Chuyện về "chiếc vành móng ngựa"
Những ngày đầu năm 2018, phiên tòa xét xử vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng được dư luận quan tâm một cách đặc biệt. Sự đặc biệt không chỉ đến từ thân phận bị cáo, mà còn đến từ thông báo của thẩm phán phiên tòa.
Trước ngày xét xử, thẩm phán Trương Việt Toàn đã trả lời với báo chí “phiên xét xử này là một trong những phiên tòa đầu tiên áp dụng Bộ luật Tố tụng Hình sự mới (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018). Về hình thức xét xử, phòng xử không có vành móng ngựa…”.
Chỉ bằng ấy chia sẻ, nhóm phóng viên pháp đình (chuyên theo dõi tòa án) đã có những tin bài "hot" trên mặt báo và dư luận đã đón nhận thông tin này bằng những phản hồi tích cực.
Từ sau 1/1/2018, mô hình những phiên tòa hình sự không có vành móng ngựa bắt đầu được triển khai. Ở một góc độ khác, điều này có tác động ít nhiều tới nhóm phóng viên pháp đình, bởi lẽ, những tít bài cổ điển như “phía sau vành móng ngựa” chắc chắn sẽ không còn xuất hiện. Sự biến mất của chiếc vành móng ngựa quen thuộc đã mang thêm ý nghĩa rất mới mẻ.
Trong tiềm thức mỗi người, những phiên tòa hình sự thường gắn chặt với hình ảnh bị cáo mặc áo kẻ sọc phạm nhân đứng trong vành móng ngựa - chiếc chắn khum khum giống như đường lượn của chiếc móng con ngựa. Cái khuôn hình đặc biệt đó trông qua ai cũng biết đó là nơi dành riêng cho bị cáo - người mang thân phận bị phán xử đứng vào.
Tâm lý chung của người đứng trước vành móng ngựa là bị buộc tội và phán xét. Hình ảnh vành móng ngựa cũng là dấu hiệu đặc trưng và riêng biệt để mọi người phân biệt phiên tòa hình sự và các phiên tòa dân sự, lao động… Chiếc vành móng ngựa từ đó cũng mang ý nghĩa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
Thành ngữ “trước vành móng ngựa” cũng thường được hiểu là một người chịu sự phán quyết của pháp luật. Trong khi một nguyên tắc xuyên suốt được Hiến pháp công nhận, đó là người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luận định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, một số quan điểm nghiên cứu cho rằng, từ tập quán lâu đời của người châu Âu về chiếc móng ngựa, kết hợp với các nguyên tắc pháp lý được áp dụng rộng rãi tại các quốc gia, chiếc “vành móng ngựa” đặt trước mặt bị cáo trong phiên tòa hình sự được hiểu như biểu trưng của nguyên tắc “suy đoán vô tội”.
Hình ảnh này hàm ý việc bảo bọc, chở che người vô tội trước định kiến (nếu có) của người "cầm cân nảy mực". Đồng thời, chính nó cũng sẽ là vật cầm giữ cái xấu hay sự kết thúc một tội ác, chống lại con người, biểu hiện cho nền văn minh nhân loại, thể hiện dưới góc độ luật học.
Mỗi nền văn hóa có những góc độ và cách nhìn nhận khác nhau, nhưng ở Việt Nam, việc xóa bỏ vành móng ngựa và thay bằng bục khai báomang nhiều nét mới mẻ, phần nào thể hiện tinh thần nguyên tắc “suy đoán vô tội”.
Những quy định mới về phòng xử án được nêu tại Thông tư số 01/2017 của Tòa án nhân dân tối cao có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Mỗi phòng xử án phải được bố trí trang nghiêm, bảo đảm an ninh, trật tự phiên tòa. Việc bố trí phòng xử án thể hiện vị trí, vai trò trung tâm của Hội đồng xét xử, bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Cũng theo mô hình mới, tại phiên tòa hình sự sơ thẩm và phúc thẩm, luật sư được bố trí chỗ ngồi ngang bằng với đại diện Viện Kiểm sát nhân dân. Vị trí của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân và vị trí của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được bố trí đối diện với nhau và ở dưới vị trí của thư ký phiên tòa.
Trong khi đó, tại phiên tòa tái thẩm, giám đốc thẩm, vị trí của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân được bố trí phía dưới và đối diện với vị trí của thư ký phiên tòa.Vị trí của người tham gia tố tụng như người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, đương sự, người bị kết án được bố trí ngang hàng và ở dưới vị trí của đơn vị chức năng của tòa án.Vẫn vị trí cũ, nhưng chỗ đứng mới là trước mặt bàn, thay vì vành móng ngựa, bị cáo có thể tranh luận, bào chữa bình đẳng với các bên.
Bộ luật mới: Nhiều điểm đột phá
Cùng với sự thay đổi về hình thức, hàng loạt quy định mới về nội dung, thủ tục tố tụng cũng được triển khai khi Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7/2017. Một trong những điểm nổi bật có thể nhắc đến là trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể triệu tập điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án (Điều 296). Đây là quy định rất mới và có ý nghĩa đối với những vụ án hình sự, đặc biệt nâng cao tinh thần tranh tụng, tránh tình trạng bỏ sót tình tiết.
Điển hình như tại vụ án Trịnh Xuân Thanh diễn ra trong tháng 1/2018, trong kết luận điều tra và cáo trạng có kết luận: “Quá trình điều tra bị can khai báo không thành khẩn, quanh co chối tội. Sau khi phạm tội bị can đã bỏ trốn gây khó khăn, cản trở cho quá trình điều tra là những tình tiết cần xem xét để áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc". Luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng, đây là tình tiết gây bất lợi cho thân chủ. Bởi vậy, Hội đồng xét xử đã triệu tập điều tra viên đến phiên tòa để làm rõ nội dung trên.
Hay như trong phiên xét xử vụ án Phạm Công Danh, để làm rõ khoản vay 4.700 tỷ đồng do các bị cáo thực hiện, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM cũng mời điều tra viên vụ án để hỏi về vấn đề thu hồi thiệt hại.
Không chỉ đảm bảo quyền tranh tụng, Bộ luật mới cũng có những ảnh hưởng và tác động đến việc bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Mặc dù không được ghi nhận trực tiếp, nhưng một số điều luật rải rác đã đề cập đến “quyền im lặng” của người bị tạm giữ/bị can/bị cáo.
Theo Mục e, Khoản 1, Điều 58-Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và người bị bắt theo quyết định truy nã có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình, hoặc buộc phải nhận có tội.
Hoặc Khoản 2 các Điều 59, 60 và 61 quy định người bị tạm giữ/bị can/bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
Vụ án Trương Hồ Phương Nga là vụ án được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2017, vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, bị cáo sử dụng quyền im lặng và phát huy hiệu quả (hiện vụ án đang được tạm đình chỉ điều tra).
Trong khi nhà lập pháp đang nỗ lực thực hiện cải cách tư pháp, thì người dân cần thiết trang bị kiến thức về pháp luật để hiểu và nắm rõ quyền, nghĩa vụ của mình, để những phiên tòa thực sự mang tính chất công bằng, công khai, dân chủ.