Vướng mắc lớn nhất, theo ông Sơn, là VDB không thực hiện bảo lãnh đối với hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS). "Thị trường BĐS phát triển sẽ kéo theo nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh khác, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng như gạch ngói, xi măng, sắt thép… Nếu không hỗ trợ để thị trường BĐS phục hồi trở lại thì việc bảo lãnh tín dụng sẽ giảm hiệu quả", ông Sơn nói và cho biết, hiện hàng loạt nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng đang được các DN đầu tư với mong muốn đón đầu khi thị trường BĐS phục hồi trở lại, nếu lĩnh vực kinh doanh BĐS không được hỗ trợ của Nhà nước (cả hỗ trợ lãi suất lẫn bảo lãnh tín dụng) thì ngành sản xuất vật liệu xây dựng sẽ không thể phát triển được vì hàng sản xuất ra không có nơi tiêu thụ.
Theo bà Nguyễn Phương Dung, Giám đốc CTCP Thành Phương, việc chỉ bảo lãnh cho DN có vốn điều lệ tối đa 20 tỷ đồng và sử dụng tối đa 500 lao động sẽ hạn chế đáng kể số lượng DN nhận được bảo lãnh của VDB. "Cần mở rộng đối tượng, điều kiện bảo lãnh thì những DN khó khăn mới có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng", bà Dung đề xuất. Đồng tình với quan điểm này, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa cho biết, với những quy định quá chặt chẽ như hiện nay, các DN may mặc, giày da, thủ công mỹ nghệ… khó có thể được bảo lãnh vì những lĩnh vực này thường sử dụng trên 500 lao động.
Theo đại diện CTCP Xây dựng Hà Thành, điều kiện để vay có bảo lãnh chặt chẽ hơn rất nhiều so với vay thương mại thông thường. Nếu DN đáp ứng đủ điều kiện để được nhận bảo lãnh thì tốt hơn hết là đi vay trực tiếp tại NHTM vì không phải trả phí bảo lãnh (0,5%/năm/khoản vay), thủ tục vay vốn đơn giản, giải quyết cho vay nhanh chóng, thuận tiện. Hơn nữa, khi DN gặp khó khăn, việc giãn nợ, gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ cũng đơn giản hơn rất nhiều. "Chỉ có DN có nợ quá hạn ngân hàng, nợ đọng thuế không có khả năng tài chính để trả nợ hoặc không có tài sản thế chấp mới phải "xin" bảo lãnh. Muốn hỗ trợ có hiệu quả đối với những DN này, cần mở rộng điều kiện bảo lãnh", vị đại diện này phát biểu.
Một trong 6 điều kiện để được chấp nhận bảo lãnh là DN không có nợ quá hạn tại các tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế. Đại diện CTCP Xây dựng Hà Thành cho rằng, với đặc thù xây dựng cơ bản của Việt Nam thì điều kiện này gần như "đóng cửa" với DN xây dựng. "DN xây dựng chỉ có máy móc, thiết bị, còn nguồn vốn xây dựng hầu hết phải vay nợ ngân hàng hoặc mua chịu của DN sản xuất vật liệu xây dựng, công trình nào cũng nằm trong tình trạng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng chủ đầu tư, đặc biệt chủ đầu tư là các địa phương nợ khối lượng thanh toán do phải chờ ngân sách cấp. Nếu không mở rộng điều kiện này thì khó có DN xây dựng nào được bảo lãnh tín dụng", vị đại diện này cho biết.
Trong khi DN lo lắng về việc khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng được bảo lãnh thì các NHTM lại trăn trở khi triển khai nghiệp vụ này. Theo Quy chế bảo lãnh được ban hành kèm theo Quyết định 14/2009/QĐ-TTg thì trong vòng tối đa 60 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, bên bảo lãnh (VDB) thoả thuận với bên nhận bảo lãnh (NHTM) về việc thực hiện hoặc không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Theo ông Phạm Xuân Hoè, đại diện Vietinbank, quy định này trái với thông lệ quốc tế. "Các NHTM Việt Nam thường xuyên thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh cho DN vay vốn, thực hiện hợp đồng… và phải thực hiện ngay nghĩa vụ của mình sau khi nhận được yêu cầu của bên nhận bảo lãnh theo đúng thông lệ quốc tế. Với việc kéo dài đến 60 ngày VDB mới ra quyết định có thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh hay không, tôi cho rằng, ít có NHTM nào mặn mà với việc bảo lãnh", ông Hoè phát biểu.
Trong khi đó, đại diện NHTM cổ phần Liên Việt lại lo ngại về nghĩa vụ của các NHTM quá lớn khi nhận bảo lãnh, bởi theo quy định, NHTM phải thông báo ngay cho VDB trong vòng 7 ngày kể từ khi DN rơi vào tình trạng không trả được nợ hoặc không trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Nếu không thực hiện sẽ bị từ chối bảo lãnh. "Rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ là vấn đề hết sức nhạy cảm và rất khó xác định bởi độ minh bạch trong báo cáo quyết toán tài chính của DN nhỏ và vừa rất thấp. Trên thực tế, khi phát hiện DN rơi vào tình trạng không trả được nợ thì quá trình thua lỗ đã kéo dài nhiều tháng. Lỗi thuộc về DN và DN phải chịu trách nhiệm, nếu VDB không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì phần thiệt hại NHTM phải gánh chịu, nên họ không mặn mà với việc nhận bảo lãnh", vị đại diện này khẳng định.