Khi tổ chức tội phạm Trương Mỹ Lan “tung hoành” - Bài 5: Không bịt lỗ hổng pháp lý, họa lớn cho thị trường tài chính

0:00 / 0:00
0:00
Tồn tại rất nhiều lỗ hổng pháp lý trong kiểm soát trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, kiểm soát dòng tiền “vượt biên” và “băng nhóm” của Trương Mỹ Lan đã lợi dụng những lỗ hổng này để ồ ạt phát hành trái phiếu với mục đích lừa đảo, làm khủng hoảng thị trường trái phiếu, gây nên đại án có số người bị hại lớn nhất trong lịch sử tố tụng.
Những lỗ hổng pháp lý đã bị các bị cáo trong “băng nhóm” của Trương Mỹ Lan lợi dụng khai thác, gây nên “đại án lịch sử” Những lỗ hổng pháp lý đã bị các bị cáo trong “băng nhóm” của Trương Mỹ Lan lợi dụng khai thác, gây nên “đại án lịch sử”

Lỗ hổng trong quy định về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Liên quan vấn đề lỗ hổng pháp luật trong quy định về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đầu năm 2023, phóng viên Báo Đầu tư đã điều tra và có bài viết phân tích rõ, ngày 31/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định, đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ “nhiều không”, chỉ được bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, bởi loại hình trái phiếu này có rủi ro lớn hơn trái phiếu chào bán ra công chúng.

Nhưng trước “giờ G” nói trên, Trương Mỹ Lan đã cho 4 công ty ồ ạt phát hành loại trái phiếu có mức độ rủi ro cao nhất để “lách”, gồm 3 mã trái phiếu của Công ty An Đông (năm 2018, 2019), 1 mã trái phiếu của Công ty Quang Thuận (năm 2018), 1 mã trái phiếu của Sunny World (năm 2018) và 20 mã trái phiếu của Setra (năm 2020). Các trái phiếu này đã được lừa bán cho nhà đầu tư, thu về hơn 30.000 tỷ đồng, gây nên “cơn uất nghẹn lịch sử” cho hơn 35.000 khổ chủ.

Rất “nhanh chân”, 4 công ty nói trên đã tận dụng nhiều điều kiện được quy định trước đó tại Nghị định số 90/2011/NĐ-CP (ngày 14/10/2011) và Nghị định số 163/2018/NĐ-CP (ngày 4/12/2018). Các nghị định này chưa quy định điều kiện bắt buộc về đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”, mà chỉ quy định chung chung: “đối tượng mua trái phiếu là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài”.

Không chỉ vậy, 4 công ty phát hành còn “thoát” hàng loạt quy định kiểm soát khác, như việc kiểm tra hồ sơ, giám sát mục đích sử dụng vốn hoàn toàn không có cơ quan quản lý nhà nước nào can thiệp, mà doanh nghiệp “tự lo, tự chịu”.

Tại kết luận điều tra mới ban hành về đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II, C03 chỉ rõ, 4 công ty đã lách quy định “phát hành trái phiếu cho dưới 100 nhà đầu tư cá nhân” và “không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp...” của nghị định liên quan, lập, ký kết mua bán cổ phần, trái phiếu, vay tiền khống giữa các tổ chức phát hành với các trái chủ sơ cấp, các công ty đối tác… nhằm hợp thức mục đích phát hành trái phiếu, hợp pháp hóa tư cách trái chủ sơ cấp, từ đó hoàn thành việc tạo lập 25 gói trái phiếu khống.

Bởi vậy, C03 kiến nghị các bộ, ngành liên quan tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo chặt chẽ các điều kiện phát hành trái phiếu, có biện pháp kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn huy động và nguồn lực đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của các tổ chức phát hành.

Lỗ hổng trong kiểm soát

Ngoài 25 mã trái phiếu, C03 còn kiến nghị, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc trả nợ trái phiếu, đối với các lô trái phiếu của các Công ty thuộc Vạn Thịnh Phát còn dư nợ.

Điều này cũng thể hiện, việc kiểm soát trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trước đây không được thực hiện, mới gây nên “đại họa” hôm nay, khi hơn 35.000 trái chủ bị chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng.

Cụ thể, cả 4 công ty (An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra) đều không phải là công ty đại chúng; 25 gói trái phiếu đều ở dạng trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không tài sản đảm bảo, được thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, Nghị định số 90/2011/NĐ-CP, Nghị định số 163/2018/NĐ-CP và Thông tư số 21l/2012/TT-BTC ngày 5/12/2012 của Bộ Tài chính.

Theo các văn bản pháp luật trên, việc phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành và giám sát việc huy động, sử dụng vốn, thanh toán lãi, gốc trái phiếu thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị, hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty, tức là doanh nghiệp “tự biên, tự diễn”.

Cả 4 công ty (An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra) đều không thuộc quản lý, giám sát của UBCKNN, không phải nộp hồ sơ đến UBCKNN; không phải đăng ký, không cần phải được UBCKNN và HNX chấp thuận. UBCKNN và HNX không có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp này.

Bởi lỗ hổng trên, C03 phải kết luận, không phát hiện sai phạm ở UBCKNN và HNX, rồi chỉ kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cần bổ sung, sửa đổi quy định của pháp luật phù hợp trong công tác quản lý nhà nước và tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Lỗ hổng trong quy định về thành lập doanh nghiệp

Tại “đại án” Vạn Thịnh Phát, cả giai đoạn I và giai đoạn II đều cho thấy, Trương Mỹ Lan khó lòng lừa đảo, chiếm đoạt, rửa và vận chuyển thành công số tiền quá lớn, nếu như không có “tệp” công ty.

“Bà trùm” đã dễ dàng lập ra tới 1.470 công ty, phần lớn là công ty “ma”, sử dụng gần 1.800 cá nhân để đứng tên. Trong đó, Trương Mỹ Lan dùng 656 công ty để vay tiền SCB; dùng 85 công ty để chuyển tiền từ Việt Nam đi nước ngoài và 63 công ty để nhận tiền từ các công ty nước ngoài chuyển về Việt Nam thông qua SCB. Cùng với đó, có gần 50 công ty được sử dụng để tạo lập, phát hành trái phiếu và hàng trăm công ty khác được thành lập cho các mục đích mua tài sản, đứng tên dự án, cơ cấu lại sở hữu cổ phần, chuyển nhượng cổ phần, tài sản theo mục đích của Trương Mỹ Lan.

Việc thành lập số lượng lớn công ty “ma” nêu trên còn là tiền đề cho việc thực hiện thủ thuật tài chính mà tập đoàn tội phạm này thường gọi là “giải quỹ”, tức là cho các công ty “ma” chuyển tiền cho các cá nhân dưới hình thức “hứa chuyển nhượng cổ phần” với mức đơn giá cổ phần được nâng khống lên nhiều lần; làm căn cứ chuyển tiền và rút tiền ra khỏi hệ thống SCB mà không làm phát sinh thuế theo quy định của pháp luật.

Ứng dụng của thủ thuật “giải quỹ” được sử dụng cho việc rút tiền (dòng tiền thật) từ các khoản giải ngân của SCB nhằm cắt đứt dòng tiền, che giấu mục đích sử dụng; chạy “kỹ thuật” các dòng tiền khống trong quá trình tạo lập trái chủ sơ cấp, hay rút tiền từ nước ngoài chuyển về...

Từ thực tế vụ án, C03 kiến nghị các bộ, ngành liên quan tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm kiểm soát, không để xảy ra hiện tượng thành lập doanh nghiệp tràn lan, không hoạt động thực tế, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng phục vụ cho các hoạt động phạm tội.

Lỗ hổng giám sát rửa tiền và chuyển tiền “vượt biên”

Có 2 cơ quan phải giám sát hoạt động này, đó là: Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước), có vai trò tiếp nhận thông tin, phân tích, xử lý báo cáo, thông tin nghi ngờ liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc tội phạm khác liên quan đến rửa tiền; Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), có nhiệm vụ thống kê, theo dõi số liệu trên cơ sở số liệu báo cáo tổng hợp của từng ngân hàng.

Từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/10/2022, SCB đã báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền 313.705 giao dịch chuyển đi, nhận về và 151 báo cáo giao dịch đáng ngờ.

Đối với 313.705 giao dịch, theo Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 4/10/2013 của Chính phủ, thì trước thời điểm khởi tố vụ án (ngày 7/10/2022), 85 công ty thuộc Vạn Thịnh Phát chuyển tiền ra nước ngoài và 63 công ty nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam đều không thuộc các đối tượng “bị điều tra, truy tố, xét xử, nằm trong danh sách cảnh báo, liên quan đến người bị kết án…”. Vì vậy, Cục Phòng, chống rửa tiền không có cơ sở để xác định trong số 313.705 giao dịch trên có giao dịch liên quan đến hoạt động rửa tiền, vận chuyển tiền.

Với 151 báo cáo giao dịch đáng ngờ, lại không có danh sách các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát chuyển và nhận tiền từ nước ngoài, nên Cục Phòng, chống rửa tiền cũng không có cơ sở để phân tích, nghi ngờ.

Còn Vụ Quản lý ngoại hối lại không có chức năng kiểm tra, thanh tra hoạt động ngoại hối của các tổ chức, cá nhân nói chung cũng như giao dịch ngoại hối chuyển tiền ra nước ngoài và về Việt Nam nói riêng. Nên quá trình theo dõi số liệu tổng hợp của SCB cung cấp, Vụ không có cơ sở để phát hiện sự bất thường.

“Như vậy, không có căn cứ xem xét trách nhiệm của Cục Phòng, chống rửa tiền; Vụ Quản lý ngoại hối…”, C03 đã phải kết luận như vậy và phải kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để đảm bảo chặt chẽ về các điều kiện chuyển tiền, có biện pháp kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng thực hiện chức năng chuyển tiền quốc tế.

Doanh nghiệp là “xương sống” của nền kinh tế. Hoạt động tài chính là “dòng máu” của “xương sống” đó. Thực tế các đại án vừa qua cho thấy, chỉ cần một lỗ hổng nhỏ trong pháp lý về tài chính, sẽ gây ra “đại họa” khôn lường. Vì vậy, bịt lỗ hổng pháp lý là việc vô cùng cấp bách.

Tại Kỳ họp thứ 42, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị thi hành kỷ luật Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016 - 2021 và cá nhân liên quan, bởi đã để Bộ Tài chính và một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định liên quan trong công tác quản lý và tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách về phát hành, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó có các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn An Đông; trong quản lý nhà nước về ngân sách có liên quan đến Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước và thiệt hại cho nhà đầu tư trái phiếu, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh và trật tự an toàn xã hội, gây dư luận xấu, bức xúc, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng và cơ quan quản lý nhà nước.

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục