Những trường hợp nào sẽ được nghỉ hưu trước tuổi, thưa ông?
Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình kể từ năm 2021 cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam giới và đủ 60 tuổi đối với nữ giới. Kể từ năm 2021, cứ mỗi năm kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với nam giới là 3 tháng và nữ giới là 4 tháng. Như vậy, phải đến năm 2028 mới hoàn thành lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với nam là 62 tuổi và đến năm 2035 mới kết thúc lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với nữ giới là 60 tuổi.
Tôi xin nhấn mạnh, tuổi nghỉ hưu nêu trên chỉ áp dụng đối với lao động làm việc trong điều kiện bình thường và người lao động bảo đảm sức khỏe cả về thể lực lẫn trí lực để đáp ứng yêu cầu công việc. Còn những người bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, nhưng không quá 5 năm, tức là 55 tuổi so đối với nữ và 57 tuổi đối với nam.
Trường hợp người lao động đồng thời đáp ứng 2 điều kiện là suy giảm khả năng lao động và làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc vừa suy giảm lao động, vừa làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thì có thể được nghỉ hưu sớm hơn nữa. Vấn đề này sẽ được Chính phủ hướng dẫn cụ thể khi ban hành Nghị định hướng dẫn Bộ luật Lao động năm 2019.
Theo ông, sẽ có khoảng bao nhiêu người được nghỉ hưu trước tuổi?
Theo thống kê sơ bộ, hiện có trên 3 triệu người đang làm việc tại 1.810 ngành nghề, lĩnh vực và công việc thuộc diện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Chính phủ sẽ quy định cụ thể ngành nghề, lĩnh vực, công việc nào thuộc diện nguy hiểm, độc hại hoặc đặc biệt nguy hiểm, độc hại và tương ứng với mỗi ngành nghề, công việc, lĩnh vực người lao động được phép nghỉ hưu sớm tối đa là bao nhiêu năm. Nội dung này luật giao Chính phủ quy định để phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế và sự phát triển của khoa học, công nghệ.
Còn khu vực, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn đã được Chính phủ ban hành từ lâu để phục vụ việc khuyến khích đầu tư, ưu đãi thuế cho tổ chức, cá nhân vào khu vực này.
Đối với suy giảm sức khỏe thì ngành y tế đã có quy định chuẩn sức khỏe giảm bao nhiêu phần trăm thì được coi là suy giảm, không đáp ứng được công việc.
Nếu một người đồng thời suy giảm sức khỏe, làm việc ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc làm công việc độc hại, nguy hiểm và đặc biệt độc hại, nguy hiểm theo danh mục ngành nghề nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm sẽ được Chính phủ ban hành có thể được nghỉ hưu trước tuổi tối đa lên đến 10 năm.
Như vậy, có khoảng 3 triệu người được nghỉ hưu sớm 5 - 10 năm. Nghỉ hưu sớm, tuổi thọ kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cân đối thu chi của Quỹ Bảo hiểm xã hội?
Quỹ Bảo hiểm xã hội được Nhà nước bảo hộ. Sau khi về hưu, người lao động sống thêm 15 - 20 năm nữa là hưởng hết số tiền đã đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian đi làm, nhưng sống thêm 25 - 30 năm nữa thì phần còn thiếu Nhà nước phải bảo đảm. Tương tự, trong trường hợp lạm phát tăng cao, “ăn mòn” vào tiền lương hưu, Nhà nước đều điều chỉnh tăng lương hưu và những năm gần đây, năm nào Nhà nước cũng điều chỉnh tăng lương hưu. Hay những người về hưu trước năm 1990 có lương hưu rất thấp do trước đây đóng bảo hiểm xã hội thấp, tiền lương hưu không đủ sống, Nhà nước đều bảo đảm cho đối tượng này được hưởng mức lương hưu tối thiểu bằng mức lương cơ sở và hầu như năm nào cũng được điều chỉnh tăng.
Bên cạnh việc cho phép một số đối tượng được rút ngắn tuổi hưu, Bộ luật Lao động cho phép người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn. Dư luận xã hội cho rằng, quy định này là tạo điều kiện cho các quan chức “giữ ghế”?
Vấn đề này cũng rất nhạy cảm, nên Chính phủ sẽ có quy định chi tiết, cụ thể thế nào là trường hợp đặc biệt; trình độ chuyên môn, kỹ thuật ở mức độ thế nào được coi là cao.
Tôi cho rằng, lớp trẻ không sợ mất cơ hội thăng tiến, cống hiến khi một số ít người được phép kéo dài tuổi hưu tối đa lên tới 5 năm. Vì theo các quy định hiện hành, chức vụ lãnh đạo ở cấp trưởng không quá 2 nhiệm kỳ, đến tuổi nghỉ hưu hầu như vị nào cũng đã “ngồi” đủ 2 nhiệm kỳ, nên được kéo dài tuổi hưu thì cũng chỉ làm chuyên gia, tư vấn, cố vấn.
Còn những vị ở cấp phó tuy không bị khống chế nhiệm kỳ, nhưng họ hiểu rằng, vốn quý của họ chỉ là kinh nghiệm; còn trình độ, năng lực và nhất là sức khỏe không thể so với lớp trẻ, nên có được kéo dài thời gian nghỉ hưu thì khi đủ tuổi, họ cũng chỉ xin làm chuyên gia, tư vấn, cố vấn mà thôi. Còn nếu đáp ứng đủ điều kiện thì họ sẵn sàng “rũ áo từ quan” ra ngoài làm việc cho khu vực tư nhân để vừa có thu nhập cao, vừa tự do.