Khối ngoại không còn “ưu ái” Thế giới di động (MWG)

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh lao dốc, định giá P/E lên tới 48,74 lần, cổ phiếu MWG (Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động) không còn là khẩu vị ưa thích của khối ngoại.
Khối ngoại không còn “ưu ái” Thế giới di động (MWG)

Chuỗi hở room kéo dài

Nhiều năm qua, các đợt phát hành cổ phần ưu đãi cho người lao động (ESOP) chưa bao giờ gây áp lực lên giá cổ phiếu MWG. Điều này có nguyên nhân quan trọng là “lực đỡ” của dòng vốn ngoại, chỉ cần cổ phiếu MWG hở “room” là khối này mua vào, không quan tâm mức giá đang giao dịch là cao hay thấp so với trung bình trước đó. Ưu tiên số 1 của họ là tăng sở hữu cổ phiếu.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2023 tới nay, nhà đầu tư nước ngoài đang có động thái ngược lại với cổ phiếu MWG.

Theo dữ liệu của SSI Research, tính tại ngày 29/9/2023, room ngoại (49%) tại MWG đang “hở” hơn 9 triệu cổ phiếu.

Cụ thể, đầu tháng 4, nhóm quỹ liên quan tới Dragon Capital bán ra 979.600 cổ phiếu MWG. Từ tháng 4 - 7, Quỹ Arisaig Asia Fund Limited (quỹ thành viên thuộc Arisaig Partners,Singapore) có ba đợt bán ra cổ phiếu MWG, với khối lượng lần lượt là 2.397.200 cổ phiếu (trong tháng 4), 668.900 cổ phiếu (trong tháng 6), 576.000 cổ phiếu (trong tháng 7). Nhóm quỹ liên quan Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd bán ra 1.338.300 cổ phiếu trong tháng 5 và 2.102.900 cổ phiếu trong tháng 8 để giảm sở hữu về 5,88%.

Theo đó, room ngoại tại MWG trong tình trạng không được lấp đầy gần nửa năm nay.

Theo dữ liệu của SSI Research, tính tại ngày 29/9/2023, room ngoại (49%) tại MWG đang “hở” hơn 9 triệu cổ phiếu.

Kinh doanh lao dốc, định giá tăng quá cao

Thực tế, động thái bán ra của khối ngoại với cổ phiếu MWG diễn ra trong giai đoạn giá cổ phiếu tăng mạnh nhờ kỳ vọng thị trường bán lẻ “chạm đáy” khó khăn và dần phục hồi về cuối năm. Từ ngày 25/4 - 29/9/2023, thị giá cổ phiếu MWG đã tăng 39,5%, từ 37.340 đồng/cổ phiếu lên 52.600 đồng/cổ phiếu. Thị giá cổ phiếu tăng mạnh, trong khi hiệu quả kinh doanh giảm sâu đã khiến định giá P/E của MWG tăng vọt, đạt 49,58 lần vào cuối tuần qua, trong khi giai đoạn 2017 - 2022 chỉ dao động trong khoảng 13,51 - 19,77 lần.

Đáng chú ý, hành động của khối ngoại cũng đồng pha với cổ đông nội bộ MWG. Ngày 13/7/2023, ông Đặng Minh Lượm, thành viên Hội đồng quản trị Thế giới di động bán ra 300.000 cổ phiếu MWG, theo đó tỷ lệ sở hữu giảm từ 0,24% về còn 0,22% vốn điều lệ. Từ ngày 7/9 - 8/9/2023, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên Hội đồng quản trị Công ty đã bán ra 1 triệu cổ phiếu, giảm sở hữu từ 0,266% về còn 0,197%.

Trở lại với bức tranh kinh doanh của Thế giới di động, quý II/2023, Công ty ghi nhận doanh thu 29.464,8 tỷ đồng, giảm 14,2% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm tới 98,5% so với cùng kỳ, đạt vẻn vẹn 17,41 tỷ đồng. Biên lợi nhuận ròng trong quý chỉ đạt 0,06%, mức thấp nhất kể từ khi niêm yết năm 2014 tới nay. Giai đoạn bình thường, biên lợi nhuận ròng của Công ty dao động từ khoảng 3 - 4%.

Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp trừ chi phí tài chính và chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp) trong quý II của Thế giới di động âm 396 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 1.668 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa, lợi nhuận gộp của Thế giới di động tạo ra trong kỳ không đủ để trả chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính. Công ty thoát lỗ chủ yếu nhờ việc ghi nhận doanh thu tài chính đột biến.

Theo lý giải của Thế giới di động, lợi nhuận lao dốc do sức mua điện thoại và điện máy nói chung suy giảm kể từ quý IV/2022 và chưa có dấu hiệu hồi phục trong nửa đầu năm 2023 (ngoại trừ sản phẩm máy lạnh và quạt do yếu tố mùa vụ). Để thu hút thêm khách hàng mới, đồng thời giữ chân khách hàng hiện hữu, Công ty đã thực hiện chiến dịch “giá rẻ quá” từ cuối tháng 3, bước vào cuộc chiến cạnh tranh về giá với các đối thủ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Công ty ghi nhận 56.570,6 tỷ đồng doanh thu, giảm 20,1% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 38,7 tỷ đồng, giảm 98,5% so với cùng kỳ và mới hoàn thành 0,9% kế hoạch cả năm.

Xét theo ngành hàng/chuỗi bán lẻ, trong 6 tháng đầu năm 2023, hai chuỗi Thế giới di động và Điện Máy Xanh ghi nhận doanh thu 41.500 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Chuỗi Bách Hoá Xanh ghi nhận doanh thu 13.600 tỷ đồng trong 6 tháng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, song lợi nhuận sau thuế âm 658,7 tỷ đồng, lỗ lũy kế tại thời điểm cuối tháng 6 lên tới 8.053,6 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Bán lẻ An Khang, công ty liên kết của Thế giới di động, cũng tiếp tục ghi nhận lỗ 150,6 tỷ đồng trong nửa đầu năm, nâng lỗ lũy kế lên 469,6 tỷ đồng.

Triển vọng kinh doanh của ngành bán lẻ trong nửa cuối năm 2023 được nhận định vẫn kém khả quan. Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT), doanh nghiệp cùng ngành với Thế giới di động, công bố tạm ngưng việc mở rộng hệ thống FPT Shop trong năm 2023. Công ty cũng thận trọng với dự báo thị trường trong vài năm tới khi chỉ dự định mở mới khoảng 50 cửa hàng/năm trong giai đoạn 2024 - 2025.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá bán - là lý do trực tiếp khiến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ đi xuống, thậm chí thua lỗ - được lãnh đạo FPT Retail dự báo sẽ giảm bớt khi các công ty lớn giảm lượng hàng tồn kho, tuy vậy, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ ICT sẽ khó quay trở lại mức năm 2021 đến năm 2022, thời điểm nhu cầu về máy tính xách tay cao bất thường.

Có thể thấy, 6 tháng đầu năm là giai đoạn khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ và nửa cuối năm 2023, thị trường vẫn chưa thực sự vượt qua giai đoạn khó khăn do sức mua yếu vẫn duy trì, nền kinh tế vẫn chưa thực sự hồi phục như kỳ vọng. Chính vì vậy, việc giá cổ phiếu MWG tăng nóng sẽ sớm gặp thách thức khi kỳ vọng bức tranh tài chính của Thế giới di động cải thiện cuối năm không được như kỳ vọng.

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục