“Khoảng thở” cho kinh tế Trung Quốc

Thỏa thuận “ngừng bắn” vừa đạt được trong thương chiến sẽ nới thêm “khoảng thở” cho kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang đối mặt với tăng trưởng chững lại và rắc rối chính trị ở Hong Kong.
Năm 2020 được cảnh báo vẫn là năm khó khăn với Trung Quốc. Ảnh: AFP Năm 2020 được cảnh báo vẫn là năm khó khăn với Trung Quốc. Ảnh: AFP

Vẫn khó cho Trung Quốc

Các chuyên gia cảnh báo năm 2020 tiếp tục là năm khó khăn đối với Trung Quốc. Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 được hai bên tuyên bố đã thống nhất nội dung, trong đó gồm việc Mỹ cam kết cắt giảm thuế quan đối với hàng Trung Quốc và đổi lại Trung Quốc tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ và bảo vệ tài sản trí tuệ.

Tuy nhiên, vấn đề gây tranh cãi nhất là việc Trung Quốc trợ cấp các doanh nghiệp nước này dẫn đến cạnh tranh không song phẳng như Mỹ cáo buộc lại không được giải quyết trong thỏa thuận giai đoạn 1. Hai bên “để dành” vấn đề này giải quyết ở các vòng đàm phán tiếp theo.

Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc do Tổng thống Mỹ Donald Trump châm ngòi đã kéo dài gần 2 năm và chưa có hồi kết. Do vậy, các nhà phân tích e ngại luôn có khả năng Bắc Kinh không đồng thuận trong thương lượng và người đứng đầu Nhà Trắng sẵn sàng mạnh tay thả “bom” thuế quan.

Theo Larry Ong, chuyên gia phân tích cao cấp của công ty tư vấn rủi ro SinoInsider, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ được ví như chiến thuật trì hoãn để Trung Quốc có thêm "khoảng thở" và giữ được “dây cương” trong thương chiến.

Tăng trưởng kinh tế quý III/2019 của Trung Quốc lao dốc còn 6% - mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ - do nhu cầu hàng hóa toàn cầu “nguội lạnh” còn người tiêu dùng Trung Quốc thắt lưng buộc bụng.

Tháng 11 vừa qua ghi nhận xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sụt giảm thêm 1,1% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng sụt giảm thứ 4 liên tiếp. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đã tụt dốc 23% do thương chiến Mỹ - Trung phá vỡ chuỗi cung ứng khiến không ít nhà đầu tư lao đao.

Tổng thống Trump đã hủy kế hoạch áp thêm thuế quan lên hàng Trung Quốc dự kiến kích hoạt hôm nay 15/12 mà trong đó các mặt hàng như điện thoại thông minh, đồ chơi và máy tính xách tay đều thuộc tầm ngắm đánh thuế. “Đáp lễ” động thái của Washington, Bắc Kinh cũng hủy kế hoạch trả đũa.

Trong động thái nhượng bộ khác, Washington cũng sẽ cắt giảm 1 nửa mức thuế 15% đối với 120 tỷ USD hàng hóa của Bắc Kinh được áp dụng từ ngày 1/9. Tuy vậy, việc cắt giảm thuế “bất ngờ” này sẽ chỉ tác động nhỏ tới kinh tế Trung Quốc, chuyên gia Lu Ting của ngân hàng Nomura nhận định.

"Điều tồi tệ nhất vẫn chưa kết thúc và năm 2020 dường như sẽ là một năm khó khăn nữa", Ting nói thêm.

Lo ngại Trung Quốc thất hứa

Trên mặt trận chính trị, Washington đã ra mặt ủng hộ phong trào dân chủ và biểu tình ở Hong Kong, đồng thời chỉ trích Trung Quốc giam giữ nhiều người dân tộc thiểu số Hồi giáo. Động thái này của Mỹ đã phủ mây đen lên các cuộc đàm phán thương mại hai bên thời gian qua.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phải đối mặt với 6 tháng biểu tình và bạo lực leo thang ở Hong Kong, trong khi ở bờ bên kia ông Trump phải đương đầu với việc Quốc hội bỏ phiếu luận tội người đứng đầu Nhà Trắng lạm quyền.

Với chiến dịch tái tranh cử năm 2020 của mình, ông Trump cần cho các cử tri thấy được các cuộc chiến thương mại bầm dập mà ông khởi xướng đang “đâm hoa kết trái”.

Barry Naughton, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Đại học California ở San Diego cho rằng, thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 khiến thị trường chứng khoán Mỹ phập phù thời gian qua, đã được công bố quá sớm.

"Mọi người lo lắng hai bên chịu quá nhiều áp lực thời gian để đưa ra kết luận trước chủ nhật (ngày 15/12 - thời điểm Mỹ có kế hoạch kích hoạt thuế quan mới lên hàng Trung Quốc) và một lần nữa hai bên lại công bố đạt thỏa thuận," ông Naughton nói.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 dự kiến được ký vào đầu tháng 1/2020 và có hiệu lực 30 ngày sau khi ký.

Các quan chức khác của Mỹ cho biết Trung Quốc đã cam kết chi 200 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa Mỹ trong hai năm tới, gồm nông sản, năng lượng và dịch vụ. Tuy nhiên, phía Trung Quốc từ chối cung cấp thông tin chi tiết.

“Hiện đang có những cách hiểu khác nhau về những gì được thống nhất trong thỏa thuận. Đây cũng là những trở ngại có thể tác động đến việc hoàn thành thỏa thuận”, chuyên gia Lu Ting từ ngân hàng Nomura đánh giá.

Trong khi đó, ông Trump khẳng định mức thuế 25% hiện hành đối với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc sẽ vẫn được áp dụng và chờ giải quyết trong các cuộc đàm phán giai đoạn tới.

Dù ông Trump khẳng định trên Twitter rằng các cuộc đàm phán giai đoạn tới sẽ bắt đầu "ngay lập tức", nhưng quan sát cho thấy phía Trung Quốc đang tỏ ra thận trọng.

Việc bắt đầu đàm phán cho giai đoạn tiếp theo "sẽ phụ thuộc vào kết quả thực hiện thỏa thuận giai đoạn 1", Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Liao Min cho biết.

Chuyên gia Larry Ong của công ty tư vấn rủi ro SinoInsider lo ngại, Trung Quốc vốn “có tiếng” không thực hiện đúng cam kết, đồng thời chuyên gia này cảnh báo việc tranh đấu phe phái nội bộ sẽ khiến việc thực hiện các cam kết thỏa thuận giai đoạn 1 của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.

“Điều chúng ta có thể trông mong là Tổng thống Trump sẽ trở thành 'người thuế’ thêm lần nữa, một khi Trung Quốc bị phát hiện thất hứa”, Larry Ong nói. 

Lê Quân (AFP)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục