Kỳ 1: Nhạt nhòa trên thị trường cổ phiếu
Vừa mở màn đã thất bại
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), vai trò lớn nhất của nhà tạo lập thị trường là tạo thanh khoản cho các chứng khoán có thanh khoản thấp, hoặc không có giao dịch.
Để thực hiện điều này, nhà tạo lập thị trường sẽ thực hiện việc mua chứng khoán khi thị trường ở tình trạng không có lệnh mua, bán chứng khoán khi thị trường không có lệnh bán với các mức giá do họ tự định, thỏa mãn các yêu cầu về việc yết giá...
Vào tháng 8/2017, HNX có quyết định chấp thuận cho Công ty Chứng khoán IB (IBSC) là thành viên tạo lập thị trường niêm yết và đăng ký giao dịch của HNX.
Theo đó, IBSC là nhà tạo lập thị trường đầu tiên trên HNX, cũng như trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Công ty có kế hoạch thương thảo làm nhà tạo lập thị trường cho mã chứng khoán VTL của Công ty cổ phần (CTCP) Vang Thăng Long.
Để nhà tạo lập thị trường mặn mà tham gia thị trường, thì cơ chế vay mượn chứng khoán cần thuận tiện với chi phí hợp lý.
- Lãnh đạo một công ty chứng khoán
Tuy nhiên, do quá trình đàm phán hợp đồng giữa IBSC và VTL bất thành, nên Công ty chưa thể triển khai hoạt động tạo lập thị trường như kế hoạch đã công bố. Sau sự thất bại này của IBSC, cho đến nay, chưa một công ty chứng khoán nào lộ ý định làm nhà tạo lập thị trường trên thị trường cổ phiếu.
Trong quá trình đi tìm “điểm sáng” của nhà tạo lập thị trường, Đầu tư Chứng khoán đã phát hiện tia sáng hiếm hoi, nhưng không phải với cổ phiếu, mà với quỹ ETF (cùng niêm yết và giao dịch trên sàn cổ phiếu).
“Tuy đến thời điểm này, không nhiều nhà đầu tư biết đến Quỹ ETF VFMVN30 do CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý, nhưng ở vai trò là nhà tạo lập thị trường, chúng tôi đánh giá đây là quỹ ETF nội địa huy động vốn tốt nhất hiện nay.
Một trong những lý do giúp cho quỹ này phát triển được là nhờ thanh khoản được duy trì và cải thiện”, ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), đơn vị làm nhà tạo lập thị trường cho Quỹ ETF VFMVN30 chia sẻ.
Sở dĩ nhà tạo lập thị trường cho quỹ ETF nhúc nhắc sống được, ngoài nhờ loại hình quỹ này có thanh khoản, còn vì không phải chịu giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài như đối với cổ phiếu, cũng như việc có thể cung cấp hệ sinh thái dịch vụ cho loại hình quỹ này.
Chưa có “đất dụng võ”
Theo ý kiến từ những người trong cuộc, nhà tạo lập thị trường chưa mặn mà tham gia thị trường bởi chưa có đất cho công ty chứng khoán… dụng võ.
“Để nhà tạo lập thị trường mặn mà tham gia thị trường, thì cơ chế vay mượn chứng khoán cần thuận tiện với chi phí hợp lý. Thêm vào đó, cơ chế giao dịch T+0 cần được triển khai để giải quyết rủi ro của quy trình giao dịch T+3 hiện tại.
Sự thành công của các nhà tạo lập thị trường ở các nước cho thấy, cần cho phép họ bán khống chứng khoán ngay cả khi họ chưa vay được chứng khoán.
Đây là một trong những điểm mấu chốt tiếp sức cho nhà tạo lập thị trường hoạt động. Thế nhưng, những điều này chưa có ở Việt Nam, nên quá rủi ro cho nhà tạo lập thị trường.
Chốt lại, vì chưa thấy cơ hội kiếm lời, trong khi rủi ro rình rập, nên đến nay chưa có công ty chứng khoán nào mạo hiểm làm nhà tạo lập thị trường cho cổ phiếu”, lãnh đạo một công ty chứng khoán nhìn nhận.
Liên quan đến ý kiến cho rằng, cần có cơ chế ưu đãi về phí, thuế để hấp dẫn nhà tạo lập thị trường phát huy vai trò của mình, tổng giám đốc một công ty chứng khoán đang niêm yết chia sẻ, ngay cả khi có cơ chế này mà rủi ro hoạt động vẫn lớn vì những nút thắt hiện nay, thì công ty chứng khoán sẽ không dám tham gia.
Hơn nữa, quyết định mua - bán cổ phiếu để tạo thanh khoản cho thị trường là do nhà tạo lập thị trường tiến hành theo luật chơi lời ăn - lỗ chịu, nên nhà quản lý khó thiết kế cơ chế ưu đãi về thuế, phí.
Trong bối cảnh này, một số chuyên gia nhận định, để hấp dẫn nhà tạo lập thị trường tham gia, cùng với việc cần có cơ chế bán khống, cho vay mượn chứng khoán thuận lợi với chi phí hợp lý, Việt Nam cần sớm áp dụng cơ chế giao dịch T+0.
Ở bình diện rộng hơn, tính thanh khoản, minh bạch của thị trường cũng như của doanh nghiệp cần được cải thiện, có như vậy mới tạo “đất” tốt cho hoạt động tạo lập thị trường.
Trong thời gian qua, vai trò của nhà tạo lập trên thị trường cổ phiếu đã rất nhạt nhòa và hiện trạng này liệu có thể cải thiện khi thị trường có nền tảng pháp lý mới là Luật Chứng khoán sửa đổi?
Kỳ 2: Lay lắt trên thị trường trái phiếu