Thiên tài Isaac Newton đã từng nói “Tôi nhìn được xa hơn bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ”, với ý nghĩa "đứng trên vai người khổng lồ" là biết học hỏi và tận dụng những thành tựu đã có để vươn lên. Thuật ngữ này còn được giới doanh nhân Việt truyền tai nhau khi biết hợp tác với các tập đoàn lớn, quy mô toàn cầu để có bước đệm phát triển nhanh và vững chắc.
CEO Asanzo: Từ thất bại đến tập đoàn điện tử hàng đầu Việt Nam
Chia sẻ riêng với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc (CEO) Tập đoàn điện tử Asanzo cho hay: “Bản thân tôi từng thất bại nhiều lần khi khởi nghiệp với ngành hàng điện tử do thiếu kinh nghiệm. Bởi vậy, trong khởi nghiệp, biết đứng trên vai người khổng lồ để kinh doanh là rất khôn ngoan".
Theo CEO Asanzo, chính nhờ chiến lược này mà Asanzo có được vị thế như hiện nay, bên cạnh việc nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng để cung cấp các sản phẩm phù hợp.
Asanzo ra đời năm 2014 và nhanh chóng trở thành tập đoàn điện tử hàng đầu Việt Nam. Hiện tại, Asanzo nằm trong Top 3 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường điện tử - điện lạnh với 7 nhà máy và 70 dòng sản phẩm điện tử gia dụng, điện lạnh, smartphone...
Năm 2018 đánh dấu bước phát triển vượt bậc của Asanzo khi bán ra hơn 4 triệu sản phẩm các loại, đạt doanh thu 6.250 tỷ đồng. Với chiến lược kinh doanh đúng đắn, Asanzo đã tạo ra các sản phẩm "made in Vietnam" chất lượng cao, khẳng định vị thế sản phẩm điện tử Việt trên thị trường, từng bước đi lên, sánh ngang với các quốc gia khác trong khu vực.
“Ðối tác cung cấp linh kiện cho Asanzo đều là các tập đoàn lớn như Samsung, LG… Làm việc với các doanh nghiệp toàn cầu này, lợi ích mình nhận được không chỉ là sản phẩm chất lượng, mà còn là kinh nghiệm kinh doanh.
Chẳng hạn, khi họ cung cấp sản phẩm cho bạn, họ sẽ truyền đạt những vướng mắc mà trước kia họ gặp phải, thậm chí mách cho bạn cách tránh đi vào 'vết xe đổ' của doanh nghiệp đi trước, hoặc khi bạn chọn một món hàng ưng ý với mình, nhưng họ chỉ cho bạn món hàng có thể đáp ứng nhu cầu của cả thị trường mà bạn muốn khai thác... Ðiều đó là vô cùng quý báu!”, CEO Asanzo nói.
Chủ tịch Novaon: Ðứng trên vai người khổng lồ Google, Facebook, Alibaba...
Từ một công ty non trẻ, Novaon đã lớn mạnh nhờ vận dụng hoàn hảo yếu tố chiến lược và thời điểm. Novaon khởi nghiệp với Digital Marketing (tiếp thị số), đúng thời điểm lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất gần 300 lần sau 12 năm (2006-2018) xuất hiện tại Việt Nam. Mới đây, Novaon đạt danh hiệu Top 10 doanh nghiệp công nghệ 4.0 năm 2018 do Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (Vinasa) bình chọn.
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch HÐQT Tập đoàn Novaon cho biết: “Là một start-up đang trong giai đoạn phát triển, chúng tôi coi trọng tốc độ tăng trưởng vì điều đó thể hiện năng lực chiếm lĩnh thị phần và thị trường của doanh nghiệp.
Novaon lựa chọn chiến lược đứng lên vai những người khổng lồ như Google, Facebook, Alibaba… với 3 mục tiêu: Thứ nhất, có thể học hỏi tư duy, phương pháp, cũng như quy trình làm việc chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế; thứ 2, có cơ hội trải nghiệm các sản phẩm chất lượng toàn cầu, từ khâu ý tưởng đến quá trình vận hành kinh doanh; thứ 3, dần kế thừa tầm nhìn của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới”.
Lãnh đạo Novaon có tham vọng đưa Công ty trở thành một "start-up kỳ lân" (start-up có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên). Ðể đạt được mục tiêu này, theo ông Quý, Novaon còn rất nhiều việc phải làm và trước tiên là mang lại giá trị ngày càng lớn cho khách hàng mỗi ngày. Ðây chính là mục tiêu quan trọng nhất và xuyên suốt trong chiến lược phát triển của Novaon.
Chia sẻ về bài học khởi nghiệp, ông chủ Tập đoàn Novaon cho hay, đó là tập trung, lấy khách hàng làm trung tâm và không ngừng học hỏi. Mỗi năm, chiến lược của Novaon sẽ hướng đến một mục tiêu nhất định nhằm đảm bảo sự tập trung cao độ, tính xuyên suốt và nhất quán. Ðồng thời, luôn đặt mong muốn, nhu cầu, lợi ích của khách hàng lên hàng đầu trong mọi quyết định kinh doanh.
“Chúng tôi liên tục đặt ra các mục tiêu và thử thách cao hơn cho chính bản thân mình. Vì vậy, kỹ năng quan trọng nhất đối với mỗi con người Novaon chính là học hỏi không ngừng”, ông Quý nhấn mạnh.
Chủ tịch Egroup và chiến thuật "mượn, giành, dẫn"
“Egroup bước vào thị trường muộn, khi mà các trung tâm dạy tiếng Anh tại Việt Nam đã nở rộ. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm, chúng tôi đã xây dựng được thương hiệu uy tín với hơn 70 trung tâm và tái khởi nghiệp khi xây dựng thương hiệu Apax Leader khi bước sang năm thứ 3. Chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng 100 trung tâm trong năm nay”, ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch HÐQT kiêm nhà sáng lập Tập đoàn Egroup sở hữu chuỗi trung tâm tiếng Anh Apax Leader thông tin.
Bí quyết thành công được ông chủ Apax Leader chia sẻ, đó là chiến lược “mượn, giành, dẫn”. Ông Thủy cho biết, khi bắt đầu, ông mượn công nghệ nước ngoài của các tập đoàn lớn và uy tín trên thế giới, đi cùng với họ, giành thị phần và tiến tới dẫn đầu.
“Các bạn trẻ hãy đi cùng chúng tôi, mượn chúng tôi và thành công cùng chúng tôi”, lãnh đạo Apax Leader nói.
Theo ông Thủy, tiếng Anh chỉ là công cụ, quan trọng là học sinh của Apax Leader học được kỹ năng lãnh đạo. Ông xác định, chiến lược tốt nhất là chiến lược đầu tư vào con người, với triết lý đầu tư ngành và người. Ngành phải đủ lớn, mỗi ý tưởng đưa ra phải khác biệt và phải được dẫn dắt. Người phải có tinh thần khởi nghiệp, đầu tiên là tinh thần vượt khó, bởi ẩn đằng sau tất cả thách thức, khó khăn là cơ hội và không có cơ hội nào dễ dàng cả.
“Hãy luôn nghĩ thật lớn và làm thật xuất sắc những việc nhỏ”, ông Thủy nhấn mạnh. Bởi theo ông, trên thế giới, có nhiều tập đoàn giá trị hàng tỷ USD khởi nghiệp từ việc nhỏ. Ðơn cử, có doanh nghiệp khởi nghiệp từ những cửa hàng bán sợi kim chỉ, nay đã trở thành tập đoàn tỷ USD, bởi họ có tư duy lớn, tư duy là tập đoàn kỳ lân từ khi quy mô còn nhỏ.
“Muốn có một start up kỳ lân, thì trước tiên phải có trứng kỳ lân, phải thực hiện xuất sắc từ việc nhỏ nhất mới có thể thành công sau này. Thông điệp của tôi là thực thi xuất sắc từng việc mỗi ngày. Phải có tinh thần học hỏi mỗi ngày. Học từ các tập đoàn hàng đầu thế giới, các doanh nghiệp ở Việt Nam, học từ sách vở, bạn bè. Tinh thần học hỏi sẽ quyết định bạn là ai sau 10-20 năm và phụ thuộc cách hoàn thiện bản thân mình ngày hôm nay”, ông Thủy nhấn mạnh.
Start-up cần biết khai thác "chất xám" của nhà đầu tư
Phó chủ tịch HÐQT CEN Group Phạm Thanh Hưng nhìn nhận, để có thể phát tiển, bên cạnh việc học hỏi, kế thừa kinh nghiệm từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các start-up cần phải biết khai thác "chất xám" của nhà đầu tư, chứ không chỉ đơn thuần là đồng vốn của họ.
Chia sẻ với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Hưng cho hay: “Khá đáng tiếc là nhiều bạn khi tham gia chương trình Shark Tank sau khi nhận được vốn đầu tư đã không thường xuyên kết nối với nhà đầu tư, thậm chí dùng tiền không đúng như mục đích ban đầu. Chúng tôi không chỉ đầu tư tài chính, mà còn là các cố vấn (mentor) - người hướng dẫn kinh doanh cho các start-up. Nếu các bạn khởi nghiệp tiếp nhận được điều đó sẽ thành công hơn nhiều”.
Theo ông Hưng, các start-up cần bớt bay bổng, mà phải cụ thể hóa hành động, phải có tư duy vận hành bài bản. Những start-up có yếu tố "ngoại" như học ở nước ngoài về, hay từng làm việc cho các công ty nước ngoài, hoặc trong nhóm có người nước ngoài, thì công tác quản trị tốt hơn so với các start-up thông thường. Trong công tác quản trị, start-up cần chú ý rằng, không thể một mình làm tất cả. Giữa mục tiêu chiến lược, quy mô công ty và quản trị điều hành phải đồng bộ, phù hợp với nhau.
Trong mỗi câu chuyện khởi nghiệp, mỗi CEO có một cách đi riêng, lối làm riêng, nhưng để thành công và dẫn đầu trong lĩnh vực của mình, họ có một điểm chung là biết tìm đến kẻ mạnh để học hỏi.