Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng liên quan đến dự án mở rộng, nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng để phục vụ hội nghị APEC 2017 vào sáng 12/8.
Theo Bộ trưởng, dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng hết sức quan trọng trong tổng thể chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, trong đó có quy hoạch Cảng hàng không của cả nước.
“Tốc độ tăng trưởng về HK hàng năm của Đà Nẵng hiện rất cao, riêng 6 tháng đầu năm 2015 đã tăng trưởng 35%, trong đó khách quốc tế tăng 86%, khách quốc nội tăng 25%”, Bộ trưởng Thăng cho biết.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, năm 2017, Đà Nẵng đăng cai Hội nghị APEC, nên việc khẩn trương nâng cấp Cảng hàng không Sân bay quốc tế Đà Nẵng là hết sức quan trọng.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT) chuẩn bị theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ để trong tuần này sẽ tiến hành phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mở rộng ngay cảng hiện có để nâng công suất lên 9 triệu lượt khách/năm; xây dựng nhà ga mới công suất 4 triệu lượt khách/năm và sau này sẽ mở rộng thêm để đảm bảo đến năm 2030 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đón được 20 triệu lượt khách/năm.
Để đảm bảo kế hoạch khởi công quý IV/2015, Bộ trưởng đề nghị UBND TP Đà Nẵng và Quân chủng Phòng không – Không quân tích cực hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, kể cả mặt bằng cho xây dựng nhà ga mới và mở rộng cảng hiện tại, cố gắng trong tháng 11/2015 có mặt bằng để có thể triển khai dự án.
Bộ trưởng Thăng cũng giao Cục Hàng không Việt Nam cùng Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam trên cơ sở thiết kế, thống nhất với TP Đà Nẵng và các cơ quan liên quan để lập tiến độ chi tiết từ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng đến đào tạo nhân lực vận hành khai thác, để khi nhà ga hoàn thành là đưa vào khai thác ngay.
Được biết, Nhà ga mới Sân bay quốc tế Đà Nẵng có tổng diện tích 40.000 m2, gồm hai cao trình đi và đến riêng biệt cùng hệ thống giao thông tiếp cận, sân đỗ đồng bộ để đáp ứng công suất 4 triệu hành khách/năm. Tổng mức đầu tư dự án là 3.200 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị là 2.390 tỉ đồng.