay, thanh khoản tiền đồng trong hệ thống ngân hàng tương đối tốt, lãi suất thấp (ở mức hợp lý) là thời điểm lý tưởng cho các DN mới mở vay vốn để kinh doanh, có thể có khó khăn cho các DN đang hoạt động, nhưng nhìn chung đã được cải thiện đáng kể. Chính phủ nên có những bước đi thận trọng trong việc kiểm soát lạm phát.
ANZ rất lạc quan vào nền kinh tế Việt Nam bởi ANZ đã hoạt động ở Việt Nam hơn 20 năm, chúng tôi hiểu rõ về Việt Nam. Để phát triển bền vững, Chính phủ nên nhìn nhận vấn đề này một cách thận trọng hơn và nên hướng đến một mức tăng trưởng hợp lý, chứ không nên chú trọng tăng trưởng nhanh.