Khoảng trống sau lưng… F1

(ĐTCK) Tân Hiệp Phát, Ngân hàng ACB, Kinh Đô… có tuổi đời trên dưới 20 năm. Chưa dài, nhưng việc đổi ngôi lãnh đạo vẫn phải bắt đầu.
Khoảng trống sau lưng… F1

Khoảng trống sau lưng… F1 ảnh 1

Tre già, măng sẽ mọc

Sau biến cố lớn về nhân sự cao cấp gắn với ông Nguyễn Đức Kiên, từ giữa tháng 9/2012, HĐQT Ngân hàng ACB đã đưa ông Trần Hùng Huy, 34 tuổi lên làm Chủ tịch HĐQT. Đây là gương mặt trẻ nhất ngồi trên ghế nóng ở một ngân hàng đang đối mặt với nhiều thách thức nên không ít người đặt câu hỏi: Trần Hùng Huy là ai? Với giới am hiểu nội tình ngành ngân hàng và cổ đông trung thành của ACB thì tân Chủ tịch HĐQT của ACB không phải là gương quá mặt xa lạ: ông Trần Hùng Huy là con ông Trần Mộng Hùng - cổ đông sáng lập của ACB.

Một thời gian dài suốt từ năm 1994 - 2008, ông Trần Mộng Hùng đã nắm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT tại Ngân hàng. Ở ACB, cùng với ông Nguyễn Đức Kiên, ông Hùng được xem là một trong hai nhân vật có ảnh hưởng mạnh mẽ đến định hướng chiến lược của Ngân hàng dù luôn giữ quan điểm đối lập. Vì vậy, khi ACB gặp biến động dữ dội về nhân sự và đem “trình làng” một tân Chủ tịch HĐQT trẻ măng, dù có tới 3 bằng đại học quốc tế thì thị trường vẫn cho rằng, ông Hùng mới thực sự đưa ra các quyết sách lớn tại ACB. Động thái ngồi sau rèm “chấp chính” này có thể xem như đợt cử dượt để tạo ra sự phát triển có tính kế thừa tại thời điểm ACB đối mặt với nhiều sóng gió.

Tre già măng mọc là quy luật tất yếu của cuộc sống. Vài năm trước đây, thị trường từng chú ý đến việc bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Cơ điện lạnh (REE) bất ngờ bổ nhiệm con trai là Nguyễn Ngọc Thái Bình - 27 tuổi làm Giám đốc Tài chính (CFO) của REE. Thậm chí, sau đó, cựu nhân viên của Ngân hàng HSBC còn được tín nhiệm bầu làm thành viên HĐQT. REE là CTCP có tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, nhưng khó có thể phủ nhận dấu ấn cá nhân và vài trò của bà Mai Thanh trong việc kiến tạo định hướng chiến lược và dẫn dắt một xí nghiệp lắp ráp thiết bị sản xuất nước đá cây thành một công ty REE lớn mạnh như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một sự ưu ái quá mức và bà Mai Thanh muốn từng bước chuyển giao quyền lực đang nắm giữ cho con trai. Tuy nhiên, mới đây, bà Mai Thanh đã khẳng định với ĐTCK: “Lúc ấy, REE thiếu một vị trí CFO, gánh nặng đè lên Ban điều hành. Tôi không muốn tuyển dụng người nhà nhưng quan sát thấy Thái Bình toàn tâm toàn ý với công việc nên có vẻ phù hợp”. Cần phải nói thêm rằng, bà Mai Thanh đã có kế hoạch rút khỏi chức vụ Tổng Giám đốc để lui về tuyến hai chỉ đạo chiến lược. Các gương mặt trẻ trung như Thái Bình, sinh trưởng sau chiến tranh, được học tập và đào tạo bài bản ở nước ngoài là thế hệ lãnh đạo thứ ba ở REE.

Con trai giúp mẹ là trường hợp tại REE thì con gái giúp ba là trường hợp xảy ra tại Tân Hiệp Phát. Hiện nay, Tân Hiệp Phát vẫn là doanh nghiệp gia đình của doanh nhân Trần Quý Thanh. Cô con gái Trần Uyên Phương - vừa tốt nghiệp khóa học quản lý cao cấp 3 năm tại Đại học Harvard và là cánh tay phải của ông Thanh trong việc điều hành công ty gia đình. Đề cập đến khả năng cho con gái cưng gánh vác doanh nghiệp đang được một số tổ chức uy tín định giá tới 1,5 - 1,8 tỷ USD, ông Thanh cho biết, ông không bắt buộc con gái phải gánh vác sự nghiệp, nhưng nếu có đủ khả năng thì việc chuyển giao là đương nhiên. Ở vị trí của mình, Uyên Phương chia sẻ, đang sát cánh cùng ba mẹ, em gái điều hành Công ty, hiện tại có thể chưa đủ kinh nghiệm để thay thế, nhưng một khi được tin tưởng giao phó thì ít nhất sẽ đưa Tân Hiệp Phát phát triển lên quy mô gấp đôi hiện nay.

Trong một bài viết trên Tạp chí Bussiness tiêu đề “Chuyển giao doanh nghiệp của bạn cho thế hệ đi sau”, Chủ tịch Công ty Tư vấn doanh nghiệp Mid Market Capital, David M. Kauppi từng khẳng định: “Bạn cần phải chuyển doanh nghiệp của gia đình cho thế hệ đi sau. Đó là một hành động đáng làm!”. Nhưng tại Việt Nam, các cuộc chuyển giao quyền lực cho thế hệ F2 như tại ACB hiện nay khá hiếm hoi, còn các trường hợp cả một gia đình sát cánh cùng nhau kinh doanh không hiếm gặp: Cuộc chuyển giao sở hữu tại Ngân hàng Sacombank gắn với vụ thâu tóm đình đám bỗng lộ ra gương mặt trẻ trung như Trầm Trọng Ngân, Trầm Khải Hòa đang sở hữu khối lượng cổ phần Sacombank khá lớn. Cả hai là con trai đại gia kín tiếng Trầm Bê. Khi còn nắm ngân hàng Sacombank, ông Đặng Văn Thành được coi là người thuyền trưởng đưa ngân hàng phát triển liên tục trong 20 năm. Con trai ông Thành, Đặng Hồng Anh là thành viên HĐQT được xem như người được chấm kế vị cha. Tương tự, bà Huỳnh Bích Ngọc, phu nhân của ông Thành được xem là “nữ hoàng” ngành mía đường Việt Nam. Sát cánh cùng bà Ngọc có cô con gái Đặng Huỳnh Ức Mi nắm quyền lãnh đạo tại một loạt công ty mía đường lớn. Hai người sinh năm 1980 và 1981 tham gia điều hành các công ty khi còn rất trẻ. Tương tự, tại CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG), Phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Cường, con trai của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Như Loan đang sát cánh giúp mẹ kinh doanh…

 

Sóng sau chưa xô sóng trước

Tuy nhiên, nhiều cuộc chuyển giao quyền lực thực tế đã không diễn ra suôn sẻ. Điển hình nhất là trường hợp tại CTCP FPT, khi ông Trương Đình Anh từ nhiệm cương vị Tổng Giám đốc sau 18 tháng tại vị. Ông Trương Gia Bình - chú ông Trương Đình Anh, Chủ tịch HĐQT phải quay trở lại chiếc ghế nóng. Tương tự, sự cố chuyển giao quyền lực tại CTCP Tập đoàn Hoa Sen không những không thành công mà còn gây ồn ào với sự kiện hy hữu: Tổng Giám đốc ngồi ghế nóng 18 ngày. Cả hai sự cố chuyển giao quyền lực này gây quan ngại đến mức một công ty niêm yết lớn đã lên kế hoạch chuyển giao quyền lực trong ĐHCĐ 2013 sắp tới đang phải xem xét lại thời điểm chuyển giao.

“Khủng khoảng kinh tế còn kéo dài và môi trường kinh doanh còn đầy thách thức, việc chuyển giao không suôn sẻ có thể khiến công ty đi chệch đường và gây ra các thiệt hại khôn lường cho cổ đông. Dù đã có lộ trình và tìm được người kế thừa nhưng có thể việc thay thế tại công ty chúng tôi sẽ diễn ra sau đó 2 năm, khi điều kiện chín muồi hơn”, nữ doanh nhân đang ngồi ghế chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty này nói.

Rất nhiều công ty cổ phần tiền thân là doanh nghiệp tư nhân, các cổ đông sáng lập hiện nay vẫn giữ quyền chi phối. Họ là những lãnh đạo giỏi, quyết đoán và biết chớp cơ hội khi kinh tế chuyển dịch, nhưng sớm muộn cũng phải chuyển giao lại. Tuy nhiên, việc tìm kiếm các gương mặt thay thế không dễ dàng. Người bên ngoài có năng lực cũng không nhiều và có tìm được cũng khó có thể tin tưởng giao phó hoàn toàn “tay hòm chìa khóa”. Ngược lại, thế hệ F2 trong gia đình thì hoặc còn quá trẻ, hoặc không có thiên hướng kinh doanh. Chẳng hạn, Nguyễn Phương Anh, con gái bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo tốt nghiệp đạo diễn sân khấu Đại học Oxford (Anh) và đeo đuổi sự nghiệp riêng trong lĩnh vực giải trí và truyền thông. Các chủ doanh nghiệp lớn khác như ông Đoàn Nguyên Đức tại Hoàng Anh Gia Lai, ông Nguyễn Duy Hưng tại CTCK SSI, ông Đặng Thành Tâm tại Kinh Bắc… đều có con cái còn khá trẻ.

Đáng chú ý, theo kết quả nghiên cứu của Công ty Tư vấn doanh nghiệp Mid Market Capital, việc chuyển giao công ty cho người trong gia đình thường thất bại nhiều hơn thành công. Cụ thể, các con số thống kê chỉ ra rằng, chỉ 33% doanh nghiệp gia đình chuyển giao thành công cho thế hệ thứ hai và khoảng 13% chuyển giao được đến thế hệ thứ ba! Một xu hướng khác đáng chú ý là tại nhiều quốc gia phát triển trong khu vực, thế hệ F2, F3 của các doanh nhân lớn thích tự lập đeo đuổi các lĩnh vực mới như hội họa, nghệ thuật, âm nhạc… xa lạ với truyền thống kinh doanh của gia đình. Rõ ràng, có một khoảng trống đáng kể phía sau thế hệ F1.

Tại Việt Nam , không phải doanh nhân nào cũng nghĩ tới việc bắt buộc phải chuyển giao cơ nghiệp cho người nhà. Chẳng hạn, ông Trần Lệ Nguyên khi trả lời PV ĐTCK đã thẳng thắn chia sẻ, hiện nay, khi thấy gánh nặng tuổi tác sẽ rút lui vào hậu trường để chỉ đạo công tác chiến lược tại Tập đoàn Kinh Đô và sẽ thuê những người giỏi về điều hành Công ty mà không buộc thế hệ F2 gánh vác.

Một câu chuyện mang tính kinh điển về giáo dục con cái đáng suy ngẫm là của tỷ phú Mỹ Bill Gate. Người sở hữu khối tài sản 61 tỷ USD, giàu thứ hai thế giới năm 2012 theo xếp hạng của Tạp chí Forbes tuyên bố chỉ để lại tài sản cho các con 10 triệu USD. Ông nói trên tờ Dailymail bài học nuôi dạy con cái: “Số tiền trên chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng tài sản của tôi. Điều này có nghĩa, bọn trẻ sẽ phải tự đi trên con đường của mình. Số tiền đó sẽ đảm bảo cho chúng được ăn học đến nơi đến chốn và chắc chắn sẽ giải quyết được bất kể vấn đề gì liên quan đến sức khỏe. Tuy nhiên, để có thu nhập, chúng sẽ phải tự lựa chọn cho mình một công việc để làm, giống như bất kỳ người trưởng thành khác”.           

Giang Thanh
Giang Thanh

Tin cùng chuyên mục