Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang được các ngân hàng áp dụng phổ biến ở mức 5-6%/năm cho kỳ hạn 6 đến 9 tháng và mức cao hơn 7-7,2%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Tuy nhiên, tại nhiều ngân hàng, với kỳ hạn từ 15 - 36 tháng lãi suất tiền gửi tiết kiệm lại có xu hướng giảm so với trước, về ngang bằng với kỳ hạn 9 tháng.
Lãi suất tiết kiệm ở mức thấp, trong khi đó các kênh đầu tư khác nhất là bất động sản và với sự biến động của tỷ giá như thời gian vừa qua, đặt ra mối quan ngại về việc dịch chuyển tiết kiệm sang các kênh này.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, với diễn biến của thị trường hiện nay, lãi suất tiền đồng đang chịu áp lực lớn. Đặc biệt là khi NHNN tăng tỷ giá bình quân, đồng thời nới biên độ tỷ giá thêm 3% khiến câu chuyện tiết kiệm bằng ngoại tệ vốn lãng quên từ lâu do lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ rất thấp, nay lại được nhắc lại.
“Điểm tích cực là NHNN sớm tuyên bố không điều chỉnh thêm tỷ giá trong năm nay nữa. Điều này giúp làm dịu đi nhu cầu dịch chuyển đồng tiền nắm giữ”, ông Hải cho biết.
Thực tế, nếu so sánh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng giữa VND (khoảng 6%/năm) và USD (khoảng 0,75%/năm), mức chênh lệnh đã lên tới hơn 5%/năm. Nếu tỷ giá được giữ ổn định thì gửi tiền VND vẫn có lợi hơn.
Còn Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cũng cho biết, xu hướng rút tiền tiết kiệm chuyển sang ngoại tệ không rõ nét, nhưng sang kênh bất động sản là có, điều này đã diễn ra từ đầu năm nay.
“Lãi suất tiết kiệm hiện đã giảm nhiều so với trước và giá bất động sản khó kỳ vọng giảm thêm nên đây là thời điểm tốt mua nhà. Do vậy, nhiều khách hàng không chỉ rút tiết kiệm, mà còn vay thêm vốn để có thể sở hữu nhà”, vị lãnh đạo này nói.
Khó tăng lãi suất
Trên thực tế, tổng vốn huy động của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đã có xu hướng chững lại, tăng chậm hơn nhiều so với dư nợ cho vay. Các ngân hàng cũng đã có động thái điều chỉnh nhẹ lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn và cả với dài ngày để giữ chân tiết kiệm. Nhưng mức tăng thêm không đáng kể, khó đáp ứng được kỳ vọng người gửi tiền.
Đây là một cơ sở để dự báo về khả năng các ngân hàng phải tăng lãi suất, nhằm tăng khả năng huy động, đáp ứng nhu cầu cho vay đang tăng lên.
Tuy nhiên, điều này không được sự ủng hộ của NHNN khi các biện pháp điều hành vẫn theo hướng nới lỏng có kiểm soát nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Điều này thể hiện ngay cả trong thời điểm cách đây hơn 1 tuần, khi lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng đang tăng mạnh do nhu cầu gom USD của doanh nghiệp và các ngân hàng đề nghị tăng lãi suất tiền đồng.
Nhưng kể cả trong bối cảnh đó, NHNN vẫn khẳng định không tăng tỷ giá thêm nữa và sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường khi cần, theo nhu cầu của các NHTM. Tức là các giải pháp liên quan tới câu chuyện điều hành tỷ giá ngắn và trung hạn, chứ chưa phải các biện pháp liên quan tới công cụ điều hành lãi suất của chính sách tiền tệ.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cũng đưa ra nhận định, kinh tế Việt Nam đang vận hành tương đối tốt. Về các diễn biến từ bên ngoài có thể tác động tới tiền tệ tại Việt Nam, cá nhân ông Nirukt cho rằng không quá lớn vì lạm phát đang được kiểm soát tốt, cán cân thanh toán đến nay vẫn có lợi cho Việt Nam. Đồng thời, NHNN đã có những giải pháp có tính chủ động trước tình hình.
“Tôi cho rằng, tình hình hiện nay vẫn tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế liên tục và chúng tôi cũng không suy đoán về lãi suất và tỷ giá”, ông Sapru nhấn mạnh.
Về xu hướng lãi suất trong thời gian tới, một chuyên gia trong lĩnh vực tiền tệ cho biết, sẽ có những biến động vì chịu tác động từ nhiều yếu tố, đặc biệt là nhu cầu vốn vay đang tăng lên. Tuy nhiên, với thực trạng lạm phát thấp, chính sách của NHNN vẫn là nới lỏng thì khó có thể kỳ vọng một mức tăng đáng kể trong trung hạn.