Dù giá vàng thế giới tăng mạnh trong ngày, giá vàng tại thị trường trong nước lại được điều chỉnh giảm nhẹ.
Lúc đầu ngày, vàng SJC niêm yết ở 35,04 - 35,10 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giữ nguyên so với cuối tuần trước. Về cuối ngày, giá được điều chỉnh giảm nhẹ 10.000 đồng/lượng, mua vào – bán ra ở mức 35,03 - 35,09 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu lúc 8h30 sáng nay niêm yết ở 31,64 – 32,9 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), về cuối ngày, giá tăng thêm 190.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều.
Trên thị trường ngoại tệ, giá USD tăng nhẹ trở lại sau khi được điều chỉnh giảm trong ngày cuối tuần trước. Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở 21.760 – 21.820 VND/USD (mua vào – bán ra), tăng 40 đồng mỗi chiều so với cuối tuần trước. BIDV cũng mua vào – bán ra USD ở mức 21.760 – 21.820 VND/USD.
Trên thị trường ngoại tệ, giá USD hiện mua vào – bán ra ở mức 21.790 – 21.810 VND/USD, tăng 20 đồng mỗi chiều so với cuối tuần trước.
Tại thị trường châu Á hôm nay, giá vàng vẫn duy trì được phong độ của các phiên cuối tuần trước, tiếp tục có một ngày giao dịch khởi sắc.
Trên sàn Hong Kong, giá vàng mở cửa ở 1.223,50 USD/ounce, lúc đầu phiên, giá vàng có xu hướng giảm nhẹ và chạm đáy ở 1.221,90 USD/ounce. Tuy nhiên, về cuối phiên, giá vàng bật tăng mạnh trở lại, đạt đỉnh ở 1.232,30 USD/ounce, tăng 8,8 USD/ounce so với lúc mở cửa và chốt phiên tại 1.229,90 USD/ounce, tăng 6,4 USD/ounce so với giá mở cửa.
Tuần tới, các nhà đầu tư sẽ phải tập trung quan sát xem liệu xu hướng tăng của giá vàng có bị đổi chiều. Hiện tại, vàng đang nhận trợ lực từ việc đồng USD yếu hơn do các nhà đâu tư mua vàng hoặc một số ngoại tệ thay thế khác và giá dầu duy trì ổn định quanh mốc 62 USD/thùng.
Phil Flynn, chuyên gia marketing cấp cao tại Price Futures Group cho rằng: “Tôi nghĩ đồng USD là nguyên do chính. Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế mới cũng khá quan trọng. Nếu các dữ liệu kinh tế mới của Mỹ được công bố yếu hơn dự đoán, sẽ ít có khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất trong thời gian sớm. Điều này khiến đồng USD tiếp tục yếu đi và giúp vàng có thêm trợ lực”.
Chỉ số đo sức mạnh của đồng USD tương lai trong tháng 6 đã tụt xuống còn 93,155 hôm cuối tuần trước, mức thấp nhất kể từ 21/1/2015. Trong khi đó, giá vàng giao sau tháng 6 lại tăng lên ngưỡng 1.227,70 USD/ounce, mức cao nhất kể từ 17/2/2015.
Chính các số liệu kinh tế yếu kém của Mỹ là nguyên nhân của việc này. Doanh số bán lẻ tháng 4 cho thấy sự ế ẩm khi chỉ bằng với tháng trước đó, cho dù được kỳ vọng sẽ tăng 0,1 hoặc 0,2%. Chỉ số giá cả sản xuất cùng giảm xuống 0,4%, trong khi các chuyên gia cho rằng chỉ số này sẽ bằng hoặc tăng nhẹ so với tháng trước đó.
Trong tuần này, số liệu quan trọng đầu tiên là doanh số bán nhà được công bố vào thứ 3 (19/5).
Bart Melek, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại TD Securities cho biết: “Doanh số nhà mới bán ra tại Mỹ là số liệu rất quan trọng của tháng 4. Các thị trường tài chính đang trông đợi một mức tăng mạnh khoảng 10%. Nếu số liệu thấp hơn mức này, người ta sẽ nghĩ rằng Mỹ nên tiếp tục thắt chặt tiền tệ”.
Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ được công bố vào thứ Sáu (22/5). Các chuyên gia kỳ vọng, CPI tháng 4 sẽ tăng 0,1%, trong khi chỉ số lạm phát tiêu dùng lõi, bao gồm cả 2 lĩnh vực chính là năng lượng và thực phẩm sẽ tăng 0,2%.