Khối ngoại rút ròng 3.866 tỷ đồng, vì đâu?

(ĐTCK) Theo cập nhật mới nhất của Bộ Tài chính, mặc dù vẫn mua ròng 89 tỷ đồng cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 11/2016, nhưng lũy kế 11 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tới 3.866 tỷ đồng.
Khối ngoại rút ròng 3.866 tỷ đồng, vì đâu?

Sự rút lui của dòng vốn ngoại khỏi thị trường diễn ra khá đều trong những phiên gần đây. Nguyên nhân của tình trạng này, theo lãnh đạo một công ty chứng khoán lớn, là do nhà đầu tư nước ngoài đang quan ngại biến động tỷ giá USD/VND, trong bối cảnh USD tiếp tục có khả năng tăng giá, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rục rịch tăng lãi suất.

Mặt khác, kể từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, với định hướng chính sách sẽ tập trung phục hồi tăng trưởng kinh tế bằng các giải pháp cắt giảm thuế, đang tạo ra những hiệu ứng rút vốn từ các thị trường trên toàn cầu về Mỹ.

Trong đó, chính quyền mới của ông Donald Trump dự định sẽ cắt giảm từ mức thuế suất 30% hiện tại, xuống 15% đối với các dòng vốn mà các nhà đầu tư Mỹ đang nắm giữ và đầu tư ở nước ngoài khi rút về đầu tư tại Mỹ, nên đang kích thích các dòng vốn từ các thị trường, nhất là các thị trường mới nổi chảy về Mỹ để hưởng lãi suất cao.

Đó là yếu tố bên ngoài, còn ở bên trong, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2016 vừa diễn ra, đại diện cho Nhóm công tác thị trường vốn đã dẫn ra một loạt nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chưa cải thiện khả năng thu hút dòng vốn ngoại.

Chẳng hạn, vướng mắc trong áp dụng cơ chế nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tại Nghị định 60/2015 hướng dẫn Luật Chứng khoán vẫn chưa được tháo gỡ; mức độ minh bạch của thị trường và khả năng bảo vệ nhà đầu tư còn không ít hạn chế, thiếu vắng các nhà đầu tư tổ chức trong nước; quỹ hưu trí chậm được hình thành…

Còn một lý do nữa tưởng chừng không liên quan đến động thái rút vốn của khối ngoại, nhưng theo chia sẻ của ông Dominic Scriven, đại diện cho Nhóm công tác thị trường vốn, vấn đề bảo vệ môi trường cũng là một trong những tác nhân khiến khối ngoại rút vốn. 

“Chính vì nguyên nhân này mà một nhà đầu tư lớn nhất của chúng tôi vừa rút vốn khỏi Việt Nam. Họ chưa nhìn thấy những hành động thực sự thuyết phục của Việt Nam trong bảo vệ môi trường…”, ông Dominic Scriven quan ngại.

Thực tế trên cho thấy, để thu hút hiệu quả dòng vốn ngoại, bên cạnh các nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, triển khai các giải pháp kỹ thuật để khơi thông dòng vốn ngoại, Việt Nam cần có những bước đi mạnh mẽ về phát triển bền vững ở cả tầm vĩ mô cấp quốc gia, lẫn tầm vi mô ở cấp doanh nghiệp.

Dòng vốn đầu tư trên thế giới, nhất là dòng vốn từ các thị trường phát triển cao như châu Âu, đang ngày càng hướng mạnh các hoạt động đầu tư vào các thị trường, các doanh nghiệp quan tâm đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, để tạo giá trị lan tỏa tích cực đến cộng đồng, chứ không đơn thuần là các cuộc săn tìm lợi nhuận.

Việt Nam cần nắm bắt tín hiệu mới trên, để có các đối sách đột phá trong giữ chân và thu hút hiệu quả hơn dòng vốn ngoại tham gia thị trường chứng khoán thời gian tới. Đó là mong mỏi chung trong các khuyến nghị từ những nhà đầu tư đã gắn bó hàng thập niên qua nêu lên.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục