Thông tin về việc Sacombank bị mua thâu tóm đã được đưa ra khá nhiều trong thời gian gần đây. Đặt trường hợp việc Sacombank lo ngại khả năng bị thâu tóm thì việc mua vào số lượng lớn cổ phiếu quỹ có thể xem là chiến lược phòng thủ hợp lý. Tuy nhiên, theo chủ quan của người viết thì giả thiết về việc thâu tóm Sacombank hiện không khả thi do ba nguyên nhân.
Thứ nhất, lượng tiền bỏ ra quá lớn, trong khi tỷ lệ nắm cổ phần chi phối lại nhỏ. 10% cổ phiếu của Sacombank hiện tại đã có thị giá hơn 1.400 tỷ đồng, để sở hữu 20% cổ phiếu STB thì phải bỏ ra 2.800 tỷ đồng. Liệu người mua có sẵn sàng bỏ lượng vốn lớn như vậy trong giai đoạn "tiền hiếm" như hiện nay?
Thứ hai, năng lực tài chính của Sacombank tương đối tốt nên khả năng phòng thủ sẽ cao. Sacombank hiện đang là ngân hàng nằm trong nhóm G12 - có năng lực tài chính tốt mà NHNN đã công bố. Việc mua lại để dành quyền chi phối tại một tổ chức tín dụng lớn như vậy là không khả thi trong giai đoạn hiện nay.
Thứ ba, dù có thể mua được lượng cổ phần của Sacombank đủ để vào HĐQT thì quyền quyết định của nhóm cổ đông này sẽ không lớn. Theo Điều 25, mục 1, khoản k trong Điều lệ của Sacombank, nhóm cổ đông sở hữu từ 10 - 20% số cổ phần được đề cử tối đa một ứng cử viên vào HĐQT. Người trúng cử thành viên HĐQT được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp tại ĐHCĐ. Hiện tại, khoảng 60% số cổ phần của Sacombank vẫn trong tay nhà đầu tư nước ngoài, cổ đông nội bộ, công ty con thuộc Tập đoàn và các cổ đông tổ chức khác.
Bên cạnh đó, kế hoạch mua cổ phiếu quỹ của Sacombank chỉ trong vòng 1 tháng, từ 15/11 - 15/12/2011. Với thanh khoản bình quân của STB trong 1 tháng qua là 800.000 cổ phiếu/phiên thì dường như, phần lớn lượng cổ phiếu quỹ của Sacombank nếu có mua trong đợt này sẽ chủ yếu là mua thỏa thuận. Nhiều khả năng, Sacombank đang có đối tác lớn có nhu cầu thoái vốn và Ngân hàng tạm thời phải sử dụng nguồn vốn của mình để mua lại cổ phiếu quỹ.
Đáng chú ý là, thời gian thực hiện mua cổ phiếu quỹ lại diễn ra vào thời điểm trước ngày 31/12/2011, khi mà các NHTM phải giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất từ mức 22% về 16% tổng dư nợ. Hoạt động cho vay kinh doanh chứng khoán sẽ tiếp tục bị cắt giảm mạnh và những cổ đông đã vay tiền ngân hàng để mua cổ phiếu của Sacombank sẽ chịu áp lực rất lớn trong việc phải bán cổ phiếu đi để trả nợ, trong khi các cổ đông hiện hữu cũng khó có thể thu xếp đủ nguồn lực để mua vào. Điều này có thể khiến Ngân hàng phải thực hiện mua lại cổ phiếu quỹ.
Câu hỏi đặt ra là có phải chính những cổ đông lớn của Sacombank đang thực hiện repo 10% cổ phiếu STB dưới chiêu bài mua cổ phiếu quỹ? Nhất cử lưỡng tiện, họ vừa đạt được mục đích rút tiền ra, vừa hỗ trợ Ngân hàng đạt chỉ tiêu 16% tín dụng phi sản xuất tại thời điểm 31/12/2011, đồng thời vẫn giữ được quyền sở hữu cổ phiếu STB. Sau thời điểm 31/12/2011, Sacombank lại có thể thực hiện bán thỏa thuận cổ phiếu quỹ lại chính cho các cổ đông lớn này khi đáo hạn hợp đồng repo. Giả thiết này chỉ có thể được trả lời nếu Sacombank công bố việc mua vào cổ phiếu quỹ là mua thỏa thuận hay khớp lệnh trên thị trường.