Khơi dòng chảy ODA Nhật Bản vào giao thông

Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản được đưa vào khai thác trong năm nay hứa hẹn sẽ tạo cú hích lớn cho nền kinh tế.
Khơi dòng chảy ODA Nhật Bản vào giao thông

Cầu, đường Tân Vũ mở màn

Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định, Dự án Đường ô tô cao Tân Vũ - Lạch Huyện là công trình lớn đầu tiên của ngành giao thông về đích trong năm 2017, sau khi phần cầu chính vượt biển đã được Liên danh nhà thầu Nhật Bản - Việt Nam tiến hành hợp long vào đầu tháng 1/2016.

“Việc vượt qua đường găng tiến độ sẽ giúp công trình cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á này thông xe ngay trong tháng 5/2017, đảm bảo kế hoạch đề ra”, ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) nói.

Là một trong 2 hợp phần quan trọng nhất của Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện tại Hải Phòng, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện có tổng chiều dài 15,6 km, với phần vượt biển dài 5,44 km, đường dẫn ở 2 phía đầu cầu dài 10,19 km, đường đạt tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng, tốc độ thiết kế là 80 km/giờ, gồm 4 làn xe chạy.

Đây là một trong những dự án sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản có quy mô vốn lớn nhất (11.849 tỷ đồng) đang được triển khai tại khu vực phía Bắc để kết nối các khu vực đang phát triển tại phía Đông TP. Hải Phòng với cảng Lạch Huyện, Khu công nghiệp Đình Vũ cũng như kết nối với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Theo ông Công, việc cầu Tân Vũ hoàn thành sớm sẽ tạo động lực đáng kể cho Dự án Xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) - công trình được kỳ vọng là lối ra biển mới cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Được thiết kế để đón tàu container, tàu tổng hợp có trọng tải lên tới 100.000 DWT, thông qua lượng hàng từ 12,1 - 13,8 triệu tấn, Dự án cảng Lạch Huyện có tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng, trong đó, Hợp phần A - tôn tạo, xử lý nền đất yếu, kè bảo vệ, vũng quay tàu… có tổng mức đầu tư 18.624 tỷ đồng (vốn vay ODA Nhật Bản là 16.409 tỷ đồng).

Theo Ban quản lý dự án hàng hải (Bộ GTVT), Hợp phần A của Dự án đã được khởi công từ tháng 4/2013, đến nay đã hoàn thành hơn 92% khối lượng công việc của Gói thầu số 6 do Liên danh Penta - Toa xây dựng.

Tính đến nay, Nhật Bản đã cung cấp cho Việt Nam khoảng 2.800 tỷ yên. Các dự án GTVT lớn sử dụng vốn ODA Nhật Bản có thể kể như Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long, xây dựng hạ tầng Cảng Lạch Huyện…

Trong khi đó, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, các nhà thầu đã cơ bản hoàn thành kết cấu cầu, cống và nền móng đoạn do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và hoàn thiện 90% phần nền đường đoạn Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ để hướng tới mục tiêu thông xe đoạn JICA tài trợ trong quý II/2017 và thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2017.

Được biết, trong năm 2016, Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã ký 3 hiệp định vay cho các dự án hạ tầng giao thông với tổng giá trị lên tới 15.646 tỷ đồng, gồm khoản vay lần 3 cho Dự án Xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trị giá 5.580 tỷ đồng; khoản vay lần 3 trị giá 10.066 tỷ đồng cho cụm công trình cầu, đường Tân Vũ – Lạch Huyện và cảng Lạch Huyện.

“Các dự án sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản do Bộ GTVT quản lý cơ bản đảm bảo tiến độ và chất lượng”, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá.

Thêm nhiều dự án lớn

Nếu như Dự án đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện là công trình đầu tiên hoàn thành thì tuyến cao tốc đô thị trên cao, vành đai III Hà Nội, đoạn Mai Dịch – Thăng Long sẽ là dự án ODA đầu tiên được khởi công trong năm 2017.

Cầu cạn cao tốc đoạn từ Mai Dịch đến Nam Thăng Long, thuộc đường Vành đai 3 Hà Nội, được xây dựng dọc theo dải phân cách giữa đường Phạm Văn Đồng. Điểm đầu của Dự án từ phía Bắc cầu vượt Mai Dịch, điểm cuối tại phía Nam cầu Thăng Long. Dự án có tổng chiều dài hơn 5,3 km. Dự kiến, tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước.

Ông Vũ Xuân Hòa, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) cho biết, đơn vị này đang đẩy nhanh tiến độ tuyển chọn nhà thầu xây lắp cho Dự án để có thể khởi công trong nửa đầu quý II/2017.

Được biết, để có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận nguồn vốn ODA Nhật Bản, Danh mục 20 dự án hạ tầng giao thông vừa được Bộ GTVT đề xuất sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản giai đoạn 2016 - 2018, với tổng mức đầu tư lên tới 270 tỷ yên.

Theo đó, trong danh sách dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản trong 3 năm tới, có những công trình có quy mô rất lớn thuộc các lĩnh vực giao thông đô thị, cảng biển, đường cao tốc, hàng không và đường sắt.

Cụ thể, ngoài các hiệp định vay bổ sung cho các dự án đang triển khai, trong danh mục này có 8 dự án mới có quy mô vốn lớn như đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tuyến đường sắt Hà Nội – Nội Bài, đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Phan Thiết.

Theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), các dự án thuộc danh mục nói trên đều là những công trình cần được ưu tiên đầu tư do có sức lan tỏa, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn và phù hợp với tiêu chí cho vay của JICA.

“Trong khi ngân sách còn đang khó khăn, nguồn vốn ODA đến từ Nhật Bản với lãi suất thấp vẫn sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với ngành GTVT”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục