Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, nếu như năm 2017, khối ngoại sở hữu 82,15% chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE thì sang năm 2018, con số này là 85,49%. Đến năm 2019, sở hữu chứng chỉ quỹ của khối ngoại đã tăng lên 89,45%, còn hơn 10% là thuộc sở hữu của nhà đầu tư trong nước.
Thực tế này cho thấy, dòng vốn ngoại có sự gia tăng rõ nét trong việc chọn công cụ đầu tư bị động, thay vì trực tiếp đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường.
Liên quan đến sản phẩm mới chứng quyền có bảo đảm (CW), HOSE cho hay, dù mới khai trương giao dịch (ngày 28/6/2019), nhưng khối ngoại cũng đã sở hữu đến 36,54% số CW lưu hành trên thị trường.
Trong khi đó, trên thị trường cổ phiếu, vốn ngoại vào các cổ phiếu niêm yết trên HOSE một cách ổn định trong 3 năm gần đây. Năm 2017, tỷ trọng sở hữu của khối ngoại trên HOSE là 18,88%, năm 2018 là 19,45% và từ đầu năm 2019 đến nay là 20% số cổ phiếu niêm yết.
Liên quan đến ngành chứng khoán, một trong những kế hoạch trọng tâm ngành chứng khoán đặt ra từ nay đến cuối năm là tiếp tục phát triển các sản phẩm mới trên cơ sở đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán cũng như lộ trình phát triển các sản phẩm mới phù hợp thông lệ quốc tế.
Đồng thời, triển khai hệ thống công nghệ thông tin với các tính năng nghiệp vụ mới; nâng cao công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cùng với đó là đẩy nhanh quá trình thực hiện đề án nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE.
Một nhiệm vụ có tính chất nền tảng cho thị trường là hoàn thiện Luật Chứng khoán (sửa đổi) nhằm tạo ra sự phát triển của “thế hệ hai” đối với thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Hiện tại, dự án Luật đang trong quá trình thẩm định, rà soát trước khi trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp cuối năm.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, TTCK cần cởi mở trong tư duy thu hút vốn ngoại, chẳng hạn bên cạnh các công cụ đầu tư không giới hạn sở hữu nước ngoài như chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm, dự án Luật và các văn bản pháp lý nên sớm tạo khung pháp lý cho sản phẩm NVDR. Sản phẩm phù hợp với các nhà đầu tư nước ngoài chỉ quan tâm đến lợi ích tài chính, không quan tâm đến quyền bỏ phiếu tại doanh nghiệp Việt Nam.