Khốc liệt thị trường bán lẻ Việt

(ĐTCK) Sau Parkson, giờ đến Auchan lần lượt dứt áo ra đi không hẹn ngày trở lại.
Thị trường bán lẻ Việt Nam có sự cạnh tranh rất khốc liệt Thị trường bán lẻ Việt Nam có sự cạnh tranh rất khốc liệt

Cảm xúc khó gọi tên

Đầu năm 2018, trung tâm thương mại cuối cùng của Parkson tuyên bố đóng cửa, đánh dấu sự rút lui hoàn toàn khỏi thị trường Việt Nam của tập đoàn bán lẻ đến từ Malaysia. Cũng có không ít xao động cho thị trường, cho cả những người từng rất ngưỡng mộ những trung tâm bán hàng hào nhoáng, thường được biết đến là nơi đứng chân của những thương hiệu hàng hiệu, thậm chí là xa xỉ.

Ấy thế mà Parkson đã ra đi không kèn, không trống, để lại trong ánh nhìn của không ít người một khung cảnh “Bóng chiều không thắm, không vàng vọt/Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”, như trong lời thơ đầy ám ảnh của thi sĩ Thâm Tâm, với khúc “Tống biệt hành”.

Chậm hơn một chút, nhưng lại nhanh hơn tận 9 năm, đó là câu chuyện của người ra đi kế tiếp. Parkson có 13 năm tồn tại, xuất hiện lần đầu vào năm 2005 và chia tay người tiêu dùng Việt Nam vào năm 2018. Còn Auchan, có mặt ở Việt Nam từ năm 2015, và sau 4 năm, mới đây, vào tháng 5/2019, Auchan tuyên bố tháo lui. Sự ra đi của Auchan tiếp tục gây ra không ít bất ngờ với người tiêu dùng, khi chỉ trong 4 năm, hệ thống này đã gây dựng được tới 18 điểm bán hàng tầm cỡ.

Bán lẻ có còn hấp dẫn?

Liên tiếp hai ông lớn ngành bán lẻ quốc tế rút lui khỏi thị trường, khiến không ít người băn khoăn, phải chăng thị trường tiêu dùng Việt Nam không còn hấp dẫn trong khi tầng lớp trung lưu gia nhập vào sức cầu cao ngày càng lớn? Phải chăng sự cạnh tranh là quá khốc liệt, khốc liệt đến mức những thương hiệu lớn, thậm chí mang tính toàn cầu còn phải rời đi? Hay, vì những lý do nào khác?

Hiện, so với các nước trong khu vực, diện tích bán lẻ hiện đại tại Việt Nam vẫn ở mức thấp. Mật độ diện tích bán lẻ trên đầu người tài thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM lần lượt chỉ ở mức 0,17 và 0,13 m2/người. Trong khi đó, con số này tại các thành phố như: Jakarta (Indonesia) là 0,44 m2/người, Singapore 0,75 m2/người và Bangkok (Thái Lan) là 0,89 m2/người (nguồn: Savills Việt Nam).

Cùng với tốc độ phát triển kinh tế ổn định và mức độ đô thị hóa cao, dân số trẻ chiếm tỷ trọng lớn với dân số có độ tuổi dưới 35 tuổi chiếm đến 60%, tầng lớp trí thức và có thu nhập ổn định ngày càng tăng hỗ trợ cho ngành bán lẻ Việt Nam phát triển. Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, mức thu nhập đầu người tăng 17% và mức chi tiêu tăng 14% khi so sánh năm 2016 với năm 2014.

Các số liệu phân tích từ các đơn vị nghiên cứu, tư vấn thị trường đều cho thấy, thị trường bán lẻ của Việt Nam nói chung và tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM nói riêng có tình hình hoạt động khả quan.

Tuy nhiên, có những thứ đã khác xưa.

Theo bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng phòng Nghiên cứu, Savills TP.HCM, nhân tố cốt lõi của sự phát triển bền vững của ngành bán lẻ Việt Nam là người tiêu dùng thì đang có xu hướng thay đổi nhanh chóng về hành vi. Điều này buộc các nhà phát triển bán lẻ cần phải thấu hiểu và nắm bắt được xu hướng để đưa ra ý tưởng phát triển về kiến trúc dự án cũng như cơ cấu khách thuê phù hợp.

Theo vị chuyên gia này, mặc dù Việt Nam là thị trường mới nổi với nhiều cơ hội đầu tư, nhưng các nhà đầu tư cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, chủ yếu vẫn là sự thay đổi hành vi tiêu dùng.

Trong xu thế toàn cầu hóa, Việt Nam mở cửa đón chào các nhà đầu tư nước ngoài đã làm cho thị trường bán lẻ ngày càng sôi động và tăng tính cạnh tranh. Nhưng những năm qua, thị trường cũng đã chứng kiến nhiều dự án phải đóng cửa hoặc giảm diện tích, nhất là phân khúc trung tâm bách hóa, bởi thiếu tính đa dạng cơ cấu khách thuê. Không ít trung tâm thương mại phải cải tạo lại kiến trúc cũng như cơ cấu khách thuê, không ngừng làm mới và đưa ra nhiều chương trình và sự kiện giảm giá để thu hút người mua sắm, từ đó cải thiện tình hình kinh doanh. Sự phát triển của thương mại điện tử cũng là một thách thức cho các nhà đầu tư phát triển diện tích bán lẻ.

Khốc liệt thị trường bán lẻ Việt ảnh 1

Auchan là cái tên tiếp theo rút khỏi Việt Nam

Trong khi đó, ông ALEX CRANE, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam lại cho rằng, nhu cầu về mặt ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bán lẻ là điều tất yếu, do tỷ lệ mua sắm qua mạng tăng rất mạnh. Sự cải tiến về thanh toán trực tuyến và hệ thống giao nhận sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng của thương mại điện tử (e-commerce) và thương mại di dộng (m-commerce). Thương mại điện tử hưởng lợi từ sự cải tiến của công nghệ giúp nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng, tiến hành hoạt động kinh doanh và thị trường trực tiếp. Tiến bộ này cũng thúc đẩy doanh số bán lẻ, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, lo ngại về chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng và mức độ dễ sử dụng của ứng dụng/phần mềm là những yếu tố cần được đề cập đến nếu doanh nghiệp muốn gia tăng nhận diện thương hiệu và xây dựng niềm tin người tiêu dùng.

Còn theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, cơn lốc thâm nhập của các nhà bán lẻ ngoại vào Việt Nam gần đây làm cho thị trường bán lẻ trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn. Việc mở rộng ngày càng nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại góp phần làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam từ việc mua sắm tại các chợ truyền thống chuyển sang các trung tâm mua sắm hiện đại.

“Miếng bánh bán lẻ sẽ là một cuộc chiến và chỉ có những nhà bán lẻ có chiến lược đúng đắn đáp ứng được nhu cầu thị trường sẽ giành được thị phần trong miếng bánh này”, ông Stephen Wyatt khẳng định.

Chuyện của Auchan

Hãy cùng quay lại câu chuyện của Auchan. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Trí Huân, Trưởng phòng Nghiên cứu và Tư vấn thị trường bất động sản Colliers Việt Nam cho rằng, ngay từ đầu khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam, Auchan chọn cách bắt tay với các tập đoàn bất động sản lớn để hợp tác xây dựng siêu thị ngay chính tại chung cư của chủ đầu tư, cũng như đã nhiều lần thay đổi nhận diện thương hiệu từ S.Mart thành Simply và nay là Auchan, nhưng vẫn không thay đổi được doanh thu. Mô hình kinh doanh này của Auchan là quá cũ, không còn phù hợp ở Việt Nam.

Ngoài ra, việc một tập đoàn bán lẻ nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam không những sẽ gặp khó khăn về việc thiết lập mối quan hệ tốt với khách hàng, mà bên cạnh đó còn cần có quan hệ tốt với bên phía nhà cung cấp, với chính quyền địa phương và cả cộng đồng trong và ngoài nước.

Đồng quan điểm, khi nhìn nhận về thị trường, đại diện CBRE cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng ngày càng lớn mạnh, nguồn vốn tăng nhanh với nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Mạng lưới kinh doanh của doanh nghiệp không chỉ mở rộng, mà mở rộng với tốc độ cực nhanh nhằm đón đầu nguồn cầu tương lai. Vì vậy, các doanh nghiệp ngoại nếu không có chiến lược/mô hình kinh doanh linh hoạt và sự thay đổi phù hợp với nhu cầu nội địa, thì sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn.

Trả lời câu hỏi về việc thị trường bán lẻ Việt còn không sức hấp dẫn, đại diện CBRE cho rằng, Với đà phát triển của các hệ thống bán lẻ trong nước như hiện nay, trong tương lai, theo chúng tôi nhận định, sẽ khó khăn hơn nhiều cho các đơn vị bán lẻ nước ngoài trong việc tìm kiếm mặt bằng phát triển phù hợp. Và phần lớn có thể sẽ buộc phải bắt tay với các doanh nghiệp trong nước để cùng phát triển. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ Việt Nam không những không giảm sức hấp dẫn, mà ngày càng hấp dẫn hơn với các yếu tố kinh tế vĩ mô tích cực cùng với sự cải thiện về chất lượng sống của người dân.

Trong khi đó, theo ông Huân, với việc các doanh nghiệp trong nước chiếm đến 3/4 thị phần, thị trường bán lẻ Việt Nam trong những năm tới dự kiến sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt, sẽ khó khăn cho những tập đoàn bán lẻ nước ngoài muốn gia nhập vào thị trường Việt Nam.

Với tổng chi tiêu bán lẻ tại Việt Nam năm 2018 ghi nhận mức 58 tỷ USD, tăng trưởng gần 10% so với năm 2017 và hứa hẹn vẫn còn tăng trưởng trong những năm tới, dư địa để thị trường bán lẻ phát triển vẫn rất lớn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Thành Nguyễn
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục