Khó bán nợ xấu cho nước ngoài

(ĐTCK) Thực hiện chủ trương bán nợ xấu cho NĐT nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước, VAMC cho biết đang xem xét ký hợp đồng với một số NĐT nước ngoài.
Quy định về sở hữu bất động sản đang là một rào cản đối với NĐT nước ngoài

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, để bán được nợ xấu cho nước ngoài, đòi hỏi trước hết phải hình thành được thị trường mua - bán nợ, nhưng không thể hình thành được thị trường này, vì pháp luật Việt Nam chưa cho phép NĐT nước ngoài được sở hữu bất động sản. Trong khi, nợ xấu của ngành ngân hàng chủ yếu tập trung vào khu vực này.

Nhiều vướng mắc pháp lý

VAMC cho biết đang xem xét ký hợp đồng với một số NĐT nước ngoài; trong đó, 2 công ty tư vấn nước ngoài đã khảo sát thực tế để tiến hành mua nợ. Dự kiến, trong quý III/2014, những khoản nợ đầu tiên sẽ được bán ra cho NĐT.

Để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu trong thời gian tới, VAMC còn cho biết, Công ty đã làm việc với nhiều tổ chức quốc tế và các đơn vị mua nợ của nước ngoài có mong muốn mua nợ tại Việt Nam. Nhằm tạo điều kiện cho các NĐT, Công ty đã lên danh mục 10 tài sản bảo đảm, với tổng giá trị 7.800 tỷ đồng, gồm các dự án chung cư, cao ốc văn phòng, bệnh viện, nhà xưởng, khu công nghiệp tại TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Hải Dương… VAMC đã mua được 50.000 tỷ đồng nợ xấu và kế hoạch trong năm nay mua thêm khoảng 50.000 - 70.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo các chuyên gia ngành ngân hàng, ngay cả khi VAMC mua nợ xấu của các NHTM thì VAMC cũng không đủ quyền lực đối với tài sản đó. Chẳng hạn, một tài sản đảm bảo là đất cho thuê thì dù đã bán cho VAMC thì 2 - 3 năm sau mới hết chủ quyền cho thuê, còn chưa tính tới cả những mảnh đất thế chấp ngân hàng, nhưng vẫn trong tình trạng chưa đền bù xong, chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế…

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, rất khó bán nợ xấu cho nước ngoài, nếu chưa có thị trường mua bán nợ. Nhưng hiện Việt Nam không thể hình thành được thị trường mua - bán nợ, vì cơ sở pháp luật của Việt Nam chưa cho phép người nước ngoài sở hữu nhà đất. Trong khi, nợ xấu của ngành ngân hàng hiện tập trung chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản. Thị trường bất động sản gồm có: thị trường mua - bán, thị trường thế chấp và thị trường cho thuê. Thực tế cho thấy, các ngân hàng muốn phát mãi một tài sản đảm bảo thu hồi nợ xấu sẽ mất rất nhiều thời gian và thủ tục và cả một vấn đề lớn.

“Để khôi phục và phát triển được thị trường bất động sản, cần chú trọng đến thị trường mua - bán, thị trường thế chấp và thị trường cho thuê. Ba thị trường này hình thành một lợi nhuận tương đối phù hợp. Trong khi, Việt Nam lâu nay chỉ mới tập trung ở thị trường mua – bán bất động sản, còn hai thị trường kia không liên thông với nhau nên rất khó hình thành được thị trường mua - bán nợ”, TS. Lịch nhận xét và cho biết thêm, hiện ngân hàng cũng không mạnh dạn trong việc thu hồi tài sản đảm bảo bằng bất động sản để phát mãi một cách mạnh mẽ. Một phần do thị trường trầm lắng, khi đưa ra phát mãi bất động sản thế chấp sẽ rất khó hoặc giá bán quá thấp.

Vì thế, theo TS. Lịch, việc các ngân hàng đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC là vấn đề tích cực, song cũng chỉ mới giãn được thời gian xử lý nợ xấu, còn kỳ vọng xử lý triệt để các khoản nợ xấu trong thời gian sớm là rất khó khăn. 

Một chuyên gia trong ngành ngân hàng cho rằng, để bán được các khoản nợ xấu cho NĐT nước ngoài, không chỉ có việc hình thành thị trường mua - bán nợ mà các khoản nợ xấu đó cũng phải thực sự hấp dẫn đối với NĐT về giá. Trong khi đó, VAMC khó có thể bán nợ xấu dưới giá mua (VAMC đã mua nợ xấu với giá trị khoảng 80 - 90% khoản nợ). Như thế, không thể nói là mua nợ xấu mà là mua một tài sản bình thường, nên ngay cả khi thị trường mua – bán nợ được hình thành thì những khoản nợ xấu chưa hẳn đã hấp dẫn được các NĐT ngoại vì giá quá cao.

Quyền hạn của VAMC

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh cho rằng, VAMC khi thành lập được kỳ vọng là có quyền lực tuyệt đối, có thể vượt trên các luật với nhiệm vụ là xử lý nợ xấu trong thời gian rất ngắn. Nhưng đến khi quy chế hoạt động của VAMC được ban hành, các quy định được chỉnh sửa lại để không xung đột với các luật khác khiến cho VAMC dường như không còn quyền lực, thậm chí không có đủ quyền để lập một bộ hồ sơ mua – bán nợ xấu. Vì vậy, VAMC chỉ chọn những khoản nợ xấu nào có tài sản đảm bảo tốt nhất mới mua. Chẳng hạn, VAMC mua 6.000 tỷ đồng nợ xấu của SCB là do các khoản nợ này có tài sản đảm bảo tốt.

“Nhưng với những khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo tốt thì bản thân các NHTM cũng có thể xử lý được sớm”, TS. Nghĩa nói.

Trao đổi với ĐTCK, TS. Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc NHNN cho biết, nợ xấu đã được các NHTM tập trung đẩy mạnh xử lý, nhưng vẫn là vấn đề khó khăn đối với nền kinh tế hiện nay và đòi hỏi phải mất nhiều năm mới giải quyết được. Việc đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC, theo TS. Kiêm, thực chất chỉ là gom nợ xấu của các ngân hàng về một mối, giúp các ngân hàng làm sạch bảng cân đối kế toán. Chừng nào còn chưa hình thành được thị trường mua bán nợ thì vẫn chừng đó chưa có giải pháp căn cơ cho việc xử lý nợ xấu. Điều quan trọng nhất đối với các ngân hàng lúc này là phải ngăn chặn được nợ xấu mới phát sinh.

“Phải nhìn nhận thực tế là không có nước nào có thể giải quyết nợ xấu một cách nhanh chóng, nhất là nợ xấu gắn với bất động sản. Qua đó, có thể nói rằng, cái được lớn nhất trong giai đoạn tái cấu trúc ngành ngân hàng 2 năm qua là tránh được sự đổ vỡ hệ thống”, TS. Kiêm nói.

Từ kinh nghiệm của các nước, các chuyên gia đánh giá, vai trò của NĐT nước ngoài trong mua nợ là rất quan trọng. Nguồn lực của Việt Nam để xử lý nợ rất hạn chế, do đó, việc cho phép các NĐT nước ngoài tham gia mua bán nợ là cần thiết, nhằm tạo nguồn lực tốt hơn và giúp một phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Việc tham gia của NĐT nước ngoài mang tính chuyên nghiệp cao nên sẽ góp phần tạo dựng, phát triển thị trường mua - bán nợ và gắn với việc dự thảo Luật Đất đai đang xem xét đến yếu tố liệu có cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà đất. Tuy nhiên, để hình thành được thị trường mua - bán nợ cũng không phải là điều dễ dàng.

Tình hình kinh tế từ nay đến cuối năm được TS. Trần Du Lịch nhận định, vẫn còn nhiều thách thức, nợ xấu tiếp tục là rào cản với dòng chảy tín dụng và việc xử lý nợ xấu gắn với tái cấu trúc ngân hàng và chưa thể đẩy nhanh trong năm 2014 - 2015.

“Hướng tái cấu trúc và xử lý trong lĩnh vực ngân hàng như thời gian qua là đã phù hợp, thanh khoản hệ thống được cải thiện và tránh được đổ vỡ cho hệ thống là kết quả có thể chấp nhận được. Còn việc cải thiện chất lượng các ngân hàng, cần phải có thời gian. Bởi để đánh giá hoạt động của NHTM, cần đánh giá cả về chất lượng hoạt động, chất lượng nguồn nhân lực, kỷ cương và tính tuân thủ luật pháp”, TS. Lịch nói.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục