Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, Bộ Công thương đã phê duyệt bổ sung dự án Nhà máy điện mặt trời BCG Băng Dương vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Long An giai đoạn 2011-2015, xét đến 2020. Đây là nhà máy năng lượng mặt trời đầu tiên được triển khai tại Long An, kỳ vọng tạo tiền đề phát triển thêm nhiều nhà máy khác.
“Năng lượng mặt trời giúp giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Mô hình cũng phù hợp để đầu tư nhân rộng ở các điểm công cộng, công sở, doanh nghiệp, giúp không chỉ cắt giảm chi phí tiền điện cho ngân sách mà còn chủ động được nguồn điện cho các hoạt động khác. Vì thế, dự án có ý nghĩa thiết thực với địa phương đang thu hút đầu tư mạnh như Long An”, ông Cần nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị BCG cho biết, trong 3 năm vừa qua, Tập đoàn BCG đã không ngừng nghiên cứu và làm việc chặt chẽ với các đối tác hàng đầu trên thế giới trong ngành năng lượng mặt trời về giải pháp công nghệ, kết cấu kỹ thuật, phương án xây dựng, giải pháp môi trường, cũng như phân tích, nghiên cứu cẩn thận nhu cầu năng lượng của địa phương.
Từ đó, đề xuất đầu tư 3 dự án năng lượng mặt trời có công suất lần lượt là 40,6 MW, 100 MW, 50 MW tại Long An, với tổng số vốn đầu tư gần 300 triệu USD.
Dự án đầu tiên với quy mô 40,6 MW kỳ vọng đi vào hoạt động trong tháng 6/2019. Khi vận hành, nhà máy đặt mục tiêu đạt tổng sản lượng điện năng sản xuất trong năm tối đa khoảng 60 triệu kWh.
BCG Băng Dương đã liên kết với các đối tác hàng đầu trong ngành năng lượng mặt trời nhằm triển khai dự án đạt chất lượng tốt nhất và đúng tiến độ.
Đơn cử, tấm pin sử dụng trong dự án là pin đa tinh thể poly c-Si có ưu điểm vượt trội là tỷ lệ hiệu suất lên tới hơn 18,1% (vượt mức quy định là 16%), giúp tiết kiệm diện tích chiếm đất của toàn dự án.
Hệ thống tưới nước rửa tấm pin cũng được tự động hóa để giảm bớt nguồn nhân lực cũng như nâng cao năng suất hoạt động. Đơn vị tư vấn thiết kế và giám sát hàng đầu thế giới về năng lượng tái tạo là Công ty Syntegra Solar của Cộng hòa Liên bang Đức. Bên cạnh đó, dự án còn được tài trợ bởi Ngân hàng Tiên Phong.
Nhà thầu thi công các hạng mục xây dựng hạ tầng của dự án là Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (TRACODI) - công ty thành viên của BCG thực hiện, với giá trị gói thầu dự kiến là 5 triệu USD.
Ngoài ra, dự án 40,6 MW này còn bao gồm việc xây dựng trạm biến áp 110 kV cho huyện Thạnh Hóa, hệ thống đường giao thông nội bộ, hệ thống trạm bơm cho các hồ chứa nước và đường dây truyền tải điện dài 9 km.
Long An nằm trong khu vực nhiệt đới gần xích đạo với khí hậu và độ ẩm gió mùa đặc trưng, nắng nhiều và bức xạ kéo dài. Thời gian trung bình của ánh nắng mặt trời dao động từ 4,9 - 5,7 kWh/m2/ngày, tương đương khoảng 2.000 - 2.600 kWh/năm và số ngày nắng bình quân trong năm khoảng 300 ngày, rất thuận lợi để phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời.
Chiến lược dài hạn của BCG là trở thành một trong những công ty năng lượng sạch hàng đầu tại Việt Nam. Đồng thời với các dự án năng lượng mặt trời tại Long An, BCG đang nghiên cứu và đề xuất triển khai các dự án năng lượng tái tạo với công suất 400 MW tại Quảng Nam.