“Khoảng trống” khi VN-Index vượt ngưỡng 1.000 điểm

(ĐTCK) Sau nhiều lần thử thách, VN-Index đã vượt qua mức 1.000 điểm lần thứ hai trong năm 2019. Tuy nhiên, sự bứt phá của chỉ số trong ngày đầu tháng 11 và một số phiên tăng điểm sau đó đang tạo ra “khoảng trống”, cần được củng cố thêm.
Dự báo, những nhịp rung lắc để kiểm tra các ngưỡng hỗ trợ có thể xảy ra trước khi VN-Index tiến đến các mức cao mới. Dự báo, những nhịp rung lắc để kiểm tra các ngưỡng hỗ trợ có thể xảy ra trước khi VN-Index tiến đến các mức cao mới.

Thanh khoản tăng, nhưng dòng tiền chảy lệch

Nếu như trong giai đoạn cuối tháng 10/2019, giá trị giao dịch khớp lệnh trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) dao động quanh mức 3.000 tỷ đồng/phiên thì giá trị giao dịch này đã tăng vọt trong những phiên đầu tháng 11.

Trong phiên 1/11, giá trị khớp lệnh đạt trên 4.000 tỷ đồng, phiên 4/11 sau đó tăng lên trên 4.300 tỷ đồng.

Trong một thời gian ngắn, thanh khoản tăng 30 - 40% cho thấy, dòng tiền đang đổ mạnh vào thị trường. Đây là tín hiệu rất tốt về mặt kỹ thuật khi VN-Index vượt qua 1.000 điểm - vốn là ngưỡng kháng cự tâm lý trong hơn một năm qua, thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư về một “đợt sóng” mới.

Điểm số và thanh khoản cùng tăng, nhưng không đồng nghĩa nhiều nhà đầu tư có lãi. Nguyên nhân là bởi diễn biến thị trường thời gian qua cho thấy sự tích tụ thanh khoản tại các cổ phiếu vốn hóa lớn, tạo nên sự đột biến thanh khoản, nhưng thiếu sự lan tỏa.

Như phiên giao dịch 4/11, trong khi VN-Index tăng 6,84 điểm thì số mã giảm giá trên sàn HOSE vẫn áp đảo, với 185 mã giảm/145 mã tăng, chênh lệch tăng đáng kể so với phiên liền trước (ngày 1/11) khi số mã tăng/giảm giá là 165/152.

Về thanh khoản, 10 cổ phiếu gồm ROS, FPT, VNM, MWG, MBB, CTG, HPG,VRE, PNJ, VHM và VCB có giá trị khớp lệnh đạt 2.226 tỷ đồng, chiếm 50,7% giá trị giao dịch toàn sàn. Phần lớn trong số này chính là những cổ phiếu “dẫn sóng” đưa chỉ số vượt qua mức 1.000 điểm.

“Nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nâng đỡ chỉ số và hấp thụ trạng thái bán ròng của khối ngoại. Dòng tiền không mạnh, nhưng đã tìm cơ hội tại các nhóm cổ phiếu có tính thị trường cao và tạo ra sự phân hóa trên diện rộng. Vận động giá tích cực từ nhóm cổ phiếu VIC và ngân hàng đã giúp VN-Index vượt 1.000 điểm”, Công ty Chứng khoán BSC nhận xét chung về đợt bứt phá của VN-Index trong báo cáo vĩ mô và thị trường tháng 10/2019.

Tuy vậy, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng có sự phân hóa. Một số mã cổ phiếu có sóng tăng dài, còn lại hầu hết là sóng ngắn, thậm chí có những mã vẫn đang ở vùng đáy ngắn hạn như CTD của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (giảm hơn 30% giá trị trong 3 tháng qua), hay cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros, NVL của Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Địa ốc Nova, MSN của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan có diễn biến giá đi xuống trong hơn 1 tháng qua.

Dòng tiền chảy lệch vào một số cổ phiếu và đẩy mức định giá lên cao so với mặt bằng chung dẫn đến rủi ro thị trường điều chỉnh giảm khi nhóm cổ phiếu dẫn sóng bị chốt lời.

Tất nhiên, kịch bản lạc quan có thể kỳ vọng là VN-Index sẽ duy trì ngưỡng 1.000 điểm và dòng tiền dần có sự lan tỏa, tạo ra mức tăng đồng đều hơn, trong khi nhóm cổ phiếu trụ đã dẫn sóng chỉ điều chỉnh nhẹ và không tạo áp lực lên chỉ số.

“Khoảng trống” khi VN-Index vượt ngưỡng 1.000 điểm ảnh 1

Hiệu suất danh mục đầu tư theo sự phân loại của BSC đến ngày 4/11/2019.

Khối ngoại trở lại mua ròng, nhưng chưa mạnh

Sau khi đẩy mạnh bán ròng trong những phiên cuối tháng 10, bước sang những phiên giao dịch đầu tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng, củng cố niềm tin vào xu hướng tăng điểm của thị trường khi diễn biến của chỉ số khá tương đồng với hoạt động mua bán ròng của khối ngoại.

Tuy nhiên, liệu khối ngoại đã kết thúc giai đoạn bán ròng 3 tháng vừa qua, hay đây chỉ là sự đảo chiều trong ngắn hạn, chớp cơ hội “lướt sóng” khi thị trường khởi sắc?

Thực tế, sau khi mua ròng, tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, VRE, POW, VHM…, giá trị mua ròng của khối ngoại đang thu hẹp lại. Nếu như trong phiên 1/11, giá trị mua ròng trên sàn HOSE đạt 254,3 tỷ đồng, thì phiên 4/11 giảm còn 60 tỷ đồng và đến phiên 5/11 chỉ còn 30,2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, so sánh giá trị mua, bán của khối ngoại những phiên đầu tháng 11 với giai đoạn cuối tháng 10 cho thấy, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, HPG, NVL, MSN, POW vẫn bị bán ròng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là có sức hút khối ngoại, từ sự ổn định của nền kinh tế đến mức định giá, đặc biệt thị trường có triển vọng được nâng hạng, nhưng áp lực bán ròng trong thời gian qua là không nhỏ.

Áp lực này đến từ sự bất ổn của tình hình kinh tế - chính trị thế giới, khiến các quỹ đầu tư đẩy mạnh tái cơ cấu dòng vốn như Báo cáo chiến lược 9 tháng đầu năm 2019 của Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định: “Động thái bán ròng của khối ngoại trong quý III/2019 cùng chung với xu hướng dòng tiền thế giới khi rút khỏi thị trường các nước mới nổi”.

Những diễn biến tích cực hơn trên thị trường thế giới gần đây làm giảm áp lực bán ròng của khối ngoại, kỳ vọng xu hướng mua ròng sẽ thực sự quay trở lại, ít nhất là cân bằng hơn, giúp chỉ số giữ vững mức trên 1.000 điểm.

Thị trường có thể cần quãng nghỉ

Mùa công bố kết quả kinh doanh quý III/2019 đã kết thúc, bức tranh về những nhóm ngành tăng trưởng tốt, nhóm ngành khó khăn sau 9 tháng tương đối rõ ràng.

Thời gian cuối năm sẽ là giai đoạn để các doanh nghiệp chạy nước rút hoàn thành kế hoạch cả năm và xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm tới.

Phần lớn những thông tin này sẽ rơi vào tháng 12, còn trong tháng 11 thường là giai đoạn thiếu các thông tin hỗ trợ, khiến thị trường chứng khoán có “khoảng nghỉ” trước khi diễn biến tích cực hơn trong tháng 12 để đón đầu mùa báo cáo quý IV và hiệu ứng tháng Giêng.

Năm nay, với việc VN-Index vừa vượt qua ngưỡng 1.000 điểm, thị trường kỳ vọng tháng 11 sẽ khả quan hơn.

Đáng chú ý, thông tin từ kỳ họp Quốc hội đang diễn ra có thể gợi mở nhiều chính sách mới, trong đó Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ tạo hành lang pháp lý cải cách và hỗ trợ thị trường phát triển.

Các Sở giao dịch có thể ban hành các bộ chỉ số mới, giúp đa dạng sản phẩm ETF nội địa, qua đó khơi thông thêm dòng vốn ngoại, nhất là các cổ phiếu hết “room”. Về các yếu tố ngoại biên, thương chiến Mỹ - Trung có dấu hiệu hạ nhiệt, kỳ vọng hai bên sớm ký kết được một thỏa thuận tích cực.

Ngoài ra, trong nửa cuối tháng 11, dự báo kỳ tái cơ cấu danh mục quý IV/2019 của Quỹ VNM ETF và Quỹ FTSE ETF sẽ khiến các nhà đầu tư chủ động mua bán, đón đầu kỳ tái cơ cấu của hai quỹ ngoại lớn nhất thị trường Việt Nam này.

Mặc dù vậy, sau sự bứt phá vừa qua, có những ý kiến cho rằng, thị trường cần một quãng nghỉ để củng cố nền tảng tại ngưỡng 1.000 điểm, trước khi tiếp tục chinh phục ngưỡng kháng cự mới.

Trong bản tin ngày 4/11, Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định, về xu hướng tổng thể, VN-Index được kỳ vọng sẽ hướng đến mốc kháng cự 1.035 -1.045 điểm trong thời gian tới, nhưng sau khi thử thách vùng kháng cự quanh 1.024 điểm, chỉ số có thể kiểm định lại vùng 1.000 - 1.006 điểm.

Công ty Chứng khoán MB dự báo, những nhịp rung lắc để kiểm tra các ngưỡng hỗ trợ có thể xảy ra trước khi thị trường tiến đến các mức cao mới, với mục tiêu ngắn hạn xoay quanh khu vực 1.050 điểm.

Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) liên hệ giữa thị trường cơ sở và phái sinh khi nhận xét, hợp đồng tương lai VN30 tháng 11 thấp hơn chỉ số cơ sở VN30 cho thấy, nhà đầu tư đang đặt cược về khả năng thị trường sẽ sớm có những điều chỉnh.

SHS cho rằng, thị trường cần thêm thời gian để tích lũy trước khi hướng tới vùng 1.040 - 1.045 điểm (đỉnh tháng 6/2018). Công ty này khuyến nghị, nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua vào trong vùng giá hiện tại và có thể tận dụng những nhịp tăng trong phiên để chốt lời một phần.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,169.93 -23.08 -1.97% 116,472 tỷ
HNX 219.75 -6.44 -2.93% 1,429 tỷ
UPCOM 87.05 -1.1 -1.27% 403 tỷ