Khi “xanh hóa” trở thành chiến lược

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuộc thảo luận của 60 chủ tịch hội đồng quản trị doanh nghiệp niêm yết mới đây đã thống nhất quan điểm: ESG đang trở thành một yêu cầu bắt buộc với doanh nghiệp và sẽ mở ra những cơ hội mới.
Với FPT, ESG đã trở thành nhu cầu tự thân của doanh nghiệp từ cách đây hàng chục năm Với FPT, ESG đã trở thành nhu cầu tự thân của doanh nghiệp từ cách đây hàng chục năm

Nói được và làm thực

Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) đánh giá cao một số doanh nghiệp lớn đã tiên phong thực hiện ESG như FPT, Vinamilk, Dược Hậu Giang… Đơn cử, liên tiếp trong các năm gần đây, FPT đạt điểm cao về quản trị công ty trong Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết, do các sở giao dịch chứng khoán phối hợp với Báo Đầu tư thực hiện thường niên. Tuy nhiên, thực tế, chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam chú trọng đúng mức xu hướng này. Bước đơn giản nhất là lập báo cáo phát triển bền vững để cung cấp dữ liệu và hành động ESG tại doanh nghiệp thì số đơn vị lập báo cáo riêng, không tích hợp vào báo cáo thường niên chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Cũng theo bà Thanh, cuộc khảo sát hơn 1.000 quỹ đầu tư do Deloitte thực hiện mới đây cho thấy, khi đầu tư, các quỹ không chỉ xem xét báo cáo, mà còn phân tích đánh giá từng yếu tố về ESG, trao đổi và khảo sát thực tế tại doanh nghiệp để xác định được doanh nghiệp có “xanh thật” hay không.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT chia sẻ câu chuyện tại FPT để thấy, phát triển xanh, bền vững có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp: “FPT muốn ký hợp đồng, hợp tác với các doanh nghiệp lớn trên thế giới, đặc biệt là các hợp đồng có quy mô chục triệu, trăm triệu USD thì phải có chuyển đổi xanh. Nếu không có ‘xanh’, đối tác không ký”.

Ông cũng lấy ví dụ tại một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần May Hồ Gươm. Trước đây, May Hồ Gươm rất chật vật trong tìm kiếm đơn hàng, lãnh đạo Công ty đã thay đổi tư duy, tập trung triển khai ESG và hiện nay, khách hàng xếp hàng để doanh nghiệp lựa chọn. Ông Bình kết luận: “ESG đem lại những lợi ích thực thụ”.

Từ khóa trọng yếu

Ông Nguyễn Thế Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT

Tại FPT, chúng tôi cam kết tiên phong ở Việt Nam trong các hoạt động nhằm giảm tác động phát thải khí nhà kính đạt Net Zero vào năm 2040 và có ảnh hưởng tích cực tới môi trường sống, làm việc và học tập của hơn 1 triệu người lao động đến năm 2035.

Với chúng tôi, ESG tạo thêm sức mạnh để FPT phát huy giá trị cốt lõi tiếp tục thực hiện sứ mệnh Tập đoàn toàn cầu trường tồn và hạnh phúc.

Khi các nhà đầu tư, đối tác, khách hàng và cả người lao động quan tâm nhiều hơn về ESG, doanh nghiệp cần lập báo cáo phát triển bền vững, ở mức đơn giản nhất là tuân thủ theo quy định trong nước hoặc cao hơn là theo chuẩn mực của các tổ chức lớn trên thế giới. Đây là những cánh cửa mở ra các cơ hội mới mà có thể doanh nghiệp cũng bất ngờ như câu chuyện về May Hồ Gươm mà ông Bình nêu.

Với FPT, ESG đã trở thành nhu cầu tự thân của doanh nghiệp từ cách đây hàng chục năm. Đó là ý thức bảo vệ môi trường, là những quy chuẩn, quy trình vận hành doanh nghiệp theo các thông lệ tốt nhất của OECD, là trách nhiệm xã hội với các bên liên quan, nhằm tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng. Dự án Trường Hope (ngôi trường nuôi dạy trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19) theo sáng kiến của Chủ tịch Trương Gia Bình đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng về tính nhân văn của doanh nghiệp.

Trên thị trường chứng khoán, FPT hiện là cổ phiếu công nghệ duy nhất được xếp trong danh mục 20 cổ phiếu thành phần chỉ số VNSI (Chỉ số phát triển bền vững) do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đánh giá. Từ năm 2021, FPT đã triển khai báo cáo ESG tích hợp trong Báo cáo thường niên. Năm 2023, Tập đoàn tách riêng báo cáo ESG và công bố cam kết về Net Zero cùng báo cáo các chỉ số về phát thải khí nhà kính ở phạm vi 1 và 2. Đồng thời, Báo cáo ESG của tập đoàn này cũng đưa ra các vấn đề trọng yếu, mục tiêu cùng những chương trình hành động cụ thể như cam kết duy trì một môi trường làm việc bình đẳng, tôn trọng cá nhân, không phân biệt đối xử, tỷ lệ nhân viên nữ luôn đạt trên 35% và số quốc tịch của cán bộ nhân viên luôn trên con số 70.

Thêm bước tiến trên hành trình xanh, mới đây, FPT đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) nhằm hỗ trợ FPT thiết lập kế hoạch đạt Net Zero vào năm 2040. FPT là công ty công nghệ đầu tiên của Việt Nam tham gia hợp tác với Chương trình V-LEEP II.

6 tháng đầu năm 2024, các lĩnh vực trọng yếu của FPT đều tăng trưởng hai con số. Từ khóa mà đối tác gia tăng hợp tác với FPT nói riêng và Việt Nam nói chung, theo Chủ tịch Trương Gia Bình, tiếp tục gồm AI, bán dẫn, xe điện, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Linh Anh
Theo Đặc san Toàn cảnh Doanh nghiệp Niêm yết 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục