Khó khăn bủa vây doanh nghiệp niêm yết

(ĐTCK) Chi phí giá vốn tăng cao, trong khi số lượng đơn hàng sụt giảm, khiến nhiều doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất gặp áp lực trong quá trình sản xuất, kinh doanh. 
Nhu cầu thị trường giảm đang tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất. Nhu cầu thị trường giảm đang tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất.

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp sụt giảm, thậm chí thua lỗ

Mới đây, Nikkei Việt Nam đưa ra kết quả nghiên cứu phản ánh thực trạng hiện nay của lĩnh vực sản xuất với chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) liên tục sụt giảm trong ba tháng 8,9 và 10/2019.

Ông Andrew Harker, Phó giám đốc HIS Markit - công ty thu thập kết quả khảo sát PMI cho rằng, giai đoạn trì trệ của lĩnh vực sản xuất tiếp tục kéo dài do các công ty giảm sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm và nhu cầu hàng hóa trên thế giới giảm.

Nikkei Việt Nam cũng chỉ ra rằng, tăng trưởng lĩnh vực sản xuất của Việt Nam chậm lại khi số lượng đơn đặt hàng mới bị hạn chế và sản lượng giảm liên tục, với nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu khách hàng giảm và ảnh hưởng bởi căng thẳng thương chiến Mỹ - Trung.

Ghi nhận thực tế tại doanh nghiệp, có thể thấy khối các ngành sản xuất thép, dệt may, thủy sản, phân bón, giấy… đang đối mặt với tình trạng kinh doanh sụt giảm.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của toàn ngành dệt may nói chung, Vinatex và các thành viên nói riêng, nhất là các đơn vị sản xuất sợi.

Thực tế, kết quả kinh doanh của nhiều đơn vị sản xuất sợi trong quý III/2019 đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2018, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả chung của toàn Tập đoàn.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, Vinatex đạt doanh thu thuần 5.049 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ 2018 (tương đương giảm 9.392 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế đạt 213,3 tỷ đồng, giảm 68,2%.

Thống kê của FiinGroup về kết quả kinh doanh quý III/2019 của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán cũng cho thấy, khối doanh nghiệp sản xuất phân bón, hóa chất, dầu khí, hàng tiêu dùng cá nhân và gia dụng đều bị sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ 2018.

Cụ thể, nhóm hóa chất giảm 35%, nhóm dầu khí giảm 28,4%, nhóm hàng tiêu dùng cá nhân và gia dụng giảm 1,7%...

Với ngành phân bón, tính chung 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu phân bón giảm cả về sản lượng và giá trị.

Tổng cục Hải quan cho biết, sản lượng xuất khẩu phân bón 9 tháng qua đạt 618.850 tấn, giá trị 199,77 triệu USD, giảm 9,4% về lượng và 11,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu phân bón giảm mạnh ở các thị trường Campuchia, Malaysia, Philippines… Cụ thể, xuất khẩu phân bón tại Campuchia đạt 207.397 tấn, giảm 27,8% (giá trị giảm 24,9%); Malaysia đạt 56.210 tấn, giảm 39,4% (giá trị giảm 43,5%); Philippines đạt 7.017 tấn, giảm 83,7% (giá trị giảm 85,5%)...

Khó khăn chung của ngành đã phản ánh vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2019.

Đơn cử, Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí  - Công ty cổ phần (DPM) ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.398 tỷ đồng, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm 2018 và lợi nhuận sau thuế đạt 152 tỷ đồng, giảm 73%.

Tính đến hết tháng 9/2019, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (BFC) chỉ đạt 55,4 tỷ đồng lợi nhuận, giảm tới 72,7% so với cùng kỳ năm trước, cho dù doanh thu giảm nhẹ 8,8%, đạt 4.565 tỷ đồng.

Thậm chí, Công ty cổ phần Phân bón miền Nam (SFG) báo lỗ lũy kế 9 tháng ở mức 8,9 tỷ đồng.

Ở khối doanh nghiệp sản xuất thép, nhiều công ty cũng trong tình trạng thua lỗ. Đơn cử, Công ty cổ phần Thép Pomina (POM) báo lỗ 119 tỷ đồng trong quý III/2019, lũy kế 9 tháng lỗ 252 tỷ đồng và nằm trong nhóm doanh nghiệp thua lỗ nhiều nhất sau 9 tháng đầu năm.

POM cho biết, nguyên nhân gây lỗ là do có một nhà máy ngừng sản xuất, dẫn đến giảm sản lượng hàng bán, trong khi chi phí tài chính tăng cao do chuẩn bị cho một dự án tôn mới chuẩn bị đi vào hoạt động trong năm 2020.

Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) cũng ghi nhận lỗ 9 tỷ đồng trong quý III/2019, khiến lợi nhuận lũy kế 9 tháng giảm tới 82%, đạt 31 tỷ đồng.

Việc doanh thu tài chính lũy kế giảm 78%, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 22% đã gây áp lực lớn cho TLH.

Tính đến hết tháng 9/2019, giá trị hàng tồn kho của TLH là hơn 1.912 tỷ đồng, tăng gần 26% so với hồi đầu năm.

Điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh 2019

Lo ngại khó có thể cán đích năm 2019 khi tình hình khó khăn ngày một gia tăng, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đã điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh năm nay.

Tại Công ty cổ phần Camimex Group (CMX), đầu năm 2019, CMX đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu thuần 3.637 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 113,2 triệu USA, lợi nhuận sau thuế 198,7 tỷ đồng.

Ngày 19/11 vừa qua, HĐQT CMX đã thông qua nghị quyết về việc trình Đại hội đồng cổ đông để điều chỉnh giảm các chỉ tiêu kinh doanh năm 2019.

Theo đó, CMX giảm kim ngạch xuất khẩu xuống 40 triệu USD (tương đương giảm 65% so với kế hoạch ban đầu), sản lượng sản xuất điều giảm 51% (từ 8.400 tấn xuống 4.120 tấn), tổng doanh thu giảm 64% xuống 214,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 55% xuống 90 tỷ đồng.

CMX là doanh nghiệp sản xuất tôm, tình hình khó khăn chung của ngành thủy sản năm nay đã tác động trực diện đến hoạt động kinh doanh của Công ty.

Báo cáo quý III/2019 mới công bố của CMX cho thấy, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đều sụt giảm mạnh, lần lượt giảm 25,5% và 55% so với cùng kỳ 2018.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, CMX ghi nhận gần 763 tỷ đồng doanh thu thuần (giảm 5%) và 76 tỷ đồng lợi nhuận. kết quả này tương đương 38% kế hoạch lợi nhuận trước điều chỉnh và 84% sau điều chỉnh.

Tính đến hết ngày 30/9/2019, tổng tài sản của CMX đạt 1.261 tỷ đồng, trong đó các khoản phải thu ngắn hạn là 320 tỷ đồng, cao gấp đôi thời điểm đầu năm và hàng tồn kho tăng 19%, lên hơn 500 tỷ đồng và riêng 2 khoản mục này chiếm 65% tổng tài sản.

Bên cạnh đó, nợ vay tài chính ngắn hạn tăng 48%, lên 582 tỷ đồng và nợ dài hạn tăng 5 lần, lên 43 tỷ đồng. Tổng vay nợ chiếm 50% nguồn vốn của CMX.

Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC) cũng vừa điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh năm 2019.

Cụ thể, chỉ tiêu doanh thu điều chỉnh giảm từ 720 tỷ đồng xuống 619,6 tỷ đồng, tương đương giảm 14% so với kế hoạch ban đầu; lợi nhuận sau thuế giảm từ 93,5 tỷ đồng xuống 76,5 tỷ đồng, tương đương giảm 18%.

Lý giải việc điều chỉnh giảm doanh thu và lợi nhuận năm nay, SSC cho biết, là do thị trường tiêu thụ lúa thuần, lúa lai tại Đồng bằng sông Cửu Long không khả quan, dẫn đến khả năng khó hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra ban đầu.

Trước đó, báo cáo tài chính quý III/2019 của SSC ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 37,6% so với cùng kỳ 2018, đạt 10,2 tỷ đồng chủ yết do thị trường Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước để sản xuất, lượng hàng tiêu thụ chậm, dẫn đến doanh thu giảm và lợi nhuận gộp giảm (29%).

Bên cạnh đó, SSC cũng không còn được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp, khiến chi phí thuế tăng cao.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, SSC đạt 421 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ 0,7% so với cùng kỳ 2018, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 5,6%, đạt 57 tỷ đồng.

Chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ khép lại năm kinh doanh 2019, bên cạnh những doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm các chỉ tiêu để có thể hoàn thành kế hoạch đề ra, thì nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực khắc phục khó khăn để chạy đua về đích.

Công ty Chứng khoán KB nhận định, các ngành như sản xuất trang phục, đồ gỗ nội thất… sẽ duy trì được mức tăng trưởng ổn định.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục