Khốc liệt cuộc chiến gạch ốp lát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sức cầu thị trường sụt giảm, hàng ngoại nhập vào mạnh, áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp sản xuất gạch, đá ốp lát càng khốc liệt hơn.
Khốc liệt cuộc chiến gạch ốp lát

Cầu yếu

Quý III vừa qua, ngoại trừ Tổng công ty cổ phần Viglacera (mã VGC), các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh gạch ốp lát đang niêm yết/giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán đều ghi nhận lợi nhuận đi lùi so với cùng kỳ năm trước (xem bảng). Trong đó, Công ty cổ phần Công nghiệp gốm sứ Taicera (mã TCR) ghi nhận mức giảm mạnh nhất, với khoản lỗ 14,77 tỷ đồng. Trung Đô (mã TDF) chỉ ghi nhận 2,15 tỷ đồng lợi nhuận, tương ứng giảm gần 87% so với cùng kỳ.

Đáng nói là, kết quả kinh doanh tích cực của Viglacera (với 413 tỷ đồng lãi ròng, tăng 86,6% so với cùng kỳ) lại nhờ mảng bất động sản khu công nghiệp.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhóm này đều tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước. Một số doanh nghiệp gạch ốp lát chưa niêm yết như Prime, Vitto, Thạch Bàn, Đồng Tâm… cũng công bố số liệu kinh doanh 9 tháng kém khả quan.

Dù nằm trong số ít doanh nghiệp thuộc ngành gạch ốp lát và vật liệu ốp lát bề mặt có kết quả tốt, nhưng Công ty cổ phần Vicostone (mã VCS) ghi nhận mức suy giảm doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 27,8% và 35,3% (với 3.200 tỷ đồng doanh thu và 609,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế).

Tại văn bản giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh quý III/2023, Vicostone cho biết, do ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô toàn cầu như lạm phát vẫn ở mức cao, kinh tế suy giảm tăng trưởng, việc chi tiêu của cá nhân và doanh nghiệp bị hạn chế. Trong khi đó, sản phẩm của Công ty không phải hàng hóa thiết yếu.

Nhìn nhận về câu chuyện của ngành gạch ốp lát, ông Đinh Hồng Kỳ, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA) cho rằng, thị trường bất động sản giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế; có tác động dẫn dắt, thúc đẩy hàng loạt các ngành nghề, lĩnh vực khác cùng phát triển, từ thi công xây lắp, sản xuất xi măng, thép, các loại vật liệu xây dựng, các trang thiết bị… Tuy nhiên, hiện nay, thị trường bất động sản Việt Nam đang chững lại, thậm chí “đóng băng” ở nhiều phân khúc và khu vực, khiến các doanh nghiệp ngành xây dựng và cung ứng vật liệu xây dựng “điêu đứng” theo.

“Dù các doanh nghiệp đã lường trước về việc thị trường sẽ khó khăn, nhưng một cú sốc như vậy gây ra sự sụt giảm về mặt doanh thu quá lớn, dẫn đến không ít doanh nghiệp phải cơ cấu lại hoạt động sản xuất, cắt giảm lực lượng lao động…”, ông Kỳ nhấn mạnh về sự khó khăn của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng.

Theo TS. Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), thị trường bất động sản gặp khó khăn, nhiều dự án nhà ở dừng thi công, đầu ra của các doanh nghiệp gạch ốp lát thời gian qua chủ yếu phục vụ cho hoạt động xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà dân. Do đó, sản lượng sản xuất và tiêu thụ của ngành chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế.

Ước tính sơ bộ của Hiệp hội Gốm sứ Việt Nam cho thấy, trong 3 năm qua, doanh thu của ngành gốm sứ xây dựng đã sụt giảm khoảng 1 tỷ USD.

“Nếu không được tháo gỡ, nguy cơ phá sản của một lượng đáng kể doanh nghiệp nhóm này là hiện hữu”, ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Việt Nam cho biết.

Sức ép cạnh tranh gay gắt hơn

Sản phẩm gạch ốp lát và vật liệu lát sàn, tường được sử dụng để bảo vệ và làm đẹp cho công trình, mẫu mã sản phẩm phải thay đổi liên tục theo xu hướng, mỗi kiểu trang trí thường chỉ thịnh hành từ 2 - 3 năm. Do vậy, công nghệ sản xuất đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành này.

Những năm qua, các doanh nghiệp gạch ốp lát nội địa đã chú ý đến việc đầu tư và cập nhật công nghệ của Ý, Tây Ban Nha và Trung Quốc – những quốc gia hàng đầu về sản xuất gạch, đá ốp lát. Tuy nhiên, chi phí đầu tư vẫn là trở ngại lớn với nhiều doanh nghiệp, do các dây chuyền này có giá không hề rẻ. Hệ quả của việc chậm đổi mới công nghệ là sản phẩm của một số doanh nghiệp gạch ốp lát trong nước dần yếu thế ngay chính trên “sân nhà”. Hiện sản phẩm đá ốp lát có xuất xứ từ Ấn Độ, Trung Quốc, Campuchia… đang được sử dụng khá phổ biến tại Việt Nam.

Đó là chưa kể, hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước rất yếu. Theo lộ trình thực hiện Hiệp định thương mại ASEAN - Ấn Độ (ký kết ngày 13/8/2009), thuế suất thuế nhập khẩu các sản phẩm đá ốp lát và vật liệu bề mặt từ Ấn Độ vào Việt Nam từ 35% giảm xuống còn 5% từ năm 2022 và tiếp tục giảm nữa, khiến sản phẩm này vào Việt Nam được bán với giá rất rẻ.

Ngay Vicostone, dù sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp, được đánh giá vượt trội về chất lượng và mẫu mã, nhưng ở thị trường trong nước cũng đối diện với nhiều thách thức từ sự vươn lên của các đối thủ như Caslaquarts, Phú Sơn hay Khang Minh. Còn ở thị trường Bắc Mỹ, thị trường xuất khẩu truyền thống của Vicostone, Công ty đang chịu áp lực cạnh tranh với đối thủ Ấn Độ, vốn không kém cạnh về chất lượng và giá bán.

Các dữ liệu tài chính cho thấy, mức độ tiêu thụ hàng của các doanh nghiệp thuộc ngành ốp lát trong nước đã bắt đầu kéo dài hơn với vòng quay thu hồi nợ từ khách hàng cũng chậm hơn so với những giai đoạn trước. Tuy chưa ở mức độ nghiêm trọng, nhưng cũng cho thấy sự khó khăn chung của thị trường.

Tú Ninh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục