Sai phạm giảm nhưng còn nhiều băn khoăn
Trong báo cáo mới đây của Sở Xây dựng TP.HCM về tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố, đơn vị này cho biết, tính từ ngày 15/12/2019 đến 15/3/2020, Thanh tra Sở Xây dựng đã tiến hành kiểm tra 21.850 lượt và phát hiện 179 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, sai phép là 99 trường hợp, không phép là 80 trường hợp.
Tại hội nghị trực tuyến kết quả thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU vừa được diễn ra vào đầu tuần qua, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố tiếp tục giảm, giảm 6,5 vụ/ngày so với thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị 23, tỷ lệ giảm là 76,65%.
“Chỉ thị 23 đã hạn chế được tình trạng vi phạm xây dựng tràn lan, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, việc ban hành, triển khai quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng, kế hoạch liên tịch tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng giữa Sở Xây dựng và UBND quận, huyện đã góp phần nâng cao hiệu quả trong phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm xây dựng trên địa bàn Thành phố.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, địa phương từng đứng đầu bảng về vi phạm trật tự xây dựng của TP.HCM cho rằng, hiện nay, trên địa bàn huyện dù tình hình vi phạm trật tự xây dựng được kéo giảm, nhưng còn nhiều vấn đề băn khoăn.
Chẳng hạn, nhiệm vụ quy hoạch của huyện Bình Chánh được lập năm 2008, nhưng đến 2012 mới được phê duyệt và đến nay có nhiều tiêu chí không còn phù hợp, trong đó đáng lo ngại là việc tăng dân số cơ học ngoài kiểm soát.
“Dân số hàng năm của huyện Bình Chánh tăng cơ học trên 40.000 dân, các đồ án, dự án để triển khai thì không thực hiện, nếu triển khai cũng rất ít và quỹ đất ở rất ít. Đồng thời, có sự chênh lệch về quy hoạch chung được duyệt năm 2012 và quy hoạch sử dụng đất là 1.800 ha, nên hiện nay vấn đề giải quyết hồ sơ cho người dân còn khó khăn”, ông Tài nói.
Vì vậy, ông Tài cho rằng, trong thời điểm chưa điều chỉnh quy hoạch chung của huyện, Thành phố cần cho phép áp dụng một số cơ chế để giải quyết nhu cầu của người dân về sử dụng đất và xin cấp phép xây dựng, như vậy sẽ hạn chế vấn đề vi phạm về trật tự xây dựng.
Còn ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho rằng, Thành phố cần công khai Giấy phép xây dựng trên phần mềm trực tuyến để tổ chức, cá nhân dễ dàng truy cập nhằm tăng cường giám sát cộng đồng, bởi việc triển khai phần mềm cấp Giấy phép xây dựng nhằm rút ngắn thời gian và tạo thuận lợi cho người dân.
Ngoài ra, TP.HCM cũng cần kiến nghị Chính phủ điều chỉnh bổ sung một số nội dung trong Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính Phủ theo hướng cho phép xử lý ngay từ đầu, lập biên bản, ngừng thi công xây dựng và buộc tháo dỡ các hạng mục công trình vi phạm đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng.
“Quy định pháp luật hiện hành cho phép tổ chức, cá nhân có 60 ngày để hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý về xây dựng, nhưng thực tiễn tại huyện Nhà Bè cho thấy, trong 60 ngày thì các chủ đầu tư thường xây thêm hoặc cố tình vi phạm thêm chứ không dừng hoạt động xây dựng”, ông Tùng nhấn mạnh.
Xử lý con người
Thực tế, để phát sinh hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực xây dựng một phần do kẻ hở của cơ chế, song nguyên nhân sâu xa hơn vẫn do sự lơ là quản lý, thậm chí là tiếp tay từ cán bộ địa phương. Việc này cũng được Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM chỉ rõ nguyên nhân khiến xây dựng không phép, sai phép diễn ra ở hầu hết các địa phương bởi có tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực này.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, luật sư Nguyễn Bích Trâm, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, hiện hệ thống quản lý về trật tự xây dựng được giám sát từ Thanh tra Sở Xây dựng đến các đội quản lý đô thị, cán bộ địa chính và thậm chí là công an khu vực.
Tuy nhiên, với hệ thống quản lý, giám sát này, để xảy ra các công trình vi phạm xây dựng là điều rất khó nếu không có sự bao che, làm ngơ, tiêu cực của những cán bộ có thẩm quyền.
“Cần phải xử lý thật nghiêm những cán bộ, tổ chức liên quan dù với bất cứ lý do gì đã để xảy ra xây dựng sai phép, xây dựng không phép. Chỉ có xử lý thật nghiêm cán bộ công chức đã để xảy ra vi phạm xây dựng và cần cưỡng chế ngay các công trình vi phạm thì lập tức xây dựng không phép, sai phép”, luật sư Trâm nói.
Để tiếp tục chấn chỉnh tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, Phó chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan cho rằng, Chỉ thị 23 đã tạo ra sự lan tỏa về ý thức chấp hành của tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hoặc có những hành vi lợi dụng những chính sách bất cập trong quy định pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố, cho nên số vụ vi phạm đã giảm sâu.
“Trong thời gian tới, Thành phố sẽ xem việc tăng cường quản lý trật tự xây dựng và xử lý nghiêm những vi phạm trật tự xây dựng là việc làm thường xuyên, kiên trì, từng bước đưa vào quản lý chặt chẽ”, ông Hoan nói và nhấn mạnh rằng, các đơn vị liên quan phải thực hiện theo phương châm phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời, xử lý nhanh, kiên quyết và theo quy định pháp luật.
Ông Hoan cho biết, Thành phố sẽ hoàn thành một số giải pháp quyết liệt và thực hiện trong tháng 5/2020. Đồng thời, tập trung hướng dẫn quận, huyện rà soát quy hoạch từng địa bàn và xác định một số địa bàn trọng điểm để đề xuất điều chỉnh quy hoạch.
“Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định, quy trình cấp giấy chứng nhận và cấp phép xây dựng theo hướng rõ ràng, đơn giản, rút gọn trên cơ sở tuân thủ pháp luật”, ông Hoan nói và cho biết thêm, Thành phố sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, phân loại sai phạm, căn cứ thực tiễn và tính phù hợp của các vị trí cụ thể để đề xuất hướng giải quyết căn bản đối với từng sai phạm trước đây nhưng theo từng thời điểm quy định pháp luật để tháo gỡ cho người dân.
Trong khi đó, Phó Bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang nhấn mạnh rằng, Thành phố phải xử lý nghiêm minh, quyết liệt các đối tượng đầu nậu, doanh nghiệp cố tình lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi. Đồng thời, xem xét có tình, có lý đối với những người dân đang có nhu cầu rất lớn về nhà ở.
“Nếu xử lý chậm thì việc phải xử lý ngày càng khó hơn, với nguyên tắc, mục tiêu cuối cùng là làm sao việc quản lý xây dựng càng giảm dần các hành vi vi phạm và chuẩn hơn về quy định. Các cơ quan tố tụng cũng cần ưu tiên xem xét xử lý những vụ việc vi phạm đã được tiếp nhận để đưa ra xử lý sớm một số vụ việc nhằm tạo tính răn đe”, ông Quang nói.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com