Tổng nợ của Trung Quốc đã lên kỷ lục 237% GDP quý đầu năm, tăng từ 148% cuối năm 2007, theo tính toán của Financial Times.
"Khối nợ của Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng liên hoàn nghiêm trọng, không chỉ với các nền kinh tế châu Á, mà còn cả châu Âu. Nó có thể châm ngòi cho một xu hướng tiêu cực mới", Pavel Teplukhin - Giám đốc Deutsche Bank Nga cho biết trong sự kiện hôm qua.
Thứ trưởng Tài chính Nga - Maksim Oreshkin cũng nhấn mạnh tích lũy nợ tốt cho các nền kinh tế châu Âu đang đi xuống, nhưng không tốt với các nền kinh tế mới nổi lớn như Trung Quốc hay Nga.
Nợ là gốc rễ của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008. Kể từ đó, khối nợ toàn cầu đã tăng dần, xét theo tỷ lệ với GDP, Ngân hàng Thanh toán Toàn cầu (BIS) cảnh báo hồi tháng 3.
Nợ toàn cầu đã chạm 135.000 tỷ USD cuối năm 2015, tăng từ gần 110.000 tỷ USD cuối năm 2007.
"Tại các nước phát triển, khi khủng hoảng lên đỉnh điểm, khối tư nhân đã dần giảm nợ, nhưng khối nhà nước lại tăng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn cả là nợ tư nhân tăng mạnh tại nhiều nước khác, đặc biệt là tại các nước mới nổi, trong đó có Trung Quốc - cỗ máy tăng trưởng toàn cầu hậu khủng hoảng", BIS cho biết.
Oreshkin nhận định khối nợ của Trung Quốc là rủi ro lớn nhất với thế giới. Trong khi đó, Andrei Klepach - kinh tế trưởng tại Vnesheconombank lại cho rằng đó là Mỹ.
Dù vậy, Oreshkin vẫn tỏ ra lạc quan. "Vỡ nợ và khủng hoảng chỉ là một phần cuộc sống mà thôi. Dĩ nhiên, thế giới sẽ còn nhiều cuộc khủng hoảng nữa. Và chúng tôi sẽ giải quyết chúng", ông kết luận.