Khó huy động vốn, các công ty khởi nghiệp chuyển sang vay mượn

0:00 / 0:00
0:00
Dòng vốn đầu tư mạo hiểm đang ưa chuộng cho vay tiền thay vì đầu tư mua cổ phần tại công ty khởi nghiệp.

Dòng tiền đầu tư mạo hiểm đã dành nhiều năm “mua sắm” điên cuồng cổ phần tại các công ty khởi nghiệp, chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghệ, góp phần tạo nên hơn 1.000 công ty kỳ lân trên toàn cầu (công ty khởi nghiệp được định giá ít nhất 1 tỷ USD), ngay cả khi nhiều công ty còn cách rất xa khả năng tạo ra lợi nhuận.

Hiện tại, trong bối cảnh ngay cả những gã khổng lồ công nghệ cũng gặp nhiều khó khăn, các công ty khởi nghiệp chật vật với hoạt động kinh doanh, cũng như tham vọng có thể IPO. Trong khi đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng giảm tốc độ đầu tư và dòng tiền có dấu hiệu rút khỏi thị trường đầu tư mạo hiểm trong bối cảnh lãi suất cao hơn. Điều này buộc các startup phải vay mượn nhiều hơn.

Dù quy mô các khoản nợ của startup chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ tổng vốn đầu tư mạo hiểm, nhưng thị phần ngày càng gia tăng. Theo số liệu từ PitchBook Data Inc, khối nợ của các công ty khởi nghiệp tăng mạnh trong 7 năm qua. Tại Mỹ, trong nửa đầu năm, con số này đạt 17,1 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, vốn đầu tư mạo hiểm giảm 8%, đạt 147,7 tỷ USD.

Giá trị các khoản nợ mạo hiểm tại thị trường Mỹ qua các năm.
Giá trị các khoản nợ mạo hiểm tại thị trường Mỹ qua các năm.

Nhận thấy sự dịch chuyển này của thị trường, các hãng tài chính lớn mở rộng hoạt động cho vay đối với các công ty khởi nghiệp. Blackstone Inc dự kiến sẽ cho các công ty vay 2 tỷ USD trong vài năm tới, theo nguồn tin giấu tên được Bloomberg trích dẫn. KKR &Co cũng mở rộng hoạt động cho vay với các startup.

Ông Jonathan Lavine, đối tác quản lý tại Bain Capital LP trả lời phỏng vấn Bloomberg cho biết, Bain Capital đang gia tăng sự hiện diện tại lĩnh vực cho vay vốn mạo hiểm (venture debt), khi các quỹ đầu tư mạo hiểm không còn quá hứng thú với các vòng gọi vốn, nơi giá trị của startup có thể trở nên thấp hơn so với các vòng gọi vốn trước đó.

Tất nhiên, vay nợ luôn đi kèm chi phí và rủi ro. Các công ty khởi nghiệp đa phần đều thất bại, bỏ lại các nhà đầu tư trong đau khổ. Tuy nhiên, không giống như hoạt động đầu tư mạo hiểm, các khoản nợ thường có các yêu cầu thanh toán định kỳ và có những lợi thế nhất định khi thu hồi vốn.

Ông Ross Ahlgren, đối tác tại Kreos Capital, một trong những nhà cung cấp khoản vay mạo hiểm lớn nhất châu Âu cho biết, có cách thức an toàn để hoạt động tại thị trường này.

“Nhà đầu tư đang ưa chuộng cho vay tiền thay vì đầu tư mua cổ phần tại công ty khởi nghiệp. Chúng tôi thường tập trung vào các công ty tăng trưởng cao, tại lĩnh vực có triển vọng tốt và chúng tôi có thể cân nhắc lại quy mô cho vay sau một thời gian. Thực tế, đa phần sức bật của các công ty đang gặp khó khăn về vốn sau khi được vay nợ thường cao hơn so với kỳ vọng”, ông Ross Ahlgren cho biết.

Ở chiều ngược lại, với các công ty khởi nghiệp, việc đi vay mượn rõ ràng là hoạt động mạo hiểm. Bloomberg dẫn nguồn tin từ một lãnh đạo quỹ đầu tư khởi nghiệp cho biết, nhiều startup trong danh mục theo dõi của ông đang liên tiếp thực hiện các khoản vay mới, bất chấp cảnh báo về rủi ro và lãi suất.

Trong kịch bản tốt nhất, các khoản vay mượn phát huy tác dụng, giúp doanh nghiệp với hoạt động kinh doanh hứa hẹn đi vào guồng quay tích cực. Ví dụ, OneLogin, công ty khởi nghiệp với ứng dụng quản lý danh tính gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu, trong khi không thu hút được thêm vốn đầu tư mới.

Công ty chỉ còn khoản tiền đủ cho 5 tháng duy trì hoạt động khi Brad Brools nhận ghế CEO. Ông quyết định vay 26 triệu USD. Nhờ nguồn lực này, OneLogin dần vững bước và sau đó được Quest Software mua lại với giá trị ước tính đạt 500 triệu USD.

Tư Thuần
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục