Chưa đáp ứng yêu cầu
Đầu tuần này, tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ ba, Quốc hội đặt lên bàn nghị sự Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trong bối cảnh ngành y tế đang chao đảo trong bão lớn mang tên Việt Á.
Một thực tế được nhắc đến cả ở trong phòng họp Diên Hồng, lẫn các phiên thảo luận tổ và hành lang Quốc hội, đó là các hoạt động mua sắm trang thiết bị để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong toàn ngành cũng gần như đang đóng băng, dẫn đến cả những loại thuốc thông thường cũng thiếu.
Tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế đang diễn ra nhiều nơi, nhiều người có trách nhiệm trong hệ thống y tế không dám thực hiện việc đấu thầu, mua sắm vì sợ sai, sợ vi phạm và thể chế pháp luật không rõ ràng được cho là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) phát biểu.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cũng nhấn mạnh, các vụ án vừa qua trong lĩnh vực y tế cho thấy, việc thổi giá không chỉ được phát hiện trong các dự án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, mà còn phát hiện cả trong việc triển khai các đề án xã hội hóa, liên doanh, liên kết hợp tác đặt máy móc, thiết bị khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện công lập.
Bà Nguyễn Thị Thủy nêu ví dụ điển hình là vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Theo đó, bệnh viện này đã ký hợp đồng cho phép đối tác đặt robot hỗ trợ phẫu thuật với giá máy trong hợp đồng liên kết gấp hơn 5 lần giá trị thực, từ 7,4 tỷ đồng lên 39 tỷ đồng. Việc này đã làm lợi cho một nhóm người, nhưng gây thiệt hại cho hơn 600 bệnh nhân đã sử dụng máy này.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, một trong những nguyên nhân quan trọng là do hành lang pháp lý đối với lĩnh vực này chưa hoàn thiện, thiếu chặt chẽ, có nhiều lỗ hổng, dẫn đến vừa khó khăn cho các bệnh viện trong triển khai, vừa dễ rủi ro cho cả bệnh viện lẫn đơn vị tư nhân tham gia và nhất là dễ bị lợi dụng để cấu kết nhóm lợi ích gây thiệt hại cho bệnh nhân và gây thiệt hại cho Nhà nước.
Và để khắc phục những bất cập đó, cần phải sửa đổi, bổ sung trong nhiều văn bản pháp luật, trong đó có Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Thế nhưng, Dự thảo luật chỉ duy nhất có Điều 90 quy định về xã hội hóa liên doanh, liên kết: “Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh, khuyến khích huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng cơ sở khám chữa bệnh. Hoạt động liên doanh, liên kết của cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước”.
Quy định này, theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy và nhiều vị đại biểu khác, là chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Cần giải pháp đột phá
Ghế Bộ trưởng Bộ Y tế - người có trách nhiệm giải trình ý kiến đại biểu về Dự thảo luật - đang trống, nên Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đảm nhiệm việc giải trình này.
Ông Vũ Đức Đam nói, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và các bệnh viện cũng rất quan tâm là xã hội hóa và liên doanh, liên kết trong bệnh viện công cần phải có các giải pháp đột phá.
Lý do là, hiện nay, cả nước mới có 318 bệnh viện tư thục, mới có 38.000 phòng khám của tư nhân.
“Tôi dùng từ ‘mới có’ bởi vì thực tế số này mới đáp ứng được 5,16% tổng số giường bệnh, đây là một tỷ lệ rất thấp, cần phải có các giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Giải pháp, theo Phó thủ tướng, không chỉ liên quan đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh, mà còn liên quan đến nhiều luật khác về đầu tư, đất đai, ngân sách nhà nước. Nhưng ở dự thảo luật này, có một vấn đề là, giá dịch vụ của các bệnh viện tư quy định theo hướng có quy định khung, hay để các cơ sở này tự quy định?
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, chắc chắn phải quản lý giá dịch vụ y tế, dù đó là bệnh viện công hay bệnh viện tư, nhưng cũng phải để quyền tự chủ để cho y tế tư nhân được phát triển tốt hơn.
Về liên doanh, liên kết trong bệnh viện công lập, Phó thủ tướng nêu rõ, đây là đặc thù với Việt Nam, rất khó có thể nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để áp dụng vào Việt Nam.
Ông cho biết, đã làm việc rất nhiều với các tổ chức quốc tế và việc liên doanh, liên kết này duy nhất có ở Việt Nam. “Ở các nước, công là công, tư là tư, khi đã liên doanh, liên kết với tư nhân nghĩa là hạch toán theo tư nhân", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ.
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, mô hình liên doanh, liên kết trong khám, chữa bệnh theo yêu cầu của các bệnh viện công thực sự giải quyết bài toán thực tế của Việt Nam trong thời gian vừa qua, nhưng tới đây, luật pháp cũng cần quy định rõ hơn. Và “chìa khóa mà các tổ chức quốc tế khuyến nghị chỉ có một cách là bắt buộc công khai, minh bạch tất cả các khoản thu - chi từ khám, chữa bệnh theo yêu cầu”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.
Cũng nói đến một bất cập chỉ có duy nhất ở Việt Nam, là mô hình quản lý kiêm nhiệm giữa chuyên môn và quản lý điều hành bệnh viện công, đại biểu Nguyễn Công Long đề nghị lần sửa luật này cần giải quyết căn bản bất cập đó.
Suốt từ năm 1945 đến nay, trong ngành y tế luôn có một hiện tượng là người giỏi về chuyên môn y khoa khi được cất nhắc làm lãnh đạo, thì luôn phải có sự lựa chọn hoặc làm chuyên môn, hoặc làm quản lý. Nhận xét như trên, đại biểu Long nhấn mạnh, đến nay, sự giằng xé giữa chuyên môn và quản lý vẫn còn tiếp tục. Mà, đối với những người chấp nhận vừa làm quản lý, vừa làm chuyên môn, thì áp lực nhiệm vụ rất lớn và khó có thể hoàn thành được cả hai.
“Thử hình dung giáo sư, bác sĩ khi bước vào phòng mổ, thay vì toàn tâm toàn ý để cứu chữa bệnh nhân, thì đầu óc vẫn đang bị phân tâm bởi những gói thầu A, hợp đồng B nào đó và ai cũng hiểu trong gói thầu, trong những hợp đồng đó, thì có vô số lợi ích, những mối quan hệ chằng chịt. Nếu không thắng nổi những cám dỗ và không xử lý được hết cả các mối quan hệ đó, thì chuyện vào tù là sớm hay muộn”, đại biểu Long phát biểu.
Giải pháp, theo đại biểu Long, cũng đã từng được tính đến, đó là thí điểm bệnh viện công thuê giám đốc điều hành, thay những nhà chuyên môn bằng các nhà quản lý có kinh nghiệm. Nhưng rất tiếc, việc này vẫn vấp hai rào cản chính, đó là nhận thức và thể chế.
Theo đó, lần sửa luật này, đại biểu Long đề nghị cần xem xét quy định các tiêu chuẩn về nhân lực quản lý là một tiêu chí bắt buộc trong đánh giá chất lượng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo tiêu chuẩn chung của thế giới.
Sau khi tiếp tục hoàn thiện, Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022).
Ngày mai, Quốc hội bế mạc Kỳ họp thứ ba
Khai mạc sáng 23/5, qua hai lần điều chỉnh chương trình, chiều mai (16/6) Quốc hội khóa XV sẽ bế mạc Kỳ họp thứ ba. Tại phiên bế mạc, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết kết quả giám sát chuyên đề về công tác quy hoạch, nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Quốc hội cũng sẽ thông qua nghị quyết Kỳ họp thứ ba, trong đó có việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.