Từ đầu tuần trước, các NHTM đã điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD lên mức cao nhất trong 3 tháng qua. Vào ngày 8/8, giá USD bán ra tại nhiều ngân hàng đã được đẩy lên kịch trần 20.800 đồng/USD (tỷ giá bình quân liên ngân hàng thời điểm đó là 20.608 đồng/USD). Cùng với "cơn điên loạn" của vàng, giá USD trên thị trường tự do cũng nóng lên từng giờ.
Trước tình hình đó, ngày 10/8, NHNN đã tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 10 đồng/USD, lên mức 20.618 đồng/USD. Ngay lập tức, các NHTM cũng đẩy giá mua - bán USD lên kịch trần mới. Hiện tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn được neo ở mức 20.618 đồng/USD. Tỷ giá niêm yết tại Vietcombank ở mức 20.800/20.824 đồng/USD - kịch trần biên độ. Trên thị trường tự do, mặc dù giá mua - bán USD đã chững lại, nhưng vẫn ở mức khá cao 20.850 - 20.900 đồng/USD.
Theo một chuyên gia ngân hàng, tỷ giá biến động mấy ngày qua chủ yếu do tác động của cơn sốt vàng. Người dân lo ngại giá vàng tiếp tục tăng nên đã đổ xô đi mua vàng, đẩy giá vàng trong nước tăng cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới. Có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới tới 2 triệu đồng/lượng. Lợi dụng cơ hội này, giới đầu cơ gom USD trên thị trường tự do để nhập lậu vàng, tạo áp lực lên tỷ giá.
Số liệu của NHNN cho thấy, các NHTM vẫn đang tiếp tục mua ròng USD từ khách hàng và nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài. Trạng thái ngoại tệ của hệ thống NHTM được cải thiện hơn và luôn duy trì mức dương. Vì vậy, đây không phải là câu chuyện mất cân đối ngoại tệ đẩy áp lực tăng tỷ giá.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định, cân đối ngoại tệ của nền kinh tế không thiếu, cộng thêm chính sách quản lý thị trường ngoại hối và chính sách ổn định giá trị VND, nên sẽ giữ được tỷ giá ổn định. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua, tạo được nguồn lực mạnh mẽ giúp NHNN hoàn toàn có khả năng can thiệp vào thị trường khi cần thiết. Đồng thời, chính sách tiền tệ vẫn đang được triển khai chặt chẽ theo hướng ưu tiên cho ổn định tỷ giá…
"Tôi tin rằng, thị trường ngoại tệ Việt Nam sẽ được duy trì ổn định từ nay đến cuối năm", ông Bình nói.
Tuy nhiên, Ngân hàng HSBC lại dự báo tỷ giá sẽ tăng lên mức 21.500 đồng/USD trong quý III/2011 và duy trì ổn định đến hết quý II/2012. Còn Tổ chức Credit Suisse dự báo, VND sẽ giảm giá 1,4% so với USD, đạt khoảng 20.900 đồng/USD vào cuối năm 2011 và lên 21.400 đồng/USD vào cuối năm 2012.
Mặc dù đã bỏ dự báo về sự mất giá của VND bắt đầu từ quý III/2011 và nhận định tỷ giá sẽ ổn định ở mức 20.600 đồng/USD đến cuối năm 2011, nhưng Ngân hàng Standard Chartered vẫn dự đoán tỷ giá sẽ tăng lên mức 22.000 đồng/USD vào cuối quý IV/2012.
Theo các chuyên gia kinh tế, tất cả các dự báo đều không chắc chắn cho đến khi có thể nhìn được những căn cứ xác đáng cho thấy sẽ có sự biến động về tỷ giá. Tuy nhiên, hầu hết ý kiến đều đồng ý quan điểm rằng, tỷ giá sẽ lên cao trong những tháng cuối năm bởi lạm phát chưa có chiều hướng giảm, bội chi ngân sách cao và nhập siêu vẫn chưa được cải thiện. Nghĩa là, cơ sở để tỷ giá ổn định chưa được thiết lập một cách hoàn hảo.
"Do vậy, thị trường ngoại hối sẽ tiếp tục biến động với nhiều lý do để tin rằng, sự ổn định gần đây của VND chỉ là tạm thời", một chuyên gia ngân hàng nhận định.
Cụ thể hơn, hai vấn đề chính dẫn đến biến động tỷ giá cuối năm là nhập siêu và lạm phát. Để ổn định được tỷ giá, đầu tiên là cần phải đưa được tỷ lệ lạm phát xuống. Tính theo năm, lạm phát hiện nay của Việt Nam là trên 22% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó, theo tính toán, lạm phát theo năm ở Việt Nam phải đưa xuống dưới 10% mới có thể ổn định được tỷ giá.
Nền kinh tế Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu. Để có hàng xuất khẩu thì phải nhập khẩu nguyên, vật liệu về để gia công. Nghĩa là càng xuất khẩu nhiều thì tỷ lệ nhập khẩu sẽ càng lớn. Và có vẻ như căn bệnh này khó có thể xử lý trong ngắn hạn, thậm chí còn có dấu hiệu tăng trong thời gian tới. Kinh nghiệm cho thấy, mặc dù NHNN có thể duy trì tỷ giá ổn định trong một thời gian khi lạm phát tăng, nhưng sau đó sẽ phải chủ động giảm giá đồng nội tệ để kiềm chế nhập siêu. Rõ ràng, nhập siêu làm thị trường ngoại hối mất ổn định.
Ngoài ra, cũng còn phải tính đến những nguyên nhân từ bên ngoài như biến động kinh tế tại nhiều khu vực trọng yếu của nền kinh tế thế giới tác động vào diễn biến tỷ giá tại Việt Nam. Vấn đề giải quyết nợ công của Mỹ không hề dễ dàng, thêm vào đó khủng hoảng của khu vực kinh tế châu Âu cũng tác động đến nền kinh tế toàn cầu, đẩy giá vàng tăng mạnh, làm suy giảm giá trị của đồng USD. Nhưng dù cho vàng lên giá, còn giá USD trên thế giới có giảm, nhưng vai trò của đồng bạc xanh trong hoạt động mậu dịch thế giới thực tế vẫn còn rất mạnh và chưa thể thay thế bằng một đồng tiền khác. Chính vì vậy, người Việt Nam vẫn xem USD như là một nơi trú ẩn an toàn. Một khi vàng lên giá, xu hướng phổ biến là tiền đồng sẽ bị mất giá, cùng với đó là tâm lý chạy trốn vào USD.
"Không thể phủ nhận rằng, dự trữ ngoại hối gia tăng, nguồn vốn ODA vẫn đang chảy vào Việt Nam, lượng kiều hồi đã đi vào hệ thống ngân hàng nhiều hơn. Những diễn biến tích cực này đều có những tác động trong việc ổn định thị trường ngoại hối những tháng cuối năm. Tuy nhiên, những tác động này không đủ", vị chuyên gia ngân hàng trên nói và phân tích thêm, mặc dù dự trữ ngoại hối đã tăng lên mức ước tính khoảng 2 tháng nhập khẩu, nhưng vẫn dưới mức chuẩn là 3 tháng nhập khẩu.
Đó là chưa tính đến lượng cung ngoại tệ ảo 6 tháng đầu năm trở thành cầu thực 6 tháng cuối năm, khi các DN vay USD bắt đầu phải mua ngoại tệ trả nợ ngân hàng. Nếu thị trường chính thức không đáp ứng đủ nhu cầu, chắc chắn sẽ tạo áp lực lên thị trường ngoại hối trong những tháng cuối năm. Rõ ràng, cầm cương "con ngựa tỷ giá" không phải là câu chuyện dễ dàng.