Tồn kho tăng, Tiền mặt giảm
Đầu tiên, hai tên tuổi lớn nhất trong ngành là Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) và Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước Giải khát Hà Nội (BHN) đều có kết quả kinh doanh giảm mạnh.
Không những lợi nhuận suy giảm mạnh, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính ghi nhận mức âm kỷ lục 1.097 tỷ đồng, giá trị âm lớn nhất kể từ năm 2017 tới nay tại SAB. Đây cũng là quý đầu tiên, SAB đối mặt với hiện trạng dòng tiền âm sau nhiều quý dòng tiền dương liên tục.
Tính tới 31/3/2020, lượng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn tại Tổng công ty giảm tới 3.237,5 tỷ đồng và chỉ còn 13.271,6 tỷ đồng, tỷ trọng tiền mặt trên tổng tài sản đã giảm mạnh từ 61,2% về mức 54,9% trong quý.
Bên cạnh yếu tố dòng tiền suy yếu, tồn kho và khoản phải thu ngắn hạn có dấu hiệu tăng. Trong đó, tồn kho cuối quý I/2020 ghi nhận 2.256,9 tỷ đồng, tăng tới gần 15% so với đầu kỳ, khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 642,6 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm.
Trong bối cảnh bán hàng gặp khó khăn, việc sản xuất ra mà chưa tiêu thụ kịp đã đẩy tồn kho gia tăng.
Việc tồn kho tăng lại làm cho quá trình thu hồi tiền mặt gặp khó khăn hơn và làm lượng tiền mặt của doanh nghiệp suy giảm đáng kể. Nếu như tình hình không có sự đổi mới, SAB sẽ có thể bị thâm hụt lượng tiền mặt tích trữ lâu nay.
Mịt mờ tương lai
Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia rượu lớn trên thế giới cũng như khu vực nhờ cơ cấu dân số trẻ và văn hoá làm việc trên bàn nhậu. Nhóm cổ phiếu bia luôn được coi là nhóm kinh doanh ổn định, dòng tiền đều và tỷ lệ cổ tức tiền hấp dẫn nhà đầu tư.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi mạnh mẽ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông liên quan tới rượu bia được ban hành cuối năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Nghị định 100 có hiệu lực, lượng tiêu thụ rượu, bia giảm mạnh, nhưng đó chưa phải là khó khăn lớn nhất. Dịch Covid-19 xuất hiện, tạo cú sốc “vô tiền khoáng hậu” với ngành bia khi hành vi tiêu dùng bắt buộc phải thay đổi.
Trước đây người tiêu dùng hạn chế uống bia rượu do tự ý thức sợ bị phạt hành chính, nhưng nay, cả xã hội phải tuân thủ yêu cầu giãn cách, hạn chế tới nơi đông người. Hàng loạt quán ăn, quán bia phải đóng cửa trong thời gian dài để hạn chế sự lây lan của dịch.
Mặc dù nền kinh tế dần mở cửa trở lại, nhưng thách thức từ Nghị định 100 cũng như việc chưa có vắc xin phòng dịch khiến mọi hoạt động kinh doanh nói chung, ngành giải khát nói riêng vẫn dưới mức bình thường.
Chuyên gia kinh tế của Bloomberg nhận định, nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục hoạt động dưới mức tiềm năng trước lo ngại làn sóng dịch bệnh quay trở lại.
Nền kinh tế khả quan nhất cũng phải tới giai đoạn có vắc xin phòng chống dịch thì mới dần dần khôi phục trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
SAB sở hữu tiền mặt lớn, nhưng phía trước chưa thấy cửa sáng cho tiêu thụ sản phẩm, cũng đồng nghĩa với việc hiệu quả kinh doanh chưa biết bao giờ quay trở lại đà tăng trưởng.
Tại BHN, kết quả kinh doanh thậm chí còn lỗ 98,3 tỷ đồng ngay trong quý I/2020. BHN cho biết, do ảnh hưởng lớn từ tác động kép của quy định về sử dụng rượu bia và đại dịch Covid-19 dẫn tới sản lượng tiêu thụ sụt giảm so với cùng kỳ.
Lượng tiền mặt trong kỳ đã giảm tới 1.051 tỷ đồng, về mức 1.816,5 tỷ đồng, trong khi đó hoạt động kinh doanh chính âm tới 1.007,2 tỷ đồng.
Dòng tiền âm của BHN có dấu hiệu tương đồng so với SAB khi tồn kho và khoản phải trả tăng lên do việc bán thành phẩm gặp khó khăn.
Trên TTCK, cổ phiếu SAB tăng từ vùng giá 113.000 đồng/CP lên 183.000 đồng/CP, tương ứng tăng gần 62%, sau đó điều chỉnh về mức hiện tại 160.000 đồng/CP.
Quan sát thị trường cho thấy, cổ phiếu ngành bia đang được nhiều nhà đầu tư tung hứng như một “canh bạc ngắn hạn”, bởi tương lai mịt mờ phía trước khi 2 gọng kìm dịch bệnh và Nghị định 100 cùng xiết mạnh vào dòng tiêu thụ sản phẩm làm ra của loại doanh nghiệp ngành này.