Khối ngoại liên tục bán ròng, không phải từ ETFs

(ĐTCK) Ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, thị trường đã dự phòng trước động thái tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF trong tháng 9 tới nên sẽ không tác động lớn tới tâm lý nhà đầu tư, thậm chí còn mang lại một số cơ hội.
Khối ngoại liên tục bán ròng, không phải từ ETFs

Gần đây, khối nhà đầu tư nước ngoài liên tục có động thái bán ròng, đáng chú ý là lực bán tập trung vào một số cổ phiếu blue-chips như VNM, MSN, VIC, VCB… Động thái này đang tác động như thế nào đến thị trường, theo ông?

Khối ngoại liên tục bán ròng từ đầu tháng 8 đến nay, tập trung vào nhóm cổ phiếu blue-chips, có thể là do hoạt động chốt lời khi giá cổ phiếu lên cao, hoặc ảnh hưởng từ hoạt động tái cơ cấu danh mục và việc một số nhà đầu tư rút vốn khỏi Quỹ DB FTSE.

Diễn biến này khiến tâm lý nhà đầu tư trong nước thận trọng và lực bán của khối ngoại cản trở đà tăng của thị trường. Đáng chú ý, hai quỹ ETF dự kiến sẽ bán ròng mạnh một số mã do thêm mã VNM vào danh mục. Do đó, dòng tiền có thể sẽ dè chừng với động thái này.

Trong thời gian tới, nhiều khả năng chỉ số VN-Index tiếp tục lình xình quanh mức 660 điểm. 

Sắp đến thời điểm các quỹ ETF thực hiện việc tái cấu trúc danh mục, ông có nhận định gì?

Tôi cho rằng, thị trường đã dự phòng trước động thái tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF. Đặc biệt, khối ngoại đã bán trước kỳ tái cơ cấu của hai quỹ ETF nên đây không phải là động thái của các quỹ ETF, mà là lực bán từ các quỹ ngoại khác, hoặc nhà đầu tư nước ngoài cá nhân. Nghĩa là, họ bán trước và có thể chờ cơ hội mua giá thấp trong kỳ cơ cấu lại danh mục.

Khối ngoại liên tục bán ròng, không phải từ ETFs ảnh 1

 Ông Nguyễn Thế Minh

Trong hai kỳ cơ cấu lại danh mục trước đó, tôi nhận thấy hoạt động tái cơ cấu danh mục không tác động lên chiến lược đầu tư, nguyên nhân chủ yếu là do lượng mua bán không đáng kể. Tuy nhiên, trong kỳ cơ cấu lần này, lượng mua/bán của hai quỹ ETF khá lớn. Do đó, theo kinh nghiệm của tôi trong các kỳ cơ cấu của hai quỹ ETF, chiến lược mua bán ngược với quỹ ETF được nhiều nhà đầu tư trong nước áp dụng (như năm 2014 và 2015 đã diễn ra nhiều lần), nghĩa là cổ phiếu nào bị các quỹ ETF bán ra thì sẽ được nhà đầu tư nội mua vào và ngược lại.

Do đó, việc tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF có thể sẽ không tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư, mà còn được xem là cơ hội. Nhìn chung, điểm lo ngại chủ yếu đến từ động thái bán ra của các quỹ hoặc nhà đầu tư cá nhân ngoại khác. 

Theo ông, nhóm cổ phiếu nào sẽ có cơ hội tăng giá?

Mặc dù chịu áp lực bán ròng từ khối ngoại, nhưng dòng tiền vẫn tương đối khả quan, lực cầu trong nước hấp thụ khá tốt lực bán ra của khối ngoại. Tôi đánh giá nhóm cổ phiếu dầu khí, vật liệu xây dựng và ngành xây dựng có cơ hội thu hút được dòng tiền. Điểm nổi bật là nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ tiếp tục được hưởng lợi với xu hướng tăng của giá dầu Brent.

Dự báo, đà tăng của giá dầu có thể kéo dài đến cuối tháng 9 do thị trường dầu mỏ đang nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ như: cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) diễn ra vào cuối tháng 9 với nội dung “đóng băng” sản lượng dầu mỏ, khủng hoảng ở Venezeula; Trung Quốc yêu cầu nhiều nhà máy tạm dừng hoạt động trước thềm Hội nghị G20…

Giá nguyên vật liệu được cải thiện và thanh khoản của thị trường bất động sản có xu hướng tăng trong thời gian qua có tác động tích cực lên nhóm ngành vật liệu xây dựng và ngành xây dựng. Nhiều khả năng, cổ phiếu của hai nhóm ngành này tiếp tục tăng và thu hút được dòng tiền đầu tư. 

Có những dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất trong tháng 9 tới. Ông nhìn nhận như thế nào về khả năng này và sự tác động đến TTCK toàn cầu, trong đó có Việt Nam?

Tôi cho rằng, FED sẽ chưa tăng lãi suất trong tháng 9, mặc dù có những dấu hiệu cải thiện của nền kinh tế Mỹ trong vài tháng gần đây như chỉ số việc làm tăng lên. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn và nhiều ngân hàng trung ương vẫn phải dùng các biện pháp hạ lãi suất để kích thích kinh tế cho nên FED khó có thể đi ngược xu hướng chung của thế giới. Do đó, động thái của FED sẽ không ảnh hưởng tiêu cực lên TTCK thế giới nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng.

Ngoài ra, thời gian gần đây, tôi nhận thấy dòng tiền đang quay trở lại nhóm thị trường mới nổi khi đang có mức định giá (P/E) khá thấp sau giai đoạn giảm mạnh và giá trị các đồng tiền đã ổn định hơn so với giai đoạn trước, trong đó có Trung Quốc, cho nên tâm lý nhà đầu tư đã dần lạc quan trở lại ở nhóm thị trường này. Do đó, con số bán ròng của khối ngoại trên TTCK Việt Nam chủ yếu là hoạt động mua bán ngắn hạn và có thể sẽ sớm quay trở lại mua ròng sau kỳ cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF.

Hải Vân thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục