Để hạn chế những vụ vỡ nợ có thể xảy ra trong thời gian tới, Quốc hội cần họp bàn và tiến tới sửa một số điều trong Bộ luật Hình sự hiện nay.
Thời gian vừa qua, những vụ vỡ nợ liên tiếp xảy ra. Dưới góc nhìn của một luật sư, ông có thể lý giải vì sao lại xảy ra tình trạng này?
Tôi cho rằng, thời gian vừa qua, lãi suất ngân hàng bị đẩy lên quá cao nên nhiều người muốn vay được tiền của dân thì phải đưa ra mức lãi suất rất lớn. Về mặt thương mại, nếu những người kinh doanh đàng hoàng mà vay với mức lãi quá cao như thế thì việc trả được nợ đã là không thể. Theo tôi, huy động lãi cao trong dân có 2 nhóm người. Nhóm thứ nhất là những người đi vay để đầu tư vào các kênh rất rủi ro thời gian qua như BĐS, vàng, chứng khoán và đa số lỗ nặng do sự biến động của các thị trường này.
Một nhóm khác đi vay tiền với mục đích lừa đảo ngay từ ban đầu và huy động với lãi suất rất cao để lấy tiền ăn chơi, đánh bóng bản thân. Đến khi số tiền lớn quá không vay được tiếp thì dẫn tới vỡ nợ. Thế nhưng, những đối tượng đi vay dường như cũng rất am hiểu pháp luật, vì hầu hết vụ vỡ nợ này chỉ có thể xử lý tại tòa án dân sự, chứ việc xử lý hình sự thì rất khó.
Như vậy, phải chăng việc xử lý với những trường hợp như thế này, quy định của pháp luật hiện hành đã không đủ sức răn đe?
Đúng là như vậy. Theo quy định của Bộ luật Hình sự 15 năm trước, những vụ vay nợ với một số tiền nhất định mà không trả được nợ và bị tố cáo thì cơ quan công an có thể truy tố hình sự. Thậm chí, trong Luật hình sự trước kia còn có tội gọi là tội cho vay nặng lãi. Nếu cho vay nặng lãi thì cả người đi vay và người cho vay đều có thể bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại khác. Việc đối tượng huy động tiền với lãi suất thậm chí gấp 10 lần lãi suất ngân hàng, nếu vỡ nợ và bị tố cáo cũng chỉ có thể xử lý dân sự. Chính những quy định này khiến cơ quan công an hiện rất lúng túng trong khâu xử lý. Mặt khác, nhiều đối tượng đi vay còn nắm rõ quy định ở chỗ, khi vỡ nợ, họ chỉ trốn những chủ nợ, chứ với người thân và với cơ quan điều tra, họ vẫn rất hợp tác. Vì thế, cơ quan công an không thể quy họ tội lừa đảo mà xử lý hình sự được.
Nếu không thể xử lý hình sự thì quy trình cơ quan điều tra có thể xử lý các vụ vỡ nợ vừa qua là gì và các đối tượng huy động tiền rồi tuyên bố vỡ nợ sẽ được xử lý ra sao?
Hiện nay, cách các cơ quan công an vẫn đang làm là họ sẽ bắt người vay phải cho biết đã sử dụng tiền ra sao và tiền đang được giấu ở đâu để truy tìm tài sản đã mất. Đấy là một biện pháp truyền thống. Tuy nhiên, với những vụ đã vỡ rồi thì tiền bạc người ta đã tiêu hết hoặc tẩu tán hết và khả năng trả nợ hầu như không còn. Ngay việc xử lý với các đối tượng tuyên bố vỡ nợ sau này cũng rất khó. Bởi nhiều đối tượng còn cãi lại cơ quan điều tra, rằng vụ của họ chỉ là vấn đề dân sự nên cơ quan công an không có quyền thụ lý.
Còn vấn đề xử lý các vụ việc này tiếp theo thế nào, theo tôi, để có thể khởi tố hình sự thì cơ quan điều tra phải chứng minh được đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và đặc biệt, đối tượng phải bỏ trốn. Nếu sự việc chỉ được xử lý dân sự thì quy trình sẽ là: đối tượng bị kiện ra tòa dân sự, rồi tòa ra bản án và thực hiện thi hành án. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ các bản án có thể thi hành được chỉ chiếm khoảng 40%, số còn lại sẽ không thể thi hành được do đối tượng không còn tài sản cưỡng chế. Thậm chí, ngay cả 40% các bản án thi hành được thì đối tượng cũng chỉ còn rất ít tài sản. Và điều đó lý giải tại sao nhiều người cho vay, biết đối tượng không có khả năng trả nợ, nhưng vẫn không dám đi tố cáo, vì đi tố cáo cũng đồng nghĩa với việc họ không còn khả năng gây sức ép đòi nợ với con nợ nữa.
Với những vụ vỡ nợ tại Hà Nội vừa qua lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, theo ông, những vụ nào có thể bị xử lý hình sự. Một khi bị xử lý hình sự, các đối tượng sẽ phải đối diện với những mức án nào, thưa ông?
Theo tôi, vụ vỡ nợ ở Phú Xuyên, rồi vụ ở Cầu Giấy với những dấu hiệu lừa đảo rõ ràng và đã gây hậu quả nghiêm trọng, nên sẽ bị xử lý hình sự. Một khi bị xử lý hình sự về tội lừa đảo, hình phạt cao nhất mà các đối tượng phải nhận là bị phạt tù từ 20 năm đến chung thân. Ngoài ra, các đối tượng còn bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo tôi, ngay cả khi những đối tượng lừa đảo dẫn đến vỡ nợ có bị xử lý cao nhất như thế cũng vẫn không đủ răn đe. Vì vậy, theo tôi, có 2 vấn đề mà Bộ luật Hình sự của ta phải quay về cái gốc trước đây. Thứ nhất, phải quy định, anh vay số tiền nhất định bao nhiêu mà không chịu trả thì được xem có dấu hiệu hình sự. Thứ hai là phải quy định việc tuân thủ trần lãi suất với lãi suất thương mại. Nếu anh huy động quá trần đã quy định thì sẽ bị xử lý hình sự. Như thế, tính răn đe của pháp luật mới cao, chứ không thể có chuyện lãi vay gấp 10 lần ngân hàng như vẫn đang diễn ra tràn lan hiện nay, khiến nhiều người mù quáng vì lãi suất mà bất chấp rủi ro.