“Bị” mua lại, “bị” sáp nhập đều lành mạnh
Tháng 4-2007, Công ty cổ phần ANCO, một tập đoàn thực phẩm và đồ uống của các nhà đầu tư tư nhân VN, chính thức công bố mua lại nhà máy sữa của Nestlé tại Ba Vì, Hà Tây. ANCO sẽ thừa hưởng thương hiệu Nestlé cho hai sản phẩm sữa tươi thanh trùng và sữa chua ăn liền trong vòng một năm.
Sau đó, một thương hiệu mới sẽ ra đời, được sản xuất hoàn toàn trên dây chuyền công nghệ của Nestlé. Trước đó, vào ngày 18-1 Bộ Tài chính đã phê duyệt dự án thành lập Công ty bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi VN - công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên của Nhật Bản được cấp phép. Công ty này ra đời nhờ công ty mẹ đã mua lại cổ phần của Công ty bảo hiểm nhân thọ Bảo Minh - CMG. Đầu tháng 5-2007, Công ty tài chính VinaCapital công bố khoản đầu tư 21 triệu USD vào khách sạn Omni Saigon, tương đương với 70% vốn của khách sạn... Đó là vài vụ mua bán, sáp nhập gây sự chú ý của dư luận gần đây.
Ông Trần Duy Hưng, giám đốc Công ty First Asia Ltd, cho biết xu hướng mua bán, sáp nhập ở VN có chiều hướng gia tăng vì nhiều lý do. Thứ nhất, xuất hiện ngày càng nhiều nhu cầu bán và nhu cầu mua DN.
Thứ hai, hình thức đầu tư chéo giữa các DN cũng ngày càng phổ biến dưới phương thức “đối tác chiến lược” mà thực chất chính là một dạng của tập trung kinh tế. Và cuối cùng, xu hướng hình thành các tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề cũng là một tiền đề để các hoạt động mua bán, sáp nhập diễn ra thuận lợi hơn.
Hiện nay VN có khoảng 300.000 DN vừa và nhỏ. Nhiều DN trong số đó hằng ngày “chết” đi nhưng cũng có thêm nhiều DN mới thành lập và đây được đánh giá là nguồn tiềm năng của các hoạt động tập trung kinh tế.
Một số vụ mua bán, sáp nhập lớn trong năm 2006 ở VN theo thống kê của PwC
- Công ty Asia Pacific Breweries Ltd (APB) trụ sở ở Singapore, chủ sở hữu của Công ty Vietnam Brewery Ltd (VBL), đã mở rộng mạng lưới sản xuất và bán hàng bằng cách mua 80% cổ phần của Công ty TNHH VBL Quảng Nam - công ty liên doanh với Công ty Xây dựng điện Quảng Nam. VBL Quảng Nam có tổng vốn đầu tư là 13,2 triệu USD và công suất 25 triệu lít/năm, hiện đang cung cấp bia Tiger và Heineken cho thị trường nội địa.
- Tháng 12-2006, Citigroup Inc. ký một biên bản ghi nhớ về việc mua 10% cổ phần ở Ngân hàng thương mại Đông Á.
- Prudential mua lại cổ phần của Công ty GreenFeed (Vietnam) Co. Ltd. 65% cổ phần của Công ty Giảng Võ cũng về tay Prudential từ Samsung Corp. Ông Karl John - tổng giám đốc của The TCK Group, hiện đang sống tại Hà Nội - từng viết trên tờ Asia Times: “Động lực cho các hoạt động mua bán, sáp nhập gần đây ở VN là tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cao, trung bình 7,5% từ năm 2001-2005”. |
Trong khi làm việc với các DN, ông Hưng nhận thấy có vô số lý do mà một DN muốn bán mình đi: kinh doanh thua lỗ, lợi thế kinh doanh ngày càng giảm sau một số năm hoạt động, không thích nghi với môi trường mới, cơ hội kinh doanh mới xuất hiện nên DN muốn chuyển hướng đầu tư, nhận được lời đề nghị mua hấp dẫn...
Có người muốn bán thì cũng có người muốn mua. Ở đầu bên kia của cán cân cung - cầu, nhiều DN muốn mua lại DN khác để mở rộng hoạt động kinh doanh, để lập DN mới hoặc để “thôn tính” đối thủ cạnh tranh. Về lý thuyết, các hoạt động mua bán, sáp nhập DN là tín hiệu tốt cho nền kinh tế vì khi đó những DN hoạt động kém hiệu quả có cơ hội được vực dậy, những DN mạnh có thêm cửa để mở rộng hoạt động, tăng cường ảnh hưởng và vì thế, xét về tổng thể, nguồn đầu tư trong toàn xã hội được sử dụng hiệu quả hơn.
Quá mới
Ông Hưng cho rằng do nền tảng thực tiễn và pháp lý của thị trường này còn rất mới ở VN nên tỉ lệ thành công trong các giao dịch mua bán DN còn thấp. “Bên bán và bên mua đều không nắm rõ qui trình các bước phải thực hiện ra sao. Bên bán không biết phải bán cho ai, vào lúc nào; bên mua có tâm lý sợ sai lầm trong quyết định mua...” - ông Hưng nói. Cũng theo ông Hưng, hầu hết khách hàng là DN vừa và nhỏ thuê tư vấn của Công ty First Asia Ltd đều không ý thức được rằng hoạt động mua bán, sáp nhập DN mà họ đang có ý định tiến hành lại thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật cạnh tranh!
Đứng về khía cạnh quản lý cũng có một mối lo khác, đó là nguy cơ quá trình tập trung kinh tế sẽ dẫn tới việc hình thành DN có vị trí thống lĩnh thị trường hay DN độc quyền.
Hiện nay VN đã hình thành hệ thống các qui định pháp luật điều chỉnh hoạt động tập trung kinh tế. Luật cạnh tranh của VN đã qui định khi các DN tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30-50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của các DN đó phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế (nhưng nhiều DN không ý thức được rằng hoạt động tập trung kinh tế được Luật cạnh tranh điều chỉnh nên cũng không biết tới nghĩa vụ thông báo cho Cục Quản lý cạnh tranh!).
Pháp luật cũng cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các DN tham gia tập trung kinh tế chiếm hơn 50% trên thị trường liên quan (trừ một số trường hợp được miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm nếu một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản hoặc các trường hợp khác do pháp luật qui định...).