Khoảng cách thu nhập vẫn thu hẹp trong dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
Theo kết quả khảo sát mới nhất, lần đầu tiên ghi nhận thu nhập của người dân bị giảm, nhưng khoảng cách thu nhập vẫn được thu hẹp, bất chấp dịch bệnh.

Ông Nguyễn Thế Quân, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê xã hội và môi trường (Tổng cục Thống kê) cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên.

Covid-19 hoành hành chắc chắn ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân thời gian qua, thưa ông?

Theo khảo sát mức sống dân cư năm 2020 do Tổng cục Thống kê thực hiện (cứ 2 năm/lần) thì thu nhập bình quân tháng của người dân năm 2020 theo giá hiện hành đạt 4,2 triệu đồng, giảm khoảng 1% so với năm 2019. Điều này hầu như chưa bao giờ xảy ra kể từ khi Tổng cục Thống kê thực hiện khảo sát mức sống dân cư.

Người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội luôn bị tổn thương nhất mỗi khi kinh tế - xã hội có biến cố bất thường. Thưa ông, Covid-19 tác động đến đối tượng này thế nào?

Ông Nguyễn Thế Quân, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê xã hội và môi trường (Tổng cục Thống kê)

Ông Nguyễn Thế Quân, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê xã hội và môi trường (Tổng cục Thống kê)

Khảo sát của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, thu nhập bình quân ở của nhóm hộ giàu nhất (20% dân số giàu nhất) năm 2020 đạt 9,1 triệu đồng/tháng, cao gấp hơn 8 lần so với 20% số người nghèo nhất. Không những thế, dịch bệnh cũng khiến sự bất bình đẳng trong chi tiêu giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất lên tới tới 3,5 lần.

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều chung của cả nước năm 2020 là 4,8%, giảm 0,9 điểm phần trăm so với năm 2019.

Hệ số GINI (thước đo mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập giữa các tầng lớp cư dân, với GINI bằng không là bình đẳng tuyệt đối) của Việt Nam năm 2020 là 0,375, thấp hơn GINI giai đoạn 2014-2018 ở mức 0,4.

Điều đáng mừng nữa là, trong tổng thu nhập năm 2020, tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công tiếp tục tăng, chiếm 55,4%, cho dù số lượng người dân mất việc, thiếu việc, thất nghiệp tăng do dịch bệnh. Điều này cho thấy sự chuyển biến theo hướng tích cực, phản ánh sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong xã hội.

Với thu nhập mỗi tháng 9,1 triệu đồng/người, 20% số người giàu nhất có thu nhập gấp hơn 8 lần so với 20% số người nghèo nhất. Như vậy, bất bình đẳng về thu nhập trong xã hội vẫn rất lớn, thưa ông?

Các nước đang phát triển luôn có tình trạng kinh tế càng tăng trưởng, thì bất bình đẳng trong xã hội càng gia tăng.

Tại Việt Nam, sau Đổi mới, nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, kéo theo là sự gia tăng về bất bình đẳng trong xã hội. Nếu như năm 1994, khoảng cách thu nhập giữa nhóm 20% dân cư giàu nhất và nhóm 20% dân cư nghèo nhất là 6,5 lần, thì đến năm 2020, khoảng cách này đã tăng lên 8,1 lần.

Việc gia tăng sự bất bình đẳng khi kinh tế tăng trưởng là hiện tượng mang tính quy luật, song mức độ gia tăng bất bình đẳng còn phụ thuộc vào vai trò của Nhà nước trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Bất bình đẳng trong xã hội ở Việt Nam có gia tăng, nhưng với tốc độ chậm và càng về sau, tốc độ gia tăng càng giảm. Đây là một thành công lớn trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Nhưng khoảng cách thu nhập vẫn còn cách nhau hơn 8 lần...?

Ở hầu hết các nước trên thế giới, mỗi khi kinh tế suy thoái vì bất cứ lý do gì, người nghèo bao giờ cũng là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất. Còn với Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 thấp nhất trong rất nhiều năm qua (tăng 2,91%), nhưng bất bình đẳng về thu nhập giữa những người giàu nhất và nghèo nhất lại được thu hẹp xuống còn 8,1 lần, thay vì 10,2 lần trong năm 2019.

Ngay trong thời gian dịch bệnh phức tạp mà Việt Nam còn thu hẹp được khoảng cách về thu nhập là điều rất đáng ghi nhận. Có được kết quả này là nhờ Chính phủ đã thực hiện hàng loạt giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; an sinh, xã hội thông qua các chính sách tài khóa, tiền tệ kịp thời.

Để thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thưa ông, cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ an sinh, xã hội; sản xuất, kinh doanh hơn nữa?

Ngân sách nhà nước đã chi ra hơn 13.100 tỷ đồng hỗ trợ hơn 13,2 triệu người và 37.287 hộ kinh doanh gặp khó khăn do dịch bệnh. Trong đó, 100% đối tượng thuộc diện chính sách xã hội (thuộc nhóm nghèo nhất) đã được hỗ trợ. Khoảng 1.274.400 người lao động, gần 37.300 hộ kinh doanh gặp khó khăn cũng đã được hỗ trợ trực tiếp. Chưa kể hàng loạt chính sách tài khóa, tiền tệ khác, chỉ tính gói miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí được thực hiện từ năm 2020 đến nay đã lên tới 147.300 tỷ đồng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Năm 2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực nặng nề hơn năm 2020 rất nhiều, nên các bộ, ngành, địa phương cần phải triển khai triệt để các giải pháp an sinh xã hội, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Mạnh Bôn ,
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục