Khoảng trống pháp luật trong xử lý nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ góc nhìn của người trong cuộc, dù các tổ chức tín dụng đã và đang đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, nhưng do nhiều vướng mắc, bất cập của pháp luật, nhất là Luật Thi hành án dân sự chưa được tháo gỡ khiến quá trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng kéo dài.

Vướng mắc, bất cập của luật pháp khiến quá trình xử lý nợ kéo dài

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng

Thời gian qua, mặc dù Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan đã đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự các cấp, góp phần giúp các ngân hàng thu hồi các khoản nợ xấu. Song thực tế, tại các ngân hàng vẫn tồn tại nhiều vụ việc thi hành án bị trì hoãn trong thời gian dài, ảnh hưởng đến kết quả thu hồi nợ xấu của các ngân hàng.

Cụ thể, chúng tôi nhận được 292 vụ việc vướng mắc của 11 ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội; trong đó, vướng mắc do cơ quan có thẩm quyền thi hành án chậm đưa tài sản ra đấu giá hoặc bàn giao tài sản đấu giá cho người trúng đấu giá là 19 vụ; vướng mắc do cơ quan thi hành án chậm ban hành quyết định thi hành án là 9 vụ; vướng mắc do chưa có sự phối hợp, thống nhất giữa các cơ quan có thẩm quyền là 19 vụ; vướng mắc do hiện trạng tài sản bảo đảm khác so với hồ sơ vụ việc là 25 vụ; vướng mắc do tài sản bảo đảm bị tẩu tán là 12 vụ; vướng mắc do phát sinh tranh chấp tài sản bảo đảm trong quá trình thi hành án là 18 vụ; vướng mắc do người thi hành án cố tình chống đối, không hợp tác là 16 vụ; vướng mắc do tài sản bảo đảm có tính chất đặc thù chưa thể xử lý được là 5 vụ; vướng mắc do cơ quan thi hành án yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho người thi hành án là 1 vụ.

Liên quan đến những vướng mắc này, trong hai năm qua, Hiệp hội Ngân hàng đã có nhiều văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét tháo gỡ. Theo đó, một số kiến nghị đã được Bộ Tư pháp và các bộ, ngành tiếp thu sửa đổi tại các văn bản luật và các nghị định, thông tư hướng dẫn thời gian qua và tại các dự thảo văn bản đang được lấy ý kiến như dự thảo sửa đổi Nghị định 62/NĐ-CP... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập của pháp luật, nhất là Luật Thi hành án chưa được xem xét tháo gỡ, làm quá trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng kéo dài, nhiều vụ việc tồn đọng nhiều năm chưa được xử lý.

Cần sự hợp tác giữa các bên có liên quan

Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Quản lý rủi ro TPBank
Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Quản lý rủi ro TPBank

Tôi xin chia sẻ một tình huống có thật về vướng mắc trong xử lý nợ xấu. Doanh nghiệp X phát sinh khoản vay tại ngân hàng A, đảm bảo bằng tài sản của chủ doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp X lại có khoản vay tín chấp ở ngân hàng B và chủ doanh nghiệp này đã ký cam kết mọi trách nhiệm đối với khoản vay tín chấp sẽ được cam kết trả nợ thay bởi cá nhân chủ doanh nghiệp và bằng tất cả tài sản của chủ doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp X không trả nợ được, ngân hàng A buộc phải đưa ra phương án xử lý bán tài sản thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp, đang được cầm cố tại ngân hàng A. Tuy nhiên, khi bán tài sản, chủ doanh nghiệp tìm ra người mua chuẩn bị ký hợp đồng công chứng, đơn vị công chứng đề nghị ngân hàng A phải ghi rõ, tài sản đó đã được giải toả mọi vấn đề pháp lý thì mới công chứng cho hợp đồng mua bán. Ngay tại thời điểm ngân hàng A đưa ra cam kết thì ngân hàng B xuất hiện, gửi đơn ngăn chặn, dẫn đến hiện tại tài sản không giải quyết được.

Hiện trạng này cho thấy, nếu không có tương tác với các cục thi hành án địa phương, xin ý kiến quan điểm của Tổng cục, nếu không có tính hợp lý trong xử lý giữa các ngân hàng thương mại với nhau, việc xử lý án tín dụng ngân hàng sẽ rất khó khăn.

Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người phải thi hành án chưa cao

Ông Lê Duy Hải, Phó tổng giám đốc VietinBank
Ông Lê Duy Hải, Phó tổng giám đốc VietinBank

Tính đến tháng 7/2024, VietinBank có 1.200 vụ đang gửi cơ quan thi hành án hỗ trợ cùng triển khai. Tại Ngân hàng, khi cho vay, tài sản đảm bảo thường là bất động sản và chủ yếu vướng mắc khi thu hồi nợ xấu cũng là bất động sản. Ví dụ, bất động sản có hiện trạng thực tế thay đổi, sai khác, chênh lệch so với thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc nhà ở được xây dựng trên hai thửa đất khác nhau và không chia tách được, hoặc bất động sản không có lối đi... Có những trường hợp gần 20 năm Ngân hàng vẫn chưa xử lý được.

Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật, nguyên nhân khách quan và từ phía các cơ quan thi hành án, công tác thi hành án tín dụng tại VietinBank còn đối mặt với khó khăn, vướng mắc từ phía đương sự. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người phải thi hành án chưa cao, có hành vi chây ỳ, cố tình dây dưa kéo dài, chống đối, cản trở việc thi hành án bằng nhiều cách khác nhau, như không tiếp nhận các quyết định, thông báo của cơ quan thi hành án; thường xuyên thay đổi địa chỉ hoặc cố tình vắng mặt tại nơi cư trú; thay đổi hiện trạng tài sản đảm bảo; tẩu tán tài sản bằng việc bán, tặng, cho hoặc đưa tài sản là động sản khỏi địa phương, không thể truy tìm được để xử lý...

Nhiều trường hợp bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người phải thi hành án có hành vi chống đối, lạm dụng các quyền của đương sự để nại ra các lý do, tạo các yếu tố, sự kiện không có cơ sở pháp lý với mục đích làm phát sinh thêm thủ tục tố tụng, thi hành án, phát sinh thêm người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hoặc tòa án, cơ quan thi hành án phải tạm đình chỉ/tạm hoãn giải quyết vụ việc, phải thực hiện ủy thác cho các tòa án/cơ quan thi hành án khác…

Có những trường hợp tài sản đảm bảo đã được cơ quan thi hành án bán đấu giá thành công, người mua đã thanh toán tiền đầy đủ nhưng do chủ tài sản chống đối không giao tài sản, cơ quan thi hành án cũng không cưỡng chế bàn giao được tài sản cho người mua, dẫn đến không chuyển được tiền thi hành án cho ngân hàng thu nợ. Thậm chí, người mua được tài sản còn yêu cầu hủy hợp đồng mua bán hoặc khởi kiện cơ quan thi hành án vi phạm nghĩa vụ bàn giao tài sản đấu giá. Những vụ việc này vừa làm quá trình xử lý nợ kéo dài không có kết quả, làm phát sinh nhiều chi phí, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của cả tổ chức tín dụng lẫn người mua tài sản.

Cần hướng dẫn cụ thể hơn về uỷ thác xử lý tài sản bảo đảm

Ông Hồ Văn Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietcombank
Ông Hồ Văn Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietcombank

Thực tế đã phát sinh vướng mắc về ủy thác thi hành án, ủy thác xử lý tài sản đảm bảo khi bên phải thi hành án có nhiều tài sản tại các địa phương khác nhau. Chẳng hạn, cơ quan thi hành án nơi ủy thác không xác định được cần phải ủy thác thi hành án hay ủy thác xử lý tài sản. Hay trong trường hợp ủy thác thi hành án thì cơ quan thi hành án nơi nhận ủy thác thi hành án có được tiếp tục ủy thác xử lý tài sảo bảo đảm hay không. Vì vậy, trong thời gian tới, cần có hướng dẫn cụ thể hơn về ủy thác xử lý tài sản đảm bảo, bởi hiện vẫn còn vướng mắc trong áp dụng thực tế như trường hợp nào ủy thác thi hành án, trường hợp nào ủy thác xử lý tài sản đảm bảo, có thể áp dụng đồng thời ủy thác thi hành án và ủy thác xử lý tài sảo bảo đảm hay không.

Thứ hai, cần bổ sung quy định về việc cơ quan thi hành án dân sự có thể áp dụng việc bán đấu giá theo thủ tục rút gọn theo Luật Đấu giá tài sản, nếu các bên đương sự có thoả thuận để đẩy nhanh tiến độ thi hành án.

Thứ ba, cần hướng dẫn cụ thể trong trường hợp xác minh điều kiện thi hành án là bất động sản mà thực tế đo vẽ xác minh có sai khác so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thực tế phát sinh nhiều trường hợp tài sản là bất động sản mà thực tế đo vẽ xác minh có sai khác so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng hiện chưa có văn bản, quy định cụ thể nào hướng dẫn về vấn đề này, dẫn đến cơ quan thi hành án tại các địa phương có cách xử lý khác nhau. Nên xem xét đưa ra quy định theo hướng cơ quan hành án dân sự có quyền kê biên và xử lý tài sản theo nguyên trạng.

Hồng Dung ghi nhận.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục