1. Bà chị tôi cách đây 8 năm làm nhà xong thì hết sạch tiền. Hết sạch đúng nghĩa. Vợ chồng chị có chừng 700 triệu đồng, mà xây căn nhà thì ngốn tới 1,5 tỷ đồng, hỏi sao mà không đau đầu. Nhưng nếu chẳng ráng, thì đâu có căn nhà khang trang như bây giờ để ở. Tủ, bàn, giường, ghế trong nhà dù không phải sang trọng gì, nhưng cũng mua đồ gỗ đàng hoàng. Căn nhà ở ngay ngã 3, gần 2 trường học, nên chị ở nhà mở cửa hàng văn phòng phẩm. Cứ túc tắc thế sống cho qua ngày.
Nhưng khoản tiền còn thiếu khi xây nhà kia, thì phải đi vay lãi. Đi vay thì phải trả nợ. Vậy là từ khi xây nhà xong, vợ chồng chị cứ thay nhau mệt. Mệt vì phải cãi nhau để tìm ra tiền hàng tháng - lớp ăn xài, lớp trả lãi vay, riêng gốc thì…; mệt vì cả ngày đứng bán hàng nhưng các món đồ ít tiền, có lời tới 100% cũng chẳng thu về được bao nhiêu. Lẽ ra họ phải tính một cách khác hơn, ví như cho thuê một phần mặt bằng, ví như vừa bán văn phòng phẩm ban ngày, vừa bán món đồ gì đó vào buổi tối…Tất nhiên, người ở ngoài thì nói dễ vậy thôi, ở bên trong mới thấy thực sự khó khăn.
Chỉ biết dù có nhà mới đẹp 8 năm nay, cứ thấy vợ chồng chị mệt hoài, rồi chuyển sang bệnh. Cũng không quá trầm trọng gì, chỉ là người thì đau bao tử, người thì ít ngủ quá dẫn đến tinh thần dễ cáu gắt, nhưng 2 đứa con thì vất vưởng, chẳng ai lo lắng cho ăn cho học đầy đủ.
Bữa rồi tôi gặp vợ chồng chị, nói rằng hay là bán quách căn nhà này đi, trả hết nợ, số còn lại thì mua một căn nhà khác nhỏ hơn để sinh sống được chăng. Chị gạt phắt đi, bán đi rồi thì biết lấy chỗ nào để buôn bán đây. Thôi thì cứ vậy, xin ông bà nội, xin ông bà ngoại (dù cả 2 bên đều đã gần đất xa trời, lại không dư dả gì), đắp đầu này, đổi đầu kia. Dần dần chứ biết làm sao.
Nghe chị nói viễn cảnh ấy, tôi thấy mù mịt như cơn cuồng phong trước khi bão tới. Giá như ngày ấy chị cứ xây căn nhà hết 500 triệu đồng thì có phải là tốt biết bao nhiêu hay không. Ôi, không được đâu em, làm nhà phải cố lên mới được, chứ xây có tầng trệt, hay tầng lửng rồi sau này lại phải tiếp tục nữa thì ngán lắm.
Chúng tôi cứ ngồi nói chuyện ông chằng bà chuộc như vậy mãi vẫn chưa tìm được đường ra thế nào cho hợp lý, hợp lòng. Thực sự, việc của chị cũng chưa tới mức cấp bách, vẫn dằng dai được cho qua ngày, nhưng cuộc sống như vậy thì sao mà vui nổi đây.
2. Người đời vẫn có câu: “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ”. Nhưng đã có ai thống kê được bao nhiêu người vì mắc nợ mà phải chia tay chưa nhỉ? Áp lực thiếu tiền đôi khi khiến người ta còn dễ tự tử chứ chẳng chơi. Tôi nhớ đến chuyện ca sĩ A.V thời lấy người chồng đầu tiên đã khiến cả Hà Nội rúng động. Không phải vì cô “theo chồng bỏ cuộc”, mà vì scandal bể nợ.
Chả hiểu ông chồng làm ăn ra sao, mà vay hết người này tới người khác với lãi suất cao ngất. Cứ đến bữa ăn, cô kể, là người ta tới bấm chuông đòi tiền. Một lần đi lưu diễn nước ngoài về, nàng ca sĩ hốt hoảng khi thấy trong nhà đồ đạc trống huơ trống hoác. Chỉ riêng trơ khấc lại chiếc quạt trần cô đơn. Người cho vay tiền đã tới siết nợ hết rồi. Và sau đó thì cặp đôi đường ai nấy đi trong tủi hờn, đau khổ.
Bữa rồi, tôi gặp anh bạn đồng nghiệp đi xe gắn máy trên đường với đôi dép xỏ ngón, áo quần xộc xệch không có dấu hiệu của việc là ủi. Anh vừa xây nhà xong, mới làm lễ tân gia chưa lâu. Căn nhà nằm ở vị trí đẹp, xây 3 tấm đàng hoàng nên cũng tốn bộn tiền. Vợ chồng đều là công chức nhà nước, nên giờ xây nhà xong cũng bị phát sinh thêm vài trăm triệu đồng. Vừa lo nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn học, vừa lo trả nợ, chỉ trong thời gian ngắn thấy anh bạn xuống sắc rất nhiều. Nụ cười không thấy đâu, mặt mũi đăm chiêu vô cùng. Đã vài lần thấy anh làm việc quá sức phải đi truyền nước trong bệnh viện.
Con người sinh ra trên đời vốn đã nhiều nỗi lo. Chia sẻ và cân đong sự lo lắng như thế nào đó trong mỗi giai đoạn trong cuộc đời để giảm bớt áp lực, bảo toàn sức khỏe mới là chuyện đáng nhắc tới. Có hàng chục căn nhà, tiền bạc dư dả nhưng gia chủ lại đột ngột ra đi vĩnh viễn, thì chẳng còn nghĩa lý gì nữa.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com
Tham gia cuộc bình chọn Khu đô thị đáng sống 2015 (Báo đầu tư Bất động sản)