Khó kỳ vọng sự mới mẻ của Vietnam Airlines sau cổ phần hóa

(ĐTCK) ĐHCĐ lần đầu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ diễn ra vào ngày mai (12/3) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội).
Năm 2015, năm đầu sau cổ phần hóa, 
Vietnam Airlines chấp nhận đi lùi Năm 2015, năm đầu sau cổ phần hóa, Vietnam Airlines chấp nhận đi lùi

Giới quan sát cho rằng, đây sẽ là cuộc họp có diễn biến bình lặng và hầu như không tạo ra tác động nào đáng kể đến hoạt động của Tổng công ty.

Những nội dung trình cổ đông tại Đại hội cho thấy, Vietnam Airlines chấp nhận đi lùi ngay năm đầu tiên sau cổ phần hóa. Cụ thể, năm 2015, Vietnam Airlines đặt kế hoạch lợi nhuận 613,5 tỷ đồng, thấp hơn mức thực hiện năm 2014 khoảng 5%. Doanh thu hợp nhất trong năm dự kiến khoảng 70.156 tỷ đồng, thấp hơn mức thực hiện năm trước 2,5%.

Trong khi đó, năm 2015, VNA sẽ khai thác khoảng 16,7 triệu lượt khách vận chuyển. Tổng công ty cũng sẽ gia tăng kinh phí đầu tư lên 22.954 tỷ đồng, gấp 2,4 lần mức thực hiện năm 2014. Tổng nguồn vốn huy động sẽ là 21.440 tỷ đồng, doanh nghiệp cũng có kế hoạch bán 2 tàu bay B777-200E trong năm.

Một nội dung sẽ được xin ý kiến tại Đại hội là kế hoạch phát hành cho đối tác chiến lược. Trong năm 2015, Vietnam Airlines dự kiến phát hành hơn 282 triệu cổ phần riêng lẻ cho không quá 3 nhà đầu tư chiến lược (tập đoàn hàng không hoặc nhà đầu tư tài chính). Mức giá phát hành sẽ không thấp hơn 22.300 đồng/CP (giá IPO trong nước thành công thấp nhất vào ngày 14/11/2014). Tổng công ty dự kiến thu về 6.289 tỷ đồng từ đợt phát hành riêng lẻ này. Số tiền sẽ được dùng để thực hiện các dự án đầu tư đội máy bay đã được ký kết trước khi chuyển thành công ty cổ phần. Phần thặng dư từ việc chào bán sẽ được sử dụng để tăng vốn Nhà nước tại Tổng công ty.

Nhìn vào cơ cấu cổ đông của Vietnam Airlines, có thể thấy, việc tham gia vào các hoạt động quản trị doanh nghiệp từ các cổ đông bên ngoài dường như không có nhiều trọng lượng. Vì thế, diễn biến của Đại hội được nhận định sẽ bình lặng là có cơ sở. Hiện Nhà nước đang sở hữu tới 94% cổ phần của Vietnam Airlines.

Hai cổ đông tổ chức lớn nhất là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng chính là đối tác cấp vốn tín dụng cho Vietnam Airlines mua sắm máy bay (Vietnam Airlines vay hơn 3.000 tỷ đồng từ Vietcombank và 1.100 tỷ đồng từ Techcombank). Trong đó, Techcombank sở hữu 25,76 triệu cổ phần, tương ứng 1,82% vốn điều lệ của Vietnam Airlines. Vietcombank sở hữu 22,56 triệu cổ phần, chiếm 1,6% vốn điều lệ của Tổng công ty. Vietnam Airlines là khách hàng quan trọng và tạo ra nguồn thu lớn đối với hai cổ đông tổ chức này. Đơn cử, Techcombank hiện đang cung cấp hầu hết các dịch vụ ngân hàng cho Vietnam Airlines như thu hộ 100% tại các phòng vé, cung cấp gói tài chính cá nhân toàn diện cho cán bộ nhân viên của Vietnam Airlines và đặc biệt là cấp hạn mức tín dụng lớn cũng như tham gia tài trợ nhiều dự án mua máy bay trọng điểm.

Đầu ra chính của một hãng hàng không là bán vé nên dòng tiền từ mua vé của gần 15 triệu lượt hành khách/năm và việc chi trả lương cho khoảng 10.000 cán bộ nhân viên khiến Vietnam Airlines thực sự là khách hàng mơ ước của bất cứ ngân hàng nào. Hiện không chỉ có hai ngân hàng trên, nhiều ngân hàng khác đang chạy đua hợp tác chiến lược với Vietnam Airlines. Mối quan hệ hợp tác “đôi bên cùng có lợi” như trên khiến cho vai trò và tiếng nói phản biện của các cổ đông tổ chức như Techcombank, Vietcombank, theo nhận xét của giới chuyên gia, sẽ là rất mờ nhạt.

Với tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối tại Vietnam Airlines lớn như hiện tại, có thể thấy, mọi nội dung đưa ra tại ĐHCĐ ngày mai (12/3) đều được quyết định bởi cổ đông lớn nhất này. Theo lộ trình, nếu như bán thành công 20% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trong năm 2015, Nhà nước vẫn nắm giữ 75% cổ phần. Tùy diễn biến thị trường, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát hành thêm cổ phiếu ra thị trường hoặc bán tiếp cho nhà đầu tư chiến lược để giảm phần vốn Nhà nước nắm giữ xuống 65% vào thời điểm thích hợp.

Trước thềm Đại hội, thời điểm để Tổng công ty đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung cũng chưa được ấn định một cách cụ thể. Theo một thành viên Ban chỉ đạo cổ phần hóa, đây là trường hợp ngoại lệ và việc lên sàn của Tổng công ty tạm thời chưa được tính tới.

Như vậy có thể thấy, sau cổ phần hóa, có thể tiếp tục là những khoảng lặng của Vietnam Airlines, động lực để tổng công ty này cất cánh là chưa rõ ràng. Để Vietnam Airlines thực sự thay đổi, giải pháp khả thi nhất có lẽ là sớm có lộ trình và thực hiện giảm vốn Nhà nước tại Tổng công ty.

Trần Hà

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục