Khoảng trống trách nhiệm khi doanh nghiệp như SPI, G20 mắc lỗi về báo cáo tài chính

(ĐTCK) Những báo cáo tài chính “có vấn đề” không phải là hiếm trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hầu hết cổ đông, nhất là các cổ đông bên ngoài hầu như không được quyền tham gia vào quá trình hình thành báo cáo tài chính. Nhưng sự thật là, khi xảy ra những vấn đề sai phạm, cổ đông lại là người trả giá nặng nhất.
Thiệt hại do sai sót trong quá trình lập báo cáo tài chính không chỉ là tiền Thiệt hại do sai sót trong quá trình lập báo cáo tài chính không chỉ là tiền

Từ vi phạm của SPI

Đầu tháng 7/2017, Thanh tra Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt đối với Công ty cổ phần Đá Spilít (mã SPI) với mức phạt 70 triệu đồng. Theo đó, SPI đã mắc lỗi công bố thông tin sai lệch, khi báo cáo tài chính quý IV/2016 được công bố với kết quả kinh doanh lỗ 216,48 triệu đồng trước khi được đính chính lại thành lãi 772,26 triệu đồng.

Ngoài xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền, SPI còn buộc phải thực hiện cải chính thông thông tin đối với nội dung công bố sai lệch theo quy định tại Khoản 41, Điều 1, Nghị định số 145/2016/NĐ-CP.

SPI gây chú ý khi có những ồn ào xung quanh việc tăng vốn sau khi chào sàn bằng cách hoán đổi cổ phần (năm 2013) với Công ty cổ phần Môi trường Quốc Bảo – một doanh nghiệp mới thành lập. Hệ quả của việc này là trong báo cáo tài chính năm 2013 của SPI xuất hiện một khoản lợi thế thương mại lên tới hơn 72 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2016, SPI vẫn còn giá trị gần 56 tỷ đồng chưa khấu hao hết.

Việc chuyển từ lỗ sang lãi của riêng quý IV/2016 với con số vài trăm triệu đồng trong tình huống của SPI không làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cả năm của Công ty, nhưng nếu đặt trong bối cảnh một cổ phiếu mà từng có nhà đầu tư bị phạt vì tội làm giá chứng khoán (vào tháng 8/2013), có những dấu hỏi về chất lượng tài sản…, thì lại là câu chuyện khác.

… đến câu chuyện của G20

Công ty cổ phần Đầu tư Dệt may G.HOME (mã G20) lại là một trường hợp khác, khi cái giá của những sai sót trong quá trình lập báo cáo tài chính đã gây nên thiệt hại không chỉ là tiền.

Theo đó, với tình trạng báo cáo tài chính kiểm toán bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến, cổ phiếu G20 sẽ bị huỷ niêm yết kể từ ngày 21/7/2017. Đồng thời, công văn của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, G.HOME cũng đồng thời mắc lỗi vi phạm công bố thông tin, khi không công bố thông tin kịp thời trong vòng 24 giờ kể từ khi xảy ra sự kiện kiểm toán viên không đưa ra ý kiến chấp thuận toàn phần đối với báo cáo tài chính kiểm toán.

Trong vòng 1 năm qua, giá cổ phiếu G20 chưa khi nào chạm mức 10.000 đồng, giao dịch èo uột chủ yếu ở mức giá dưới 5.000 đồng/CP. Giá thấp, nhưng thông tin bị huỷ niêm yết cũng đủ làm cho cổ đông G.HOME điêu đứng vì mức biến động giá lên tới hơn 40% chỉ trong vòng 1 tháng vừa qua.

Câu chuyện với G.HOME không chỉ là những thiệt hại về tiền cho cổ đông, mà còn là những hệ lụy tài chính khác xung quanh việc báo cáo tài chính bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến và những vấn đề minh bạch thông tin sau khi huỷ niêm yết.

Trước tiên là vấn đề kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến với báo cáo tài chính của G.HOME. Báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty cho thấy, tại thời điểm 31/12/2016, G.HOME có vốn điều lệ 144 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 162 tỷ đồng, nhưng có tới hơn 43 tỷ đồng tồn tại dưới dạng vốn góp vào công ty con, công ty liên kết và trả trước cho người bán, tương đương 29,94% vốn điều lệ bị kiểm toán nghi ngờ tính xác thực.

Phía Ban lãnh đạo G.HOME đã có công văn giải trình và hướng khắc phục các vấn đề trên, bao gồm việc thu hồi vốn góp, bán vốn đầu tư và thu hồi các khoản tạm ứng… Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là, nếu những nghi ngờ của kiểm toán là chính xác, thì quyền lợi của cổ đông đã bị xâm phạm nghiêm trọng bởi sự thiếu minh bạch trong sử dụng nguồn lực Công ty của Ban lãnh đạo hiện thời. Và trong vai trò của những bị hại, cổ đông lại thêm một lần nữa phải chịu rủi ro về tính minh bạch, khi cổ phiếu G20 chuyển xuống đăng ký giao dịch tập trung tại UPCoM, nơi tiêu chuẩn công bố thông tin thấp hơn đáng kể.

Với những câu chuyện như SPI, G20, nên chăng, cần một chế tài với chính Ban lãnh đạo doanh nghiệp – những người để xảy ra sai phạm, thay vì những cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài, không thể có được tiếng nói tại doanh nghiệp để bảo vệ chính mình?

Trúc Chi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục