Khối ngoại trở lại, VN-Index hướng tới mốc 1.400 điểm

(ĐTCK) Chỉ số VN-Index vừa có thêm một tuần tăng điểm tốt, thanh khoản trở lại mức trên trung bình và dòng tiền lan tỏa hầu hết các nhóm ngành.

VN-Index hướng tới 1.400 điểm

Với dòng tiền bùng nổ trở lại cùng áp lực tâm lý được giải tỏa sau khi Việt Nam và Mỹ đã có kết quả đàm phán thuế quan, một số nhóm ngành lớn như chứng khoán, bất động sản đã chứng kiến một tuần sôi động cùng mức tăng tốt. Ở chiều ngược lại, một số nhóm ngành như dệt may, khu công nghiệp điều chỉnh trở lại sau khi phản ánh thông tin thuế quan.

Khối nhà đầu tư nước ngoài có một tuần giao dịch tích cực khi mua ròng hơn 5.200 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu bluechip như SSI, MWG, MSN, FPT, VND, CTG, ACB, VIX, NLG, GMD, HCM. Có thể thấy, khối ngoại đang ưu ái những nhóm ngành lớn như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản. Trong tuần mới, những nhóm này tiếp tục được kỳ vọng hút vốn ngoại.

Trong khi đó, thị trường toàn cầu tiếp tục giằng co khi những tín hiệu tích cực và rủi ro chính sách đang đan xen. Tại Mỹ, dữ liệu việc làm tháng 6/2025 vượt xa kỳ vọng với gần 250.000 việc làm mới, củng cố niềm tin vào đà phục hồi kinh tế, nhưng đồng thời làm suy giảm kỳ vọng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất. Thị trường hiện đang định giá lại triển vọng chính sách tiền tệ, trong bối cảnh lạm phát lõi vẫn cao hơn mục tiêu và nền kinh tế Mỹ chưa phát đi tín hiệu hạ nhiệt rõ ràng.

Cùng lúc, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến áp thuế 35% lên hàng hóa từ Nhật Bản - một động thái khiến thị trường lo ngại vòng xoáy bảo hộ thương mại có thể tái diễn trên diện rộng.

Tại Việt Nam, một điểm sáng bất ngờ xuất hiện. Sau nhiều vòng đàm phán, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ chỉ chịu mức thuế 20% - thấp hơn đáng kể so với mức 46% dự kiến áp dụng trước đó. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro xuất khẩu bị gián đoạn, mà còn tạo ra cơ hội để hàng Việt mở rộng thị phần tại Mỹ. Trong bối cảnh địa chính trị thế giới phức tạp, việc duy trì mối quan hệ thương mại ổn định và có phần ưu đãi với Mỹ đang trở thành lợi thế chiến lược quan trọng cho Việt Nam.

Về kịch bản tuần này, thị trường khả năng cao sẽ xuất hiện rung lắc ở những phiên đầu tuần khi VN-Index đã có một chuỗi tăng 3 tuần liên tiếp. Tuy nhiên, thị trường có thể quay lại xu hướng tăng và đóng cửa tuần ở mức trên 1.400 điểm.

Sự trở lại của khối ngoại

Trong tuần đầu tháng 7, khối ngoại quay lại mua ròng hơn 5.200 tỷ đồng, mức cao nhất trong hơn một năm qua. Điểm đáng chú ý là lực mua xuất hiện đồng loạt trên nhiều nhóm ngành như tài chính, tiêu dùng, bất động sản, đặc biệt là nhóm cổ phiếu đầu ngành có tính thanh khoản cao. Đây là một cú huých tâm lý tích cực trong bối cảnh thị trường đang hướng tới mốc 1.400 điểm.

Bên cạnh dòng tiền, tỷ trọng sở hữu của khối ngoại cũng có xu hướng hồi phục rõ rệt. Sau một thời gian dài bán ròng và giảm tỷ lệ sở hữu xuống gần ngưỡng 16%, khối ngoại hiện đã lấy lại đà tăng, nhích lên hơn 16,2% - một con số tuy nhỏ nhưng phản ánh sự thay đổi về kỳ vọng dài hạn.

Không khó để giới phân tích liên hệ diễn biến này với khả năng nâng hạng thị trường Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong tương lai gần. Các yếu tố nền tảng như thanh khoản cải thiện, độ mở thị trường rộng hơn, nhất là cam kết cải cách của cơ quan quản lý đang giúp Việt Nam tiến gần hơn đến các tiêu chí kỹ thuật mà FTSE yêu cầu.

Nếu xu hướng mua ròng này được duy trì, đặc biệt là khi dòng vốn ETF quay trở lại mạnh mẽ, lực cầu từ khối ngoại có thể trở thành động lực kéo giá nhóm cổ phiếu bluechip đi lên. Trong bối cảnh mặt bằng định giá vẫn còn hấp dẫn, việc các quỹ ngoại đẩy mạnh giải ngân không chỉ góp phần củng cố niềm tin thị trường, mà còn có thể kích hoạt một đợt tăng giá đáng kể ở nhóm vốn hóa lớn - nơi thường dẫn dắt xu hướng chỉ số.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Chứng Khoán DSC

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục