Khối ngoại đi ngược thị trường

(ĐTCK) Thống kê đến hết ngày 18/9 cho thấy, trong khi các chỉ số túc tắc đi lên thì tháng 9 đang là tháng đầu tiên khối ngoại bán ròng kể từ đầu năm tới nay. Diễn biến này dù tạo ra những lo âu nhất định, nhưng theo các chuyên gia, tác động là không đáng ngại.

Ảnh hưởng bởi ETF

Khác hẳn với các năm trước, khối ngoại đã mua ròng đúng 8 tháng năm 2017. Động thái này không chỉ tác động tích cực đến đà tăng của các nhóm cổ phiếu, mà còn trở thành một trong những động lực quan trọng hỗ trợ cho sự khởi sắc của thị trường. Chính vì vậy, việc khối ngoại bán ròng từ đầu tháng 9, trong bối cảnh các chỉ số liên tiếp lập đỉnh, đang khiến thị trường không khỏi băn khoăn.

Đầu tiên, cần phải lưu ý rằng, trước kỳ đảo danh mục lần này, quỹ VNM ETF đã bị rút vốn với số tiền khoảng 4,5 triệu USD. Do đó, việc khối ngoại bán ròng một phần xuất phát từ nguyên nhân này.

Thống kê giao dịch trong tuần trước (từ ngày 11/9 đến 15/9) cho thấy, khối ngoại mua vào tổng cộng hơn 72 triệu cổ phiếu, trị giá 3.026,4 tỷ đồng, trong khi bán ra hơn 99 triệu cổ phiếu, trị giá trên 3.384,8 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt hơn 27 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng đạt 358,4 tỷ đồng.

Trong đó, điểm nhấn trong phiên giao dịch ngày 15/9 là hoạt động cơ cấu danh mục của 2 quỹ FTSE Vietnam ETF và V.N.M ETF. Tính chung trên 3 sàn, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng gần 300 tỷ đồng và lực bán chủ yếu đến từ các quỹ ETF. Trên sàn HOSE, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 410 tỷ đồng (gấp 4 lần so với phiên trước đó), tương ứng khối lượng bán ròng đạt hơn 28 triệu cổ phiếu.

Trong phiên đầu tuần (18/9), khối ngoại tiếp tục giao dịch theo chiều hướng khá tiêu cực khi bán ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX. Cụ thể, tính chung cả 2 sàn, khối ngoại đã mua vào hơn 8,8 triệu cổ phiếu, trị giá 290,8 tỷ đồng, trong khi bán ra hơn 12 triệu cổ phiếu, trị giá trên 392,5 tỷ đồng, với giá trị bán ròng là 101,7 tỷ đồng.

Vốn ngoại rút ra khỏi thị trường?

Cổ phiếu VCB của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam trở thành tâm điểm của khối ngoại khi tiếp tục bị bán ròng lên đến hơn 73,4 tỷ đồng trong phiên ngày 18/9. Trong tuần trước, khối ngoại cũng bán ròng mạnh mã VCB hơn 214 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán IVS, việc khối ngoại đẩy mạnh bán một số cổ phiếu chủ chốt như VCB, VNM có thể làm dấy lên những lo ngại rằng, có quỹ đang rút ra khỏi thị trường, vì điều này vẫn thường diễn ra vào giai đoạn cuối năm. Trong đó, việc đẩy mạnh bán cổ phiếu VCB có lẽ gây ngạc nhiên cho thị trường nhất mà chưa có một lời lý giải. 

Nhìn vào hiện tượng bán ròng của khối ngoại trong thời gian gần đây, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, cần phân tích cụ thể hơn về động thái này dựa trên các khía cạnh như nhà đầu tư nước ngoài bán ra vì giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam quá cao, hay vì nền kinh tế/thị trường đang tiềm ẩn rủi ro lớn. Thậm chí, có thể đặt nghi vấn về việc thị trường toàn cầu có biến động mạnh khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) rút ra ngoài.

Hiện tại, giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm khoảng hơn 10% tổng giao dịch toàn thị trường. Điều này cho thấy, nội lực của thị trường chủ yếu đến từ nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, giao dịch của khối ngoại lại có tác động tâm lý lớn tới giới đầu tư, vì thế, cần theo dõi thêm xu hướng này trong tháng 9.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia chứng khoán, một điều đáng lưu ý là dòng tiền của khối ngoại vẫn đang diễn biến tích cực và những hoạt động mua - bán thời gian qua có thể là tín hiệu dự báo cho giai đoạn cơ cấu lại danh mục đầu tư, nhằm định hình cho xu hướng đầu tư trong phần còn lại của năm, thay vì là hành động rút vốn.

Dự báo về xu hướng dòng vốn ngoại từ nay đến cuối năm, ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng, việc thực hiện IPO các tập đoàn, tổng công ty lớn và đưa các cổ phiếu mới lên sàn sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại.

Bên cạnh đó, tuy diễn biến giao dịch ròng của khối ngoại có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng bởi đợt đảo danh mục định kỳ trong 2 tuần đầu tháng 9, nhưng xét một cách tổng thể, nhiều khả năng khối ngoại sẽ mua ròng trong giai đoạn cuối năm.

Bên cạnh đó, dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ khó tăng lãi suất ngay trong tháng 9 nên lo ngại dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường Việt Nam đã giảm bớt.

Chưa kể, cần phải nói thêm rằng, tuy khối ngoại có đóng một phần trong vai trò dẫn dắt tâm lý thị trường, nhưng sức ảnh hưởng không quá lớn, bởi khối lượng giao dịch của khối này trên từng cổ phiếu thấp hơn nhiều so với nhà đầu tư nội và sức mua để nâng đỡ thanh khoản cho thị trường phần lớn thuộc về các nhà đầu tư trong nước.  

"Còn quá sớm để lo sợ khối ngoại bán ròng"

 Ông Hoàng Thạch Lân  - Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt
Đối với diễn biến bán ròng của khối ngoại, vấn đề có lẽ nằm ở 2 yếu tố lực bán tăng lên và các mã bị bán ra. Về lực bán, ngoài hiện tượng ETFs có nhiều đợt rút ròng, còn có khả năng khối ngoại đang chốt lời. Thực tế, có quỹ bán ra thì sẽ có quỹ mua vào, thậm chí có nhiều giao dịch nội khối (tức là trực tiếp thỏa thuận giữa các quỹ với nhau), tuy nhiên, lượng bán ra nhiều hơn mua vào nên có thể coi đây là hành động chốt lời.

Bên cạnh đó, một phần lý do là thị trường chứng khoán Việt Nam đã theo xu hướng tăng trong 8 tháng qua, PE bình quân không hề thấp so với các thị trường khác trong khu vực châu Á. Chưa kể, có ý kiến bên lề cho rằng, quỹ ngoại “thích” đầu tư vào các công ty lớn sắp IPO hoặc lên sàn, vì khi lên sàn thì đa số đều tăng giá rất mạnh.

Việc cổ phiếu VCB bất ngờ bị bán ròng nhiều trong tháng 9 hiện vẫn chưa thể lý giải được nguyên nhân. Ngoài ra, có một số mã nhóm bất động sản bị bán ròng như NVL, VIC, FLC ngay khi các công ty chứng khoán dự báo đang đến gần "điểm rơi", chuẩn bị ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tích cực, điển hình là VIC và NVL.

Về xu hướng, còn quá sớm để lo sợ khối ngoại bán ròng hay rút tiền, bởi hiện tại là giữa tháng 9 nhưng giá trị bán ròng nhỏ, chỉ dưới 400 tỷ đồng. Hơn nữa, bán ròng không đồng nghĩa với việc rút tiền khỏi thị trường. Điều quan trọng nhất hiện nay là phải tìm hiểu thêm các nguồn dữ liệu để đánh giá có rủi ro dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán hay không. Theo tôi, hiện tại chưa xảy ra động thái này.

"Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều quốc gia để thu hút vốn ngoại"

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng 
Khối ngoại đã có những phiên bán ròng liên tiếp kể từ đầu tháng 9, một phần do đây là giai đoạn các quỹ ngoại thực hiện cơ cấu lại danh mục đầu tư, đồng thời định hình xu hướng đầu tư trong phần còn lại của năm, chưa phải là hành động rút vốn.

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý thêm một vài điểm. Hiện tại, USD đang trong xu hướng giảm giá rất mạnh trên thị trường thế giới, trong khi tỷ giá USD/VND được giữ ổn định tại Việt Nam, đồng nghĩa với việc VND đang giảm giá so với các ngoại tệ khác. Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam bằng các loại ngoại tệ khác có thể bị bất lợi và sẽ cân nhắc rót vốn vào các thị trường khác.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải cạnh tranh với nhiều quốc gia khác trong việc thu hút vốn ngoại. Chẳng hạn, thị trường chứng khoán Mỹ vừa vượt nhiều mức đỉnh trong lịch sử, nhiều thị trường quốc tế có diễn biến tích cực, cùng với việc các kênh đầu tư như vàng, ngoại hối, tiền điện tử, bất động sản… đều có cơ hội phát triển, khiến dòng tiền bị phân tán.

Để nói về xu hướng của dòng vốn từ nay đến cuối năm, theo tôi cần theo dõi thêm một vài tuần nữa để xem xu hướng bán ròng này chỉ là nhất thời hay dài hơi. Đáng chú ý, trong các năm gần gây, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm mua, tăng bán vào nửa cuối năm và rất có thể năm nay không phải là ngoại lệ.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục