Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp đã phải dùng "đồng tiền dự trữ cuối cùng"

Khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp. Nếu không sớm tìm giải pháp gỡ khó, thì sẽ ảnh hưởng đến không chỉ tới “sức khỏe” của doanh nghiệp, mà của cả nền kinh tế, cả trong ngắn lẫn dài hạn.

Những khó khăn này ngày càng đậm nét hơn trong các phiên thảo luận mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong khi Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều doanh nghiệp nói họ đã dùng những “đồng tiền dự trữ cuối cùng” để trang trải, thì ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại nhấn mạnh về “sự bào mòn, rất khó khăn” của doanh nghiệp. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói về một thực tế rằng, nhiều doanh nghiệp lớn “đã phải bán gần hết tài sản; những gì bán được là đã bán và bán có 50% giá thực”.

Đây thực sự là điều đáng lo ngại. Không chỉ là tình trạng thiếu đơn hàng, nhu cầu yếu, dẫn đến nhiều doanh nghiệp đang phải cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm, mà các vấn đề về thanh khoản, dòng tiền, tín dụng cho nền kinh tế cũng đang khiến doanh nghiệp càng trở nên kiệt quệ hơn sau nhiều năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trong báo cáo trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra những con số rất đáng lưu tâm. Đó là khả năng huy động vốn của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Đó là số vốn vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,3 tỷ đồng - mức thấp nhất trong 4 tháng đầu năm kể từ năm 2018. Đó là số vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp đang hoạt động giảm tới 55,1% so với cùng kỳ năm 2022 (là tỷ lệ giảm sâu nhất kể từ trước đến nay).

Cùng với đó, tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 464.970 tỷ đồng, bằng hơn 70% tổng số vốn cùng kỳ trong các năm nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Năm 2021, con số này là 627.721 tỷ đồng, còn năm 2022 là 635.282 tỷ đồng. Có đến 14/17 lĩnh vực có sự sụt giảm về vốn đăng ký mới.

Như vậy, tình hình còn khó khăn hơn cả thời điểm Covid-19 đang diễn ra. Khó khăn đến mức, trong 4 tháng qua, đã có hơn 77.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2022. Nghĩa là, bình quân mỗi tháng, có gần 20.000 doanh nghiệp phải rời bỏ hoặc tạm rời bỏ đường đua kinh doanh.

Dù trong 4 tháng qua, số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 78.871 doanh nghiệp, cao hơn con số 77.000 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể, song rõ ràng, đó không hẳn là bức tranh sáng màu.

Chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi báo cáo con số tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 2,66% (tính đến ngày 24/4) cũng nhấn mạnh rằng, điều này cho thấy tình hình sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, của nền kinh tế còn hạn chế.

Nhiều khả năng, khó khăn chưa thể sớm chấm dứt, bởi lẽ, câu chuyện của nền kinh tế Việt Nam hiện không chỉ là vấn đề nội tại nền kinh tế, mà còn là câu chuyện của kinh tế toàn cầu, của suy giảm tăng trưởng và nhu cầu tiêu dùng thế giới.

Điều này dẫn tới các động lực cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đó cũng là lý do khiến cả sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu sụt giảm trong những tháng gần đây.

Vấn đề nằm ở chỗ, tình hình phía trước chưa có dấu hiệu khả quan hơn. Ngân hàng HSBC, trong một báo cáo gần đây, nhận định rằng “chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm” trên mặt trận thương mại. Còn dữ liệu PMI (Chỉ số Nhà quản trị mua hàng) mới nhất mà S&P Global công bố cho thấy, ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm khi nhu cầu của khách hàng vẫn yếu. Chỉ số PMI tháng 4/2023 của Việt Nam vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm, giảm về mức 46,7 so với 47,7 điểm của tháng 3/2023. Chỉ số này cho thấy, các điều kiện kinh doanh giảm lần thứ 5 trong 6 tháng qua, và đây là lần giảm mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay.

Có lẽ, cần nhiều hơn nữa các biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục