Lạm phát và lãi suất là những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán
Theo bà Nguyễn Bỉnh Thanh Giao, Phó phòng Phân tích ACBS, lạm phát và lãi suất là những yếu tố cần quan sát trong thời gian tới. Áp lực tăng lãi suất đến từ lạm phát và từ việc điều hành tỷ giá khi áp lực lên đồng VND ngày càng tăng.
Ước tính Ngân hàng Nhà Nước đã hút về 75.000 tỷ đồng trong tháng 8 thông qua các kênh tín phiếu, OMO, bán USD nhằm ổn định tỷ giá, nhưng không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ phải sử dụng đến công cụ lãi suất trong thời gian tới khi áp lực tỷ giá ngày càng tăng.
Lãi suất ảnh hưởng đến hành vi nhà đầu tư và theo đó sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường và ảnh hưởng đến định giá của thị trường chứng khoán, tạo áp lực lên giá cổ phiếu. Ngoài ra, lãi suất còn ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có nghĩa vụ nợ vay cao.
Theo bà Giao, nội tại vĩ mô Việt Nam hiện nay khá vững chắc, ước tính GDP Việt Nam trong năm 2022 sẽ đạt mức tăng trưởng ít nhất là 6,8% và có thể đạt 8,5% với kịch bản lạc quan. Tăng trưởng kinh tế được hỗ trợ bởi tất cả các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản dự kiến đều tăng tốc trong quý 3 và quý 4; sản xuất công nghiệp dự kiến cũng sẽ tăng tốc – được thể hiện qua chỉ số IIP dự phóng đạt 10,7 - 12,7%; tiêu dùng nội địa tiếp tục phục hồi và bứt phá hậu đại dịch – thể hiện qua chỉ số bán lẻ dự phóng đạt 18% và có thể tăng 23% trong kịch bản lạc quan; các lĩnh vực du lịch và dịch vụ dự kiến cũng sẽ hồi phục.
Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế còn được hỗ trợ bởi gói tài khóa tiền tệ ước tính trên 300 ngàn tỷ và gói phát triển cơ sở hạ tầng trên 100 ngàn tỷ dự kiến sẽ được giải ngân trong quý 3 và quý 4.
Bà cho rằng lạm phát trong năm 2022 sẽ vẫn nằm trong tầm kiểm soát dưới 4%, đạt 3,7 - 3,8% và lãi suất huy động có thể tăng thêm 0,5% từ đây đến cuối năm. Điều này cho thấy lạm phát và lãi suất tại Việt Nam vẫn chưa đáng lo ngại, tuy nhiên đây không chỉ là câu chuyện của 4 tháng cuối năm 2022 mà sẽ còn là câu chuyện của năm 2023.
Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn
Tại hội thảo, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm Phân tích Dữ liệu, Dịch vụ Thông tin Tài chính của FiinGroup chia sẻ, hiện nay cung tiền đang thấp hơn tăng trưởng tín dụng, chênh lệch này càng lớn, điều này là hệ quả của động thái Chính phủ đang điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt, tiếp tục đặt mục tiêu ổn định vĩ mô thay vì đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.
Được biết, trên sàn được chia làm bốn nhóm nhà đầu tư. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư tổ chức, khối ngoại và tự doanh công ty chứng khoán.
Theo dữ liệu của FiinGroup, năm ngoái, giá trị giao dịch nhà đầu tư cá nhân rất cao và đây là dòng tiền nâng đỡ cho thị trường. Tuy nhiên, từ tháng 12/2021 đến nay, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân bắt đầu suy giảm. Hiện tại, dòng tiền nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu mua ròng trên thị trường.
Dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa thực sự quay lại thị trường. |
Trên sàn, tâm lý nhà đầu tư chứng khoán đang thận trọng ở cả bốn nhóm nhà đầu tư. Trong đó, lực mua ròng của cả bốn nhóm nhà đầu tư thấp, không quá chênh lệch.
Bà Đỗ Hồng Vân cho rằng, nguyên nhân nhà đầu tư thận trọng chủ yếu do:
Thứ nhất, các nhà đầu tư hiện nay chưa thấy câu chuyện nào triển vọng trong thời gian sắp tới. Được biết, ngay thời điểm Đại dịch đầu năm 2020, thị trường có câu chuyện kỳ vọng hồi phục kinh tế hình chữ “V” sau khi kiểm soát được dịch; đứt gãy chuỗi cung ứng mở ra cơ hội hưởng lợi cho nhóm vận tải biển; và chính sách kích cầu kinh tế được các ngân hàng trung ương toàn cầu đồng loạt triển khai dẫn tới tiền rẻ tràn ngập thị trường, làn sóng nhà đầu tư F0 đổ vào thị trường.
Thứ hai, với động thái từ cơ quan quản lý làm lành mạnh thị trường chứng khoán dẫn tới những cổ phiếu biến động mạnh có thể vào tầm ngắm của cơ quan quản lý nhà nước, hay việc thao túng và làm giá trên thị trường chứng khoán đã và có thể sẽ bị xử lý…
“Chính vì hai yếu tố trên dẫn tới tâm lý nhà đầu tư khá thận trọng trong giai đoạn vừa qua”, bà Vân nhấn mạnh.
Nói thêm về triển vọng đầu tư chứng khoán, bà Vân cho biết chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Trong đó, mặc dù nhà đầu tư đã rút tiền nhưng một lượng tiền lớn vẫn nằm trong tài khoản, tính tới cuối quý II, có khoản 70.000 tỷ đồng tiền mặt vẫn nằm trong tài khoản chứng khoán, chưa rút ra khỏi bên ngoài, dòng tiền vẫn đang tìm kiếm, chờ đợi cơ hội quay trở lại thị trường khi thuận lợi.
Nói thêm về thanh khoản suy giảm ở thời gian gần đây, bà Trương Minh Trang, Giám đốc Điều hành Dịch vụ Thông tin Tài chính FiinGroup cho biết, thanh khoản thị trường đang thấp hơn 1 tháng trước. Thực tế, thị trường đang trong downtrend, vì vậy thanh khoản thị trường giảm khoảng 50 - 70% so với thời điểm trước đây là bình thường và giao dịch khoảng từ 10.000 - 12.000 tỷ đồng/phiên.
Bất động sản khu công nghiệp, bán lẻ, điện, ngân hàng… khả quan cuối năm
Xét về triển vọng ngành, bà Vân đưa ra triển vọng kém khả quan đối với ngành bất động sản dân cư, ngành thép, hoá chất, phân bón, may mặc, logistics …
Trong đó, mua cổ phiếu thép là đầu tư, tại thời điểm này, ngành thép kém khả quan. Cụ thể, giá thép tăng nhưng nhu cầu vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện (các dự án nhà ở quy mô lớn chưa khởi công, nửa cuối năm thường là mùa thấp điểm đối với hoạt động xây dựng…).
Đối với bất động sản dân cư, trong ngắn hạn lợi nhuận có thể vẫn được đảm bảo nhờ lượng hàng đã được hấp thụ trong các quý vừa qua. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn đang có nhiều thách thức bởi nổ lực kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro; các quy định pháp lý chặt chẽ hơn; và chi phí xây dựng gia tăng.
Đối với ngành hoá chất, thuỷ sản, phân bón, may mặc logistics... Giá hàng hoá hạ nhiệt nhờ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng cải thiện và hoạt động sản xuất dần được khôi phục ở nhiều quốc gia có chung thế mạnh về xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam đã tham gia. Thêm nữa, nhu cầu nhập khẩu yếu đi ở một số thị trường chủ lực, bao gồm Mỹ và châu Âu vì tồn kho tại đây tăng cao khi người dân thắt chặt chi tiêu dưới ảnh hưởng của lạm phát. Giá giảm, cung tăng và cầu giảm, nhóm ngành này nhiều khó khăn hơn là cơ hội như đã diễn ra trong đầu năm.
Ngược lại, các ngành tích cực cuối năm như bất động sản khu công nghiệp, điện, dược phẩm, vật liệu xây dựng, nhựa, sữa, bán lẻ, chăn nuôi.
Trong đó, bất động sản khu công nghiệp được dự báo có mức lợi nhuận tăng trưởng trung bình cả năm là 49,7%, nhóm điện được dự báo lợi nhuận cả năm tăng trưởng khoảng 5,1%.
Bà Nguyễn Bỉnh Thanh Giao cho biết thêm, giá cổ phiếu các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đã có mức tăng trưởng vượt bậc so với chỉ số VN-Index trong 3 năm qua kể từ khi ký hiệp định CPTPP, tuy nhiên tiềm năng các cổ phiếu nhóm ngành này là vẫn còn. Giá các cổ phiếu này thường biến động theo kết quả kinh doanh các doanh nghiệp, khi các doanh nghiệp này ký kết các hợp đồng cho thuê lớn, hoặc khi Chính phủ phê duyệt các dự án mới.
Và tiềm năng trong trung và dài hạn là cao khi các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục đổ về Việt Nam và nguồn cung hạn chế, đẩy giá cho thuê đất và nhà kho, nhà xưởng xây sẵn lên cao. Các tập đoàn đa quốc gia hướng đến các khu công nghiệp sinh thái thông minh với nhiều dịch vụ tiện ích, hệ thống xử lý nước thải, logistics… và chấp nhận mức giá cao hơn, tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp có sẵn các quỹ đất trống lớn.
Các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp thường có biên lợi nhuận cao hơn phân khúc nhà ở và phân khúc nhà ở đang gặp nhiều thách thức như quá trình phê duyệt dự án kéo dài, khó tiếp cận tín dụng…
Theo đó, các doanh nghiệp bất động sản lớn như Vinhomes, Phát Đạt, cũng đã phát triển sang mảng bất động sản khu công nghiệp. Các cổ phiếu nhóm bất động sản khu công nghiệp thường trả cổ tức bằng tiền mặt đều đặn, biên lợi nhuận cao, ROE cao với nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, thanh khoản thường thấp do ban lãnh đạo kín tiếng nên chưa thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Trong nhóm ngành điện, kỳ vọng sản lượng điện tiêu thụ tăng nhờ nhu cầu điện từ khu vực sản xuất hồi phục sau dịch, giá thanh toán toàn phần bình quân trong tháng 7 và 8/2022 đang cao hơn 50% so với cùng kỳ và trạng thái La Nina dự kiến kéo dài sang các tháng đầu năm 2023, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho tích trữ nước tại các hồ thuỷ điện.
Riêng đối với nhóm Ngân hàng, ông Cao Việt Hùng, Trưởng bộ phận Phân tích mảng Tài chính của Công ty Chứng khoán ACBS cho biết, ngành ngân hàng chiếm 31% vốn hoá của thị trường và 44% tổng lợi nhuận trong chỉ số VN-Index. Do đó, ngành ngân hàng đóng một vai trò quan trọng trong mặt bằng định giá toàn thị trường.
Ông Hùng kỳ vọng lợi nhuận nhóm ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng cao trong nửa cuối năm 2022. Yếu tố đầu tiên là NIM của các ngân hàng còn dư địa mở rộng. Trong đợt nới room vừa qua, hạn mức cấp thêm toàn ngành chỉ khoảng 2%. Nguồn cung tín dụng hạn hẹp trong khi nhu cầu vay vốn cao khiến lãi suất cho vay chịu nhiều áp lực tăng trong thời gian tới. Ngoài ra, các gói ưu đãi lãi suất cho vay do COVID-19 đang dần hết hiệu lực.
Về chi phí vốn, mặc dù lãi suất huy động tăng lên, nhưng các ngân hàng vẫn đang kiểm soát khá tốt chi phí vốn của mình nhờ xu hướng tăng trưởng tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) trong những năm qua. Tỷ lệ CASA cao còn giúp các ngân hàng hạn chế mức độ tác động của việc lãi suất huy động tăng lên, đặc biệt là tại các ngân hàng có CASA chiếm gần một nửa cơ cấu tiền gửi của khách hàng như MBB và TCB. Điều này sẽ giúp cải thiện NIM của nhóm Ngân hàng.
NIM có dư địa mở rộng. |
Yếu tố thứ hai tác động lớn đến triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng là áp lực trích lập dự phòng của các ngân hàng có xu hướng giảm sau khi các ngân hàng đã trích lập mạnh tay cho nợ cơ cấu do COVID-19 trong năm 2021. Do đó, kể từ đầu năm 2022 tới nay, chi phí dự phòng trên dư nợ cho vay đã quay trở lại mức 1,4% đến 1,5% như giai đoạn trước COVID-19.
Mặc dù chi phí dự phòng giảm, tuy nhiên, bộ đệm dự phòng của các ngân hàng đang dày lên. Trong khi đó, chất lượng tài sản của các ngân hàng có sự cải thiện, chủ yếu là do tỷ lệ nợ tái cơ cấu COVID-19 có xu hướng giảm. Từ đó, áp lực trích lập dự phòng trong thời gian tới của các ngân hàng sẽ ở mức thấp và tạo động lực tăng trưởng lợi nhuận cho các ngân hàng.