Khó xóa được tình trạng hai tỷ giá trên thị trường

(ĐTCK-online) Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang khá mạnh tay với thị trường ngoại tệ chợ đen, nhưng trên thực tế, tình trạng hai tỷ giá vẫn tồn tại. Hoạt động giao dịch ngoại tệ của các tiệm vàng trở nên âm thầm, tinh vi hơn.
Khó xóa được tình trạng hai tỷ giá trên thị trường

Theo đại diện một quầy thu đổi ngoại tệ trực thuộc Eximbank trên địa bàn TP. HCM, trong những tuần gần đây, các giao dịch ngoại tệ trên thị trường tự do trầm lắng hơn, một phần do tỷ giá trên thị trường chợ đen đang dần được kéo gần với tỷ giá liên ngân hàng, một phần do các tiệm vàng hoạt động bớt lộ liễu hơn.

Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết thêm, trong gần 1 tháng qua, lực lượng thanh tra NHNN TP. HCM đã phối hợp với Công an và Quản lý thị trường TP. HCM kiểm soát chặt chẽ thị trường ngoại tệ chợ đen. Cụ thể, trong tháng qua, cơ quan này đã phát hiện thêm 18 vụ vi phạm về hành vi mua - bán ngoại tệ trái phép và niêm yết giá bán hàng hóa bằng ngoại tệ, tổng số tiền phạt lên đến trên 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Minh cũng thừa nhận, để xóa bỏ triệt để việc mua bán trái phép ngoại tệ cũng như niêm yết giá bán hàng hóa bằng USD là không dễ trong một sớm, một chiều. Đồng thời, nếu chỉ sử dụng biện pháp hành chính cũng không thể thu hẹp được thị trường ngoại tệ chợ đen.

Bên cạnh các giao dịch mua - bán ngoại tệ trái phép trên thị trường chợ đen khó xóa bỏ triệt để thì trong hệ thống ngân hàng, các DN cũng không dễ mua ngoại tệ. Đại diện một DN trong lĩnh vực nhập khẩu cho biết, hiện để có được nguồn ngoại tệ theo giá niêm yết trong ngân hàng là rất khó. Bởi các ngân hàng bán ngoại tệ sẽ cộng thêm một số phí dịch vụ khác do cung ngoại tệ khó đáp ứng cầu.

Mặc dù tỷ giá trên thị trường chợ đen đã phần nào hạ nhiệt và được kéo sát lại với tỷ giá chính thức niêm yết trong các NHTM, nhưng theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, lượng ngoại tệ vào ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu tăng lên. Đồng thời, nguồn kiều hồi chảy về cũng không ở lại với ngân hàng với số lượng lớn. Đơn cử tại Công ty kiều hối DongA Bank, doanh số chi trả kiều hối trong 2 tháng đầu năm 2011 đạt xấp xỉ 400 triệu USD. Tuy nhiên, ông Bình cho biết, nguồn kiều hối ở lại Ngân hàng chưa tới 10% trên tổng số nói trên.

Khó mua được ngoại tệ để thanh toán hàng hóa nhập khẩu, các DN tiếp tục tìm đến tín dụng ngoại tệ. Mặt khác, sử dụng vốn vay bằng ngoại tệ trong lúc này vẫn có thể tránh được áp lực cao về lãi suất cho vay thỏa thuận tiền đồng. Vì thế, trái với kỳ vọng lãi suất tiết kiệm ngoại tệ sẽ hạ nhiệt để có thêm điều kiện giảm sức nóng của lãi suất tiền đồng, trong những ngày qua, chi phí huy động vốn bằng USD vẫn giữ ở mức cao, trong khi tiền gửi ngoại tệ chưa có dấu hiệu giảm.

Mặc dù đã có sự điều chỉnh nhẹ lãi suất huy động tiết kiệm bằng ngoại tệ để giảm chi phí đầu vào, song lãi suất tiết kiệm USD ở các ngân hàng hiện vẫn ở mức bình quân 5,5 - 6%/năm, thậm chí cao hơn. Ngay cả với những ngân hàng lớn như VCB, ACB, Eximbank cũng "neo" lãi suất tiền gửi ngoại tệ ở mức khá cao, với 5,5%/năm cho kỳ hạn tiết kiệm 12 tháng.

Lãi suất ngoại tệ được các NHTM Việt Nam niêm yết ở mức cao khiến người dân ưa thích tích trữ USD, vừa để đảm bảo đồng vốn, vừa hưởng lãi suất hấp dẫn. Theo ông Minh, trong tháng 3/2011, vốn huy động bằng ngoại tệ có dấu hiệu sụt giảm trước động thái kiểm soát chặt hơn đối với thị trường ngoại tệ tự do và tỷ giá chợ đen giảm. Tuy nhiên, nếu tính lũy kế từ đầu năm thì lượng tiền gửi bằng USD của các NHTM trên địa bàn TP. HCM đã tăng gần 13%.

Báo cáo của NHNN Chi nhánh TP.HCM cũng cho biết, tính đến cuối tháng 2/2011, tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn đạt khoảng 719.000 tỷ đồng, tăng 0,56% so với một tháng trước đó và 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dư nợ tín dụng bằng VND của các ngân hàng là 0,61% và dư nợ tín dụng ngoại tệ cũng ngang ngửa với mức tăng 0,42% so với một tháng trước đó. Đáng chú là khi tín dụng tiền đồng khó tăng trưởng vì áp lực lãi suất cao, các NHTM càng muốn đẩy mạnh tín dụng ngoại tệ.

Tuy nhiên, để "siết" chặt hơn tín dụng ngoại tệ, nhằm giảm áp lực cho nguồn cung USD, trong ngày 25/3, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 07/2011/TT-NHNN quy định việc cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay là người cư trú thay thế Quyết định số 09/2008/QĐ-NHNN. Theo đó, các khách hàng vay ngoại tệ phải có nguồn ngoại tệ đối ứng để trả nợ ngân hàng, tức phải đảm bảo có đủ ngoại tệ để trả nợ vay từ nguồn thu xuất khẩu. Trong trường hợp khách hàng vay vốn bằng ngoại tệ để sử dụng trong nước, thì phải bán số ngoại tệ đã vay cho tổ chức tín dụng cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot) để lấy đồng nội tệ phục vụ nhu cầu vốn.

Thuỳ Vinh
Thuỳ Vinh

Tin cùng chuyên mục