Tiền ngoại cũng đang nhập cuộc tích cực tại một số mã ngân hàng như TPB, SSB, OCB, CTG, SHB, STB, BID hay HDB.
Với cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM - HDBank, mỗi khi giá xuống thấp do áp lực từ cung nội, các nhà đầu tư nước ngoài đã nhanh tay mua vào, đặc biệt là trong phiên đầu tuần này (14/11), khi HDB về mức giá sàn, nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân mua mạnh với tổng khối lượng mua ròng trong phiên này hơn 2 triệu đơn vị. Xu hướng mua ròng HDB tiếp tục được duy trì trong phiên hôm qua (15/11) và hôm nay (16/11), là động lực giúp cổ phiếu HDB cũng như nhiều mã ngân hàng khác đảo chiều ngoạn mục.
Chốt phiên hôm nay, HDB đóng cửa tăng 6,4% lên mức cao nhất ngày 14.900 đồng, thanh khoản gần 4 triệu đơn vị, trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 1,6 triệu cổ phiếu. Đây là phiên mua ròng thứ 5 liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu HDB kể từ 10/11.
Tính tổng trong 5 phiên, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 6,5 triệu cổ phiếu HDB, tổng giá trị mua ròng hơn 92 tỷ đồng.
Ở diễn biến liên quan, từ đầu tháng 11 đến nay, nhiều lãnh đạo HDBank đã lần lượt thông báo đăng ký mua vào cổ phiếu trong đó mới nhất, ông Nguyễn Hữu Đặng - Phó Chủ tịch HĐQT đã đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu. Tương tự, ông Đào Duy Tường - Trưởng Ban Kiểm soát cũng đăng ký mua vào số lượng cổ phiếu tương đương.
Được biết, các giao dịch trên dự kiến được thực hiện từ ngày 15/11 đến hết 14/12/2022 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận với mục đích đầu tư dài hạn.
Trước đó ngày 4/11, ông Phạm Quốc Thanh - Tổng Giám đốc HDBank đã hoàn tất mua 659.700 cổ phiếu HDB qua đó nâng tổng số cổ phiếu sở hữu lên 1,9 triệu đơn vị sau 2 đợt mua vào trong năm nay.
Về tình hình hoạt động, 9 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất vượt 16.000 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm trước trong đó thu nhập dịch vụ đạt trên 2.100 tỷ đồng, tăng 80,1% so với cùng kỳ. Nhà băng này đã ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế đạt 8.016 tỷ đồng, tăng 31,7% so với cùng kỳ, qua đó hoàn thành 82% kế hoạch cả năm 2022 được cổ đông giao.