Khoảng 150.000 tỷ đồng sẽ được bơm vào hệ thống tổ chức tín dụng trong tháng 7, 8

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khoảng 150.000 tỷ đồng sẽ được Ngân hàng Nhà nước thanh toán cho hệ thống tổ chức tín dụng trong tháng 7 và 8 này.
Khoảng 150.000 tỷ đồng sẽ được bơm vào hệ thống tổ chức tín dụng trong tháng 7, 8

Lãi suất khó giảm thêm

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thay đổi chiến lược mua ngoại tệ giao ngay sang mua kỳ hạn 6 tháng kể từ tháng 1/2021. Như vậy, hầu hết số tiền VNĐ thanh toán cho 6,5 tỷ USD mua kỳ hạn trong tháng 1/2021 sẽ được NHNN thanh toán cho hệ thống TCTD trong tháng 7 và 8 này với số tiền tương đương khoảng 150.000 tỷ đồng.

Nhiều lo ngại, thanh khoản hệ thống sẽ tiếp tục ở trong trạng thái dư thừa sẽ có tác động lên chính sách lãi suất của hệ thống TCTD.

Mặt khác, năm 2021, NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khá thận trọng dựa trên đánh giá từ nhiều yếu tố điều hành chính sách vĩ mô. Thực tế, sau 6 tháng đầu năm, hầu hết các ngân hàng thương mại đã gần chạm room tín dụng của cả năm và một số ngân hàng thương mại đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở một số kỳ hạn.

Tuy nhiên, ngày 14/7 vừa qua, NHNN đã nới room tín dụng cho nhiều ngân hàng với mức tăng thêm bình quân khoảng 4-6% so với hạn mức ban đầu.

Ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Đầu tư SSI

Ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Đầu tư SSI

Tại buổi chia sẻ tư vấn đầu tư do Công ty Chứng khoán SSI tổ chức trưa hôm qua (22/7), ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Đầu tư SSI nhìn nhận, động thái này phần nào giúp hệ thống TCTD tháo gỡ bài toán dư thừa thanh khoản, đồng thời cũng giải quyết được nhu cầu sử dụng vốn của hệ thống doanh nghiệp trong bối cảnh gặp khó khăn do Covid-19.

Tuy nhiên, nhìn kỹ vào số liệu có thể thấy, mức điều chỉnh room năm nay ở biên độ hẹp hơn so với các năm trước, các ngân hàng được nới room hầu như đều đã đạt chuẩn Basel II hoặc bước đầu triển khai chuẩn mực Basel III. Điều này cho thấy sự thận trọng của NHNN trong bối cảnh sự phức tạp của dịch bệnh đang còn tiếp diễn, kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong mục tiêu đã đặt ra ở mức 12% cũng là công cụ quan trọng khống chế lạm phát.

"Mặc dù thanh khoản hệ thống đang ở mức dư thừa, nhưng lãi suất được dự báo sẽ khó có thể trở giảm hơn, mà sẽ chỉ xoay quanh mốc hiện tại", ông Hưng nhận định.

Không quá lo lắng lạm phát

Ông Hưng, cho biết, khoảng tháng 4/2020, Chính phủ cũng có những lo lắng về nguồn thu ngân sách sẽ không đạt được mục tiêu, áp lực về thâm hụt ngân sách gia tăng bởi những rủi ro giai đoạn này khá bất định, cả ở nguồn thu và nguồn chi.

Tuy nhiên trong năm nay, số liệu 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, thu ngân sách đạt hơn 58% dự toán – là thông tin tốt tạo không gian cho chính sách tài khóa năm nay cao hơn năm 2020.

Có thể nói, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid lớn hơn, nhưng khả năng các chính sách tài khóa ở quy mô cũng mạnh hơn để trợ giúp cho doanh nghiệp.

Chẳng hạn, trong năm 2020, Chính phủ đã Ban hành gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 62.000 tỷ đồng dành cho người lao động bị ảnh hưởng, mất việc do dịch Covid-19, tập trung vào các nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp dẫn tới không có khả năng lao động, không có BHXH, mất việc và đối tượng thuộc diện ưu tiên trong xã hội.

Vào tháng 5/2021, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương ban hành tiếp gói hỗ trợ trị giá khoảng 26.000 tỷ đồng theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội hỗ trợ các đối tượng khó khăn do tác động của Covid-19.

So sánh hai con số tuyệt đối thì gói 26.000 tỷ đồng nhỏ hơn nhiều, nhưng mấu chốt, năm 2020 giải ngân thấp, chỉ khoảng mười mấy ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, gói 26.000 tỷ đồng dự kiến giải ngân tốt, và nhiều khoản chi trong gói này được Chính phủ đề ra là ở mức thấp nhất, địa phương nào có điều kiện có thể được giải ngân nhiều hơn.

Về đầu tư công, giải ngân nửa đầu năm khá thấp, khoảng 29%. Chính phủ đã có nghị quyết, mục tiêu đến cuối quý III phải giải ngân được 60% kế hoạch. Như vậy, cần giải ngân 31% kế hoạch của năm trong quý III/2021, cao hơn cả thực hiện trong 6 tháng đầu năm. Ông Hưng ước tính, phần giải ngân này so với thực hiện trong quý III/2020 tăng đến 25% - là động lực cho triển vọng tăng trưởng trong quý III trong bối cảnh đại dịch.

Tựu chung lại, ông Hưng cho rằng, điểm khác biệt của năm 2021 so với năm 2020 là tình hình thu ngân sách vẫn khá tích cực, ngân sách hiện vẫn thặng dư, do đó có thể nói, Việt Nam đang ở vị thế khá thuận lợi cho các mục tiêu chính sách tài khóa.

Nói về chính sách nới lỏng tiền tệ trong thời gian dài có thể khiến gia tăng áp lực lạm phát của nền kinh tế, chuyên gia của SSI cho rằng, áp lực là có nhưng trong tầm kiểm soát.

Nửa đầu năm, chỉ số lạm phát ở mức 1,47% là thấp trong 5 năm trở lại đây. Nhiều người tỏ ra nghi ngờ về số liệu, bởi như ở Mỹ có lạm phát cao nhất trong 30 năm trở lại đây.

Theo ông Hưng, cần nhìn vào rổ hàng hóa khi tính chỉ số của Việt Nam (quốc gia đang phát triển) và Mỹ (quốc gia đã phát triển) là có sự khác nhau.

Trong rổ hàng hóa Việt Nam, phần lương thực thực phẩm chiếm tỷ trọng cao, nếu cộng dồn là hơn 36% - cao hơn nhiều so với tỷ lệ ở Mỹ. Chẳng hạn, nhóm hàng thịt lợn, có tỷ trọng cao gấp 10 lần ở Mỹ, nên biến động giá lương thực thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến con số tính toán.

Diễn biến lạm phát tại Việt Nam có phần khác với thế giới. Giả định Việt Nam kiểm soát được đại dịch trong quý III và ít nhất có sự mở cửa trở lại thị trường nội địa trong quý IV thì áp lực lên giá cả mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng trở lại. Ngoài ra, mặt hàng như xăng dầu cũng tăng giá, trong khi số dư của quỹ bình ổn theo công bố là ở mức thấp. Theo đó, Việt Nam vẫn sẽ có áp lực tăng lạm phát.

Tuy nhiên, tổng thể cả năm, lạm phát trung bình 12 tháng sẽ thấp hơn lạm phát mục tiêu là 4%, nên không gian chính sách tiền tệ vẫn rõ ràng mà không quá lo lắng về lạm phát tăng cao như nhiều quốc gia trên thế giới.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục