DN chỉ cần ngừng hoạt động, giải thể, đóng cửa, phá sản, là ngân sách không thể thu hồi số tiền nợ thuế. Theo ông, trường hợp này xử lý thế nào?
Bộ luật Hình sự hiện hành và Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đang lấy ý kiến đóng góp của người dân (từ ngày 15/7/2015 đến ngày 14/9/2015) cũng có quy định về tội trốn thuế.
Theo đó, tùy thuộc vào số tiền thuế trốn và mức độ vi phạm, người phạm tội ngoài bị phạt tiền từ 2 lần đến 5 lần số tiền trốn thuế và có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 5 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Pháp nhân vi phạm bị phạt tiền gấp 3 - 5 lần so với cá nhân, bị tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Nhưng theo Luật Quản lý thuế thì hành vi trốn thuế, gian lận thuế chỉ bao gồm: không nộp hồ sơ đăng ký thuế, khai thuế; không xuất hóa đơn khi bán hàng hoặc ghi thấp hơn giá thanh toán; sử dụng hoá đơn, chứng từ bất hợp pháp..., chứ không có hành vi nợ thuế sau đó “giải tán” DN để trốn thuế?
Trốn thuế và gian lận thuế mặc dù là 2 hành vi khác nhau, nhưng hiện tại được đồng nhất trong một khái niệm. Hiểu theo quy định của các văn bản dưới luật (nghị định, thông tư) thì trốn thuế, gian lận thuế là hành vi gian lận về sổ sách, kê khai, khai man về gia cảnh nhằm giảm số thuế phải đóng, tăng số thuế được giảm, tăng số thuế được hoàn.
Thực ra, những hành vi này là gian lận thuế và Bộ luật Hình sự cả hiện hành lẫn Dự thảo Bộ luật Hình sự trên thực tế cũng chỉ xử lý đối với tội gian lận thuế, chứ chưa xử lý được tội trốn thuế, trong đó có việc nợ thuế sau đó đóng cửa, giải thể, ngừng hoạt động, phá sản và thành lập DN mới.
Theo tôi được biết, trong số 600 DN nợ hàng chục ngàn tỷ đồng tiền thuế vừa được Bộ Tài chính công bố không bao gồm nợ thuế của DN không còn sản xuất - kinh doanh ở địa chỉ đã đăng ký; DN không còn hoạt động; DN chờ giải thể, phá sản.
Nếu DN vừa bị “bêu tên” cũng áp dụng trốn thuế bằng cách ngừng hoạt động, giải thể, phá sản thì cũng chỉ xử lý bằng Luật Phá sản, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý thuế, với chế tài cao nhất là thu hồi mã số thuế, đình chỉ sử dụng hóa đơn; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, chứ không có chế tài để xử lý hình sự tội trốn thuế bằng cách thức này.
Vì thế, Bộ luật Hình sự sửa đổi nên có quy định cụ thể về tội trốn thuế thì mới có chế tài để xử lý?
Như tôi đã nói, tội danh trốn thuế trong Bộ luật Hình sự cả hiện hành lẫn sửa đổi thực ra bản chất là tội danh gian lận thuế. Còn trốn thuế, có thể hiểu là tổ chức, cá nhân, DN tìm cách này hay cách khác cố tình không đóng thuế, trong đó có việc giải thể, ngừng hoạt động để trốn tiền nợ thuế.
Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đã bổ sung tội danh gian lận bảo hiểm (y tế, xã hội, thất nghiệp) và tội trốn đóng bảo hiểm. Trong đó, tội danh gian lận bảo hiểm được hiểu tương tự như tội danh trốn thuế. Còn tội danh trốn đóng bảo hiểm được quy định rất cụ thể là trường hợp người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ từ 6 tháng trở lên.
Theo đó, trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì ngoài bị phạt tiền từ 2 đến 7 lần số tiền trốn đóng bảo hiểm, còn có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, thậm chí có thể bị phạt tù tới 7 năm. Pháp nhân phạm tội sẽ bị phạt tiền gấp 2 - 10 lần so với cá nhân phạm tội.
Theo tôi, Bộ luật Hình sự sửa đổi phải tách tội trốn thuế ra khỏi tội gian lận thuế, tương tự như tội danh gian lận và trốn đóng bảo hiểm và đưa ra chế tài xử phạt thật nặng mới có tính chất răn đe.
Thưa ông, rất nhiều DN nợ thuế, nợ bảo hiểm là do quá khó khăn, nếu chỉ nợ từ 6 tháng trở lên mà đã xử lý hình sự thì vô hình trung đẩy DN vào đường cùng?
Trong khi người lao động chỉ phải đóng 10,5% số tiền lương tính đóng bảo hiểm, thì DN phải đóng 22% tổng quỹ lương đóng bảo hiểm trả cho người lao động. Đối với những DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, nguồn lực tài chính nằm trong cảnh “giật gấu vá vai”, thì đóng bảo hiểm đúng thực sự là gánh nặng.
Trên tinh thần không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, theo tôi, nên quy định chỉ xử phạt đối với những DN có điều kiện mà cố tình không đóng, cố tình trốn tránh nghĩa vụ.
Tương tự, chỉ xử phạt đối với DN có điều kiện kiện, nhưng dây dưa, cố tình chây ỳ tiền thuế. Với hành vi nợ thuế sau đó giải thể, ngừng hoạt động, phá sản, bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh và tình hình tài chính không hề khó khăn thì phải xử lý thật nặng, tương tự như tội chiếm đoạt tài sản nhà nước.
Với những DN khó khăn thì xử lý tiền nợ thuế bằng các giải pháp kinh tế, hành chính theo Luật Quản lý thuế, với mục tiêu quan trọng nhất là tạo điều kiện cho DN vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động.